Nga đầu tư lớn, phá vỡ thế độc quyền đất hiếm của Trung Quốc

Hương Vũ

(Dân trí) - Chính phủ Nga đang lên kế hoạch đầu tư hơn 1,5 tỷ USD vào khai thác đất hiếm, nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Nga đầu tư lớn, phá vỡ thế độc quyền đất hiếm của Trung Quốc - 1
Trung Quốc đến nay vẫn thống trị nguồn cung đất hiếm toàn cầu. Ảnh: Getty

Đầu những năm 90, phần lớn kim loại đất hiếm trên thế giới được khai thác tại mỏ Mountain Pass ở Mỹ. Nhưng sau đó, người ta phát hiện trữ lượng lớn nhất thế giới của tài nguyên quý hiếm này nằm ở Trung Quốc, lên tới 37%.

Hiện tại, Trung Quốc kiểm soát phần lớn thị trường khai thác và chế biến kim loại đất hiếm trên toàn cầu, chiếm 63% tổng nguồn cung.

Tuy nhiên, nước Nga mới đây đã tuyên bố đang phát triển một chiến lược nguyên liệu mới, nhằm giảm sự phụ thuộc vào việc cung cấp nguyên liệu thô từ Trung Quốc, trong đó có kế hoạch khai thác đất hiếm lên tới 1,5 tỷ USD.

Tính đến nay, Nga đang sở hữu trữ lượng 12 triệu tấn đất hiếm, chiếm 10% tổng trữ lượng toàn cầu và chính phủ nước này cũng tuyên bố luôn sẵn sàng hỗ trợ bất kỳ khoản đầu tư nước ngoài nào.

Nga đầu tư lớn, phá vỡ thế độc quyền đất hiếm của Trung Quốc - 2
Trong bối cảnh thiếu những nhà đầu tư tiềm năng của Nga, Moscow đang nhiệt tình mời các nhà đầu tư Ấn Độ khai thác đất hiếm ở Viễn Đông. Ảnh: Reuters

Alexei Besprozvannykh, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp và Thương mại Nga - cho biết, Nga đang giảm thuế khai thác và các khoản vay rẻ hơn cho các nhà đầu tư trong danh sách 11 dự án được thiết kế để tăng tỷ trọng sản lượng đất hiếm toàn cầu của Nga lên 10% vào năm 2030, từ mức 1,3% như hiện nay.

Ông nói, các dự án của Nga sẽ đòi hỏi vốn đầu tư ít nhất 1,5 tỷ USD.

Thứ trưởng Besprozvannykh nhận định: “Trung Quốc sẽ giữ vị trí thống trị thị trường của mình, nhưng mục tiêu tối thiểu mà nước Nga cần đạt được phải đứng sau Trung Quốc vào năm 2030 ”.

Cho đến nay, việc xử lý đất hiếm hầu như do Trung Quốc kiểm soát hoàn toàn, ngoại trừ một nhà máy ở Malaysia, do Australia’s Lynas Corp điều hành, và Mỹ đang phục hồi sản xuất.

Thứ trưởng cho biết, 11 dự án khai thác, bao gồm phát triển mỏ Tomtor ở vùng viễn đông của Nga, sẽ cho phép Nga gần như tự cung cấp nguyên tố đất hiếm và bắt đầu xuất khẩu vào năm 2026.

Ông còn phát biểu thêm rằng, đến năm 2024, sản lượng tinh quặng đất hiếm của Nga có thể đạt 7.000 tấn một năm. Trước đó, vào năm 2019, Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ ước tính sản lượng của Nga đang đạt mức 2.700 tấn.

Nga đầu tư lớn, phá vỡ thế độc quyền đất hiếm của Trung Quốc - 3
Tỷ lệ sản lượng đất hiếm toàn cầu năm 2018. Ảnh: Reuters

Đất hiếm là khoáng sản quan trọng đối với việc sản xuất điện thoại thông minh, tên lửa, pin... dành cho các thiết bị điện và nhiều sản phẩm công nghệ cao khác. Mỹ phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nhập khẩu kim loại và hợp chất đất hiếm. Trung Quốc trong khi đó vẫn là nguồn cung lớn nhất cho Mỹ, chiếm tới 80%, dữ liệu của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, cho biết.

Với vị thế độc quyền đất hiếm như hiện nay, đây luôn được coi là một quân bài đáng gờm đối với các nước trên thế giới khi có ý định đối đầu với Trung Quốc.

Năm 2010, sau khi Nhật Bản tuyên bố quốc hữu hóa quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư), Trung Quốc đã giảm nguồn cung đất hiếm cho Tokyo. Nhật Bản buộc phải chuyển sang nhập khẩu từ công ty Lynas. Năm 2011, Tập đoàn Sojitz của Nhật Bản cùng với Tập đoàn Dầu khí và Kim loại quốc gia Nhật Bản đã hỗ trợ 250 triệu USD để giúp Lynas thúc đẩy sản xuất, đổi lại Lynas cam kết ổn định nguồn cung đất hiếm cho Nhật Bản. Nhật Bản mất một thập niên để giảm dần phụ thuộc đất hiếm vào Trung Quốc và Mỹ cũng không phải ngoại lệ.