Xu hướng lãi suất Mỹ: Chỉ có đường lên

(Dân trí) - Ngay cả khi triển vọng kinh tế Mỹ đã trở nên sáng sủa hơn, người tiêu dùng nước này cũng phải đối mặt với một gánh nặng khác: lãi suất sẽ tăng lên trong khoảng thời gian dài sắp tới.

Xu hướng lãi suất Mỹ: Chỉ có đường lên - 1
(ảnh minh họa)
 
Các nhà kinh tế cho rằng đó là hậu quả không thể tránh khỏi khi nợ quốc gia ngày càng phình lên và viễn cảnh lạm phát rõ ràng trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi sau khủng hoảng.

Sự thay đổi này chắc chắn sẽ gây sốc cho người tiêu dùng Mỹ vốn đã quen mua sắm với các khoản vay chi phí thấp trong 30 năm qua.

Bill Gross thuộc hãng đầu tư Pimco cho rằng: “Người dân Mỹ buộc phải chấp nhận cú sốc này. Họ đã hưởng thụ sự sung sướng khi lãi suất giảm nhưng giờ đây phải đối mặt với điều ngược lại”.

Tác động của mặt bằng lãi suất cao hơn có lẽ sẽ thể hiện rõ ràng nhất trên thị trường nhà đất, vốn chỉ mới bắt đầu hồi phục: lãi suất cố định vay thế chấp kỳ hạn 30 năm đã tăng 0,5 điểm phần trăm kể từ tháng 12 năm ngoái.

Cùng với việc bán ra trái phiếu, Fed đã đình chỉ chương trình cứu trợ khẩn cấp mua lại các khoản nợ thế chấp trị giá 1,25 nghìn tỷ USD. Hai động thái này gây áp lực lớn đẩy lãi suất tăng lên.

Giáo sư Christopher J. Mayer, trường kinh doanh Columbia, cho rằng lãi suất khó có thể giảm xuống mức thấp hơn hiện nay và nếu tăng cao hơn nữa thì nó đe dọa sẽ dập tắt sự phục hồi của thị trường nhà đất.

Theo giáo sư, mỗi điểm phần trăm tăng của lãi suất sẽ đẩy giá nhà lên thêm 19% nữa.

Lãi suất cao cũng sẽ làm người tiêu dùng chịu thiệt hại khi dùng thẻ tín dụng. Gần đây Fed đã thông báo lãi suất trung bình của thẻ tín dụng đã lên tới 14,26% trong tháng 2, so với mức 12,03% vào quý IV năm 2008 - sự tăng vọt này làm cho một hộ gia đình điển hình ở Mỹ phải bỏ ra thêm 200 USD mỗi năm.

Nhiều khả năng các ngân hàng sẽ còn nâng con số đó lên 16 - 17% bởi số vụ vỡ nợ trong hình thức cho vay này đang tăng dần.

Tương tự, các khoản vay mua xe cũng trở nên đắt đỏ hơn nhiều: lãi suất của các công ty tài chính ô tô dành cho khách hàng tăng lên 4,72% trong tháng 2, so với 3,26% tháng 12 năm ngoái theo số liệu của Fed.

Chính phủ cũng sẽ phải trả nhiều hơn để được vay vốn, cơ quan quản lý ngân sách ước tính lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm sẽ duy trì ở mức 3,9% đến hết năm nay, sau đó tăng lên 4,5% rồi 5% vào năm 2011 và 2012.

Trong khi đó, xu hướng tránh thị trường trái phiếu của các nhà đầu tư, cùng với việc Washington dừng các chương trình hỗ trợ nhằm giữ lãi suất thấp trong thời gian khủng hoảng khiến cho đà tăng của biến số kinh tế này càng được củng cố.

Ngoài ra, còn một nhân tố khác là khả năng chính phủ phát hành thêm nợ mới để tài trợ cho thâm hụt ngân sách cũng góp phần đẩy lãi suất lên cao.

Tất cả những nguyên nhân đó khiến trái phiếu chính phủ ngày càng mất giá và lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm dễ dàng vượt qua ngưỡng cản tâm lý 4% ngay khi bộ Tài chính cho đấu giá thêm 82 tỷ USD nợ mới.

Con số này đã tăng gấp đôi so với lãi suất chính phủ phải trả năm 2008, sau sự sụp đổ của Lehman Brothers và khủng hoảng tín dụng nổ ra.

Mặc dù vẫn thấp hơn so với mức trung bình trong lịch sử, song đợt gia tăng lợi tức trái phiếu hiện nay đã phá vỡ xu thế giảm liên tục kể từ năm 1981 - khi lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm đạt đỉnh 16%.

Kể từ thời điểm đó, lãi suất dần dần giảm xuống, châm ngòi cho 3 thập kỷ bùng nổ của hoạt động tín dụng. Trong khoảng thời gian ấy, người tiêu dùng Mỹ vay ngày càng nhiều nhưng lại cố gắng hạn chế số tiền họ phải bỏ ra để trả nợ.

Trên thực tế, tổng nợ của các hộ gia đình hiện nay đã gấp 9 lần năm 1981 - bằng hai lần tốc độ gia tăng của thu nhập khả dụng cùng kỳ - song tỷ lệ tiền họ trích ra từ thu nhập để trả nợ  chỉ tăng khiêm tốn: từ 10,7% lên 12,6%.

Tuy đã giảm trong 2 năm trở lại đây do ảnh hưởng từ suy thoái, nhưng con số 13,5 nghìn tỷ USD nợ của các hộ gia đình vẫn nhiều hơn 2,5 nghìn tỷ USD so với thu nhập của họ,

Jim Caron, chiến lược gia về lãi suất của Morgan Stanley nhận xét: “Chúng ta đã quá ảo tưởng với ý nghĩ rằng lãi suất sẽ mãi mãi ở mức một con số. Cùng với đó, một thế hệ người tiêu dùng và nhà đầu tư đã quen ỷ lại vào lãi suất thấp”.

Với những người trẻ tuổi hôm nay, có thể họ chỉ  phải cân nhắc khoản vay thế chấp 30 năm và trả lãi 5%/năm nhưng hãy tưởng tượng vào một thời điểm như tháng 10/1981, con số đó là 18,2%/năm. Điều đó có nghĩa là số tiền phải trả hàng tháng lên đến 1.523 USD, so với chỉ 556 USD hiện nay cho khoản vay 100.000 USD.

Chẳng ai muốn lãi suất quay trở lại như thời điểm đó. Nhưng dù vậy, câu hỏi cho phố Wall bây giờ không phải là liệu lãi suất có tăng hay không - mà là nó sẽ tăng bao nhiêu?

Hoàng Sơn
Theo NYTimes