1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Xử lý nợ xấu: Con nợ tạo ra tranh chấp mới, ngân hàng xuống nước, miễn lãi

(Dân trí) - Khi đi đòi nợ, khách không hợp tác ngân hàng thường kiện ra tòa, nhưng các con nợ lại tạo tranh chấp mới để gây khó khăn chậm lại quá trình; từ đó, buộc các ngân hàng phải xuống nước, miễn lãi...

Sáng nay 30/9, Ngân hàng Nhà nước và Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức Diễn đàn Toàn cảnh ngân hàng 2020: “Tái cơ cấu, xử lý nợ xấu: Kết quả và khuyến nghị chính sách” (Vietnam Banking Forum 2020).

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cho biết: Ngày 21/6/2017, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 42. Song song với quá trình xây dựng Nghị quyết của Quốc hội xử lý nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước cũng đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 1058 và Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.

Xử lý nợ xấu: Con nợ tạo ra tranh chấp mới, ngân hàng xuống nước, miễn lãi - 1

Ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phát biểu tại Vietnam Banking Forum 2020 (Ảnh: H. Thắng)

Đến nay, về cơ bản, các tổ chức tín dụng đã không ngừng nỗ lực triển khai phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 để phấn đấu đạt được các mục tiêu đề ra; sự ổn định, an toàn của hệ thống các tổ chức được giữ vững, đảm bảo các tỷ lệ, giới hạn an toàn trong hoạt động theo quy định của pháp luật. Cùng với đó, chất lượng tín dụng của các tổ chức tín dụng được cải thiện, tỷ lệ nội bảng được kiểm soát dưới mức 2%...

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Trần Đăng Phi, Phó Chánh thanh tra, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng cho hay: Giai đoạn trước tỷ lệ nợ xấu là 17,2% nhưng hiện nay chất lượng tín dụng đã được cải thiện, trở nên tốt hơn nhiều. Tình trạng sở hữu chéo, chi phối đan xen giữa các ông chủ ngân hàng đã được khắc phục nhờ có những quy định pháp luật nghiêm khắc - giúp hạn chế hoạt động đầu tư, cho vay giữa ngân hàng và các công ty sân sau...

Xử lý nợ xấu: Con nợ tạo ra tranh chấp mới, ngân hàng xuống nước, miễn lãi - 2
Ông Đỗ Giang Nam, Phó giám đốc VAMC, trình bày những điểm quan trọng về hoạt động mua bán - xử lý nợ xấu (ảnh: Kỳ Anh)

Theo ông Đỗ Giang Nam, Phó giám đốc Công ty Quản lý tài sản VAMC, hoạt động quản trị đã thay đổi, tình trạng sở hữu chéo và bị các ông chủ ngân hàng chi phối đã được kiểm soát, con số nợ xấu đã giảm mạnh, khác biệt giữa thời kỳ có Nghị quyết 42 và chưa có Nghị quyết 42. Sự khác biệt cơ bản trước và sau Nghị quyết 42, đó là sự thay đổi trong ý thức của khách hàng về việc trả nợ. Nghị quyết 42 cho phép VAMC và các tổ chức tín dụng thực hiện các xử lý nợ xấu mạnh trong vấn đề thu hồi nợ và thu hồi tài sản đảm bảo. Trước đây có nhiều khách hàng chây ỳ, chống đối trong việc trả nợ thì nay có Nghị quyết 42 giúp khách hàng ý thức được nghĩa vụ trả nợ, có vay có trả. Và điều này thể hiện ở số liệu thu hồi nợ do biện pháp tự trả nợ tăng mạnh.

Luật sư Trương Thanh Đức của Công ty Luật Basico cho rằng hơn 3 năm trước, nhiều người tham dự sự kiện Vietnam Banking Forum 2020 hôm nay đã từng tham gia xây dựng Nghị quyết 42, khi đó, có không ít câu hỏi bày tỏ sự lo lắng: “Không biết Nghị quyết có được thông qua hay không?”, “Thông qua Nghị quyết rồi, liệu việc thực thi có hiệu quả hay không?”

Nhưng thực tế Nghị quyết 42 giống như chìa khoá giúp giải quyết nút thắt về tài sản tranh chấp, giúp việc giải chấp tài sản để trả nợ. Nếu không có nó thì nợ xấu sẽ phát sinh rất lớn.

Có thể nói nó là một chính sách hiệu quả, khả thi, hữu dụng nhất về xử lý nợ xấu trong lĩnh vực kinh tế. Tuy nhiên, ông Đức cũng lưu ý "về thủ tục rút gọn, Bộ Luật dân sự từ có hiệu lực từ năm 2015 nhưng qua theo dõi thông tin trên báo chí, tôi chưa thấy chưa xử lý được vụ nào".

Ông Nguyễn Thế Huân, Thành viên HĐQT VietinBank, chia sẻ các ngân hàng khi phát sinh nợ xấu, đi thu hồi nợ không có sự hợp tác của khách hàng sẽ rất khó khăn. Nhưng sau khi có Nghị quyết 42 bảo vệ quyền chủ nợ tốt hơn, thuận lợi cho ngân hàng trong xử lý nợ xấu. Tuy nhiên khi đi đòi nợ cũng có những trường hợp phát sinh nhất định là khi phát sinh tranh chấp mà khách không hợp tác thì ngân hàng thường kiện ra tòa. Nhưng ra tòa gặp vô vàn khó khăn rắc rối. Các con nợ thường tạo tranh chấp mới để gây khó khăn chậm lại quá trình; từ đó, buộc các ngân hàng phải xuống nước, miễn lãi...

Xử lý nợ xấu: Con nợ tạo ra tranh chấp mới, ngân hàng xuống nước, miễn lãi - 3
Ông Nguyễn Thế Huân, Thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) chia sẻ về quá trình xử lý nợ xấu của ngân hàng

Đề cập đến việc ngân hàng sử dụng công cụ nào trong Nghị quyết 42 nhiều nhất để vận dụng vào trong xử lý nợ xấu, ông Nguyễn Thế Huân cho biết, đơn vị đang vận dụng nhiều nhất biện pháp bán nợ ra thị trường để xử lý nợ xấu. Đây là một trong những giải pháp mà trong Nghị quyết 42 có đề ra cho phép bán nợ cao hơn hoặc thấp hơn giá trị gốc của khoản nợ.

Như vậy, giải pháp đã tạo hành lang pháp lý cho phép các ngân hàng yên tâm trong việc bán nợ một cách công khai và minh bạch. Thị trường chấp nhận giá như thế nào thì khoản nợ sẽ được bán với giá như vậy.

Ông Đỗ Giang Nam, Phó Giám đốc Công ty Quản lý tài sản VAMC chia sẻ rằng, hoạt động bán nợ cho mọi tổ chức, cá nhân, không phải chỉ là VAMC. Phương pháp bán nợ được thực hiện công khai minh bạch sẽ là tiền đề hình thành thị trường mua bán nợ xấu, vốn phổ biến tại các thị trường phát triển như Hàn Quốc, Thái Lan…

Phương pháp bán nợ này tuy nhiên vẫn còn tiệm cận tại Việt Nam. Quan trọng nhất của biện pháp này là tạo được hành lang pháp lý nhằm khuyến khích các nhà đầu tư tham gia mua lại khoản nợ xấu và trả lời được câu hỏi họ có thể làm gì với khoản nợ xấu.

Hầu hết các nhà đầu tư thực hiện mua bán nợ có thỏa thuận chuyển nợ thành vốn góp và tham gia vào tái cấu trúc doanh nghiệp, giúp doanh phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh. Nên phương pháp mua bán nợ theo giá trị trường sẽ giúp đơn giản hóa thủ tục đối với việc xử lý nợ xấu tại VAMC nhưng đồng thời giúp huy động nguồn lực vào thụ trường mua bán nợ xấu, có ý nghĩa to lớn với xã hội.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm