Xử lý sự cố ngân hàng bị rút tiền hàng loạt: "Nóng" vấn đề can thiệp sớm
(Dân trí) - Ủy ban Kinh tế đề nghị nghiên cứu, rà soát, chỉnh sửa về biện pháp can thiệp khi ngân hàng bị rút tiền hàng loạt do hiện dự thảo luật Ngân hàng Nhà nước trình chỉ nêu được biện pháp "bên ngoài".
Tại phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 9/5, thừa ủy quyền của Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã trình bày Tờ trình dự án Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi.
Dự thảo đã bổ sung quy định xử lý sự cố rút tiền hàng loạt
Về nội dung can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại, phá sản, giải thể tổ chức tín dụng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm một số quốc gia, trong đó có trường hợp xử lý khủng hoảng của Silicon Valley Bank và Signature Bank (Mỹ), hoặc trường hợp Ngân hàng Credit Suisse (Thụy Sỹ) và để đảm bảo có cơ chế ứng phó kịp thời khi phát sinh trường hợp tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt có nguy cơ ảnh hưởng, đe dọa an toàn hệ thống, dự thảo Luật bổ sung quy định về các biện pháp xử lý khi có sự cố rút tiền hàng loạt.
Dự thảo luật cũng kế thừa quy định về áp dụng can thiệp sớm tại luật hiện hành và có sửa đổi, bổ sung để giải quyết những bất cập thời gian qua.
Về quy định liên quan đến khoản vay đặc biệt, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định về trường hợp tổ chức tín dụng được vay đặc biệt trước và sau khi được kiểm soát đặc biệt để giải quyết kịp thời sự cố khách hàng rút tiền hàng loạt tại tổ chức tín dụng thời gian qua. Dự thảo luật cũng bổ sung quy định cụ thể về tài sản bảo đảm của khoản vay đặc biệt, lãi suất khoản vay đặc biệt, các biện pháp hỗ trợ tổ chức tín dụng cho vay đặc biệt…
Cần đánh giá kỹ lưỡng tác động
Liên quan tới nội dung này, tại báo cáo thẩm tra dự án Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, can thiệp từ sớm là rất cần thiết. Tuy nhiên, các quy định tại chương này chưa thể hiện đúng bản chất của việc can thiệp sớm mà chủ yếu xử lý tình trạng tổ chức tín dụng đã gặp khó khăn rất rõ ràng, gây ảnh hưởng lớn đến an toàn hệ thống cần phải được hỗ trợ.
Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng, các biện pháp can thiệp sớm chưa thấy rõ vai trò, trách nhiệm của cổ đông hoặc thành viên góp vốn để khắc phục vấn đề trong khi sử dụng gián tiếp nhiều nguồn lực của Nhà nước. Ngoài ra, thời gian để thực hiện quy trình, thủ tục can thiệp sớm trong dự thảo luật là khá dài, kinh nghiệm xử lý các ngân hàng yếu kém của các nước trong thời gian qua cho thấy các quyết định xử lý phải được đưa ra và thực hiện nhanh chóng.
Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục nghiên cứu rà soát, chỉnh sửa đồng bộ giữa các biện pháp, đồng thời cần bảo đảm nguyên tắc tăng cường trách nhiệm của tổ chức tín dụng ngay từ sớm, giảm thiểu sự hỗ trợ từ phía Nhà nước trong giai đoạn này.
Về khoản vay đặc biệt, Ủy ban đề nghị làm rõ cơ sở, sự cần thiết, đánh giá tác động kỹ lưỡng đối với việc sửa đổi quy định về lãi suất cho vay đặc biệt "là 0%"; cơ sở đề xuất biện pháp chỉ định cho vay đặc biệt, việc lựa chọn tổ chức tín dụng được chỉ định cho vay đặc biệt và phân bổ số tiền cho vay; sự cần thiết của việc hỗ trợ các tổ chức tín dụng cho vay đặc biệt cũng như được chỉ định cho vay đặc biệt; đánh giá tác động của việc cho vay đặc biệt đối với chính các tổ chức tín dụng được chỉ định này. Nhiều ý kiến đề nghị làm rõ trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước và các bên liên quan trong trường hợp không thu hồi được khoản vay đặc biệt.
Về biện pháp can thiệp trong trường hợp tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt, Ủy ban Kinh tế cho rằng, các biện pháp nêu tại Điều 148 chỉ bao gồm các biện pháp hỗ trợ từ "bên ngoài" (chủ yếu từ Ngân hàng Nhà nước) mà chưa có những biện pháp "tự thân" của tổ chức tín dụng để nhanh chóng khắc phục tình trạng rút tiền hàng loạt. Ủy ban Kinh tế đề nghị nghiên cứu, rà soát, chỉnh sửa nội dung này.
Về các phương án đối với tổ chức tín dụng được can thiệp sớm, Ủy ban Kinh tế thấy rằng các phương án tại dự thảo luật chủ yếu từ các biện pháp xử lý tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt theo luật hiện hành, chưa phản ánh đúng bản chất của việc "can thiệp sớm" cũng như chưa quy định thời hạn cụ thể để khắc phục sớm tình trạng can thiệp sớm.