1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

"Xuất hiện dấu hiệu suy giảm tăng trưởng kinh tế"

(Dân trí) - Phát biểu tại phiên khai mạc Quốc hội sáng nay 21/5, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Nền kinh tế đã xuất hiện những dấu hiệu suy giảm; Việc thực hiện chính sách tài khoá thắt chặt, chính sách tiền tệ chặt chẽ làm cho doanh nghiệp gặp khó khăn.

Hệ lụy của thắt chặt chính sách tiền tệ và tài khóa

Tại Báo cáo “Bổ sung tình hình kinh tế - xã hội năm 2011, tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2012 và những giải pháp chủ yếu tập trung chỉ đạo, điều hành trong những tháng còn lại của năm 2012” của Chính phủ , Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho hay: trong 4 tháng đầu năm 2012, tình hình kinh tế - xã hội nước ta đã có những chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả bước đầu.
 
Xuất hiện dấu hiệu suy giảm tăng trưởng kinh tế
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo trước Quốc hội (Ảnh: Việt Hưng)
 
Cụ thể, lạm phát được kiềm chế, tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) đã giảm từ giữa năm 2011 và giảm mạnh trong những tháng gần đây, 4 tháng đầu năm CPI chỉ tăng 2,6%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước.
 
Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất đã giảm dần, tỷ giá ổn định, cán cân thanh toán được cải thiện. Trần lãi suất tiền gửi đã được điều chỉnh giảm từ 14% xuống còn 12%; lãi suất vay tín dụng đã giảm so với đầu năm, xu thế này đang được chỉ đạo đẩy nhanh và linh hoạt theo biến động của thị trường và diễn biến của lạm phát.
 
Hiện tại, Chính phủ đang chỉ đạo thực hiện chính sách tín dụng hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp chế biến, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, chương trình đầu tư nhà ở xã hội, qua đó góp phần giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện niềm tin của thị trường.
 
Việc tiến hành tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại đang được triển khai khẩn trương, đã phân nhóm để có biện pháp quản lý thích hợp; mức độ an toàn và thanh khoản của hệ thống ngân hàng bước đầu được cải thiện. Tình trạng “đô la hóa” và “vàng hóa” đã được kiềm chế…

Tuy nhiên, theo đánh giá của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, bên cạnh những kết quả trên đây, tình hình kinh tế - xã hội nước ta vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức lớn. Thực tế đã xuất hiện những dấu hiệu suy giảm tăng trưởng kinh tế. Tốc độ tăng trưởng GDP quý I năm 2012 chỉ đạt 4%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2011 (5,57%) và năm 2010 (5,84%); Trong đó công nghiệp, xây dựng chỉ tăng 2,94% .

Việc thực hiện chính sách tài khoá thắt chặt, chính sách tiền tệ chặt chẽ đã góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô nhưng cũng để lại hệ quả là làm cho doanh nghiệp gặp khó khăn, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Lãi suất vay còn cao, nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận và hấp thụ vốn; chi phí đầu vào lớn, sản phẩm tiêu thụ chậm, tồn kho cao, dẫn đến quy mô sản xuất phải thu hẹp, nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động hoặc phá sản, giải thể, lao động mất việc làm tăng, gây sức ép lớn đến ổn định xã hội và đời sống của nhân dân. Trong 4 tháng đầu năm 2012, cả nước có trên 17.700 doanh nghiệp đã làm các thủ tục giải thể và ngừng hoạt động, tăng khoảng 9,5% so với cùng kỳ.

Tuy lạm phát giảm mạnh nhưng lãi suất vay ngân hàng vẫn còn cao. Nợ xấu của hệ thống ngân hàng gia tăng. Nhập khẩu giảm mạnh, nhất là khối doanh nghiệp trong nước. Việc giảm nhập khẩu nguyên liệu, vật tư sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đầu tư và phát triển sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới, nhất là sản xuất hàng xuất khẩu.

Tập trung tháo gỡ khó khăn
 
Xuất hiện dấu hiệu suy giảm tăng trưởng kinh tế
Kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XIII được nhận định sẽ "nóng" với nhiều vấn đề kinh tế quan trọng 

Căn cứ các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 mà các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã đề ra đồng thời xuất phát từ tình hình thực tiễn khó khăn của nền kinh tế trong những tháng gần đây, Chính phủ xác định nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, đồng thời tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô để tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững; từng bước thực hiện có kết quả chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Trong đó tập trung vào các nội dung chủ yếu như: Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư, đồng thời tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; Thực hiện tốt nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh; Thực hiện tốt hơn việc bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, bảo vệ môi trường..

Với nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh, Phó Thủ tướng cho hay sẽ thực hiện chủ trương tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Chính phủ đang khẩn trương xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn để trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2012.

Theo đó, thực hiện có kết quả lộ trình cơ cấu lại hệ thống tài chính, ngân hàng mà trọng tâm là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại, nâng cao chất lượng dịch vụ, hiệu quả kinh doanh và bảo đảm an toàn của cả hệ thống; thực hiện các giải pháp xử lý phù hợp đối với nhóm ngân hàng yếu kém, đồng thời bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền. Thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của thị trường chứng khoán và các dịch vụ tài chính, đảm bảo công khai, minh bạch, tạo kênh huy động vốn dài hạn, bền vững cho nền kinh tế.

Ngoài ra, Chính phủ cũng tập trung đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước theo hướng xác định rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của doanh nghiệp nhà nước để khu vực doanh nghiệp nhà nước có cơ cấu tổ chức hợp lý, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh, thực hiện tốt hơn vai trò, nhiệm vụ được giao.
 
Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính; công khai, minh bạch kết quả kinh doanh, tình hình tài chính. Tăng cường trách nhiệm của lãnh đạo doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước, chức năng giám sát của chủ sở hữu. Đổi mới phương thức quản lý, thực hiện có hiệu quả cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước. Thực hiện tốt tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước cũng góp phần thúc đẩy quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế.

Về mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, Chính phủ sẽ tập trung rà soát, hoàn thiện quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính đồng bộ và liên kết giữa các loại quy hoạch. Tăng cường kiểm tra, giám sát và quản lý phát triển theo quy hoạch của các ngành, địa phương, bảo đảm sự kết hợp giữa quy hoạch ngành với quy hoạch vùng; Rà soát, đánh giá thực trạng để có giải pháp khai thác và phát huy hiệu quả các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế cửa khẩu…

Nguyễn Hiền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm