TPHCM:
Xu hướng đưa trung tâm thương mại xuống… đất
(Dân trí) - Xu hướng đầu tư hiện nay cho thấy: tương lai của các trung tâm thương mại ở TPHCM là… dưới các tầng hầm; không phải các chủ đầu tư cao ốc tận dụng tầng hầm làm khu bán lẻ mà toàn bộ trung tâm thương mại sẽ tổ chức ngay tại các tầng hầm.
Xây trung tâm thương mại dưới hầm
Trước đây, tại cao ốc Zen Plaza (quận 1), tầng hầm của cao ốc này đều dùng để xe. Hiện nay nó đã được cải tạo một phần làm siêu thị, vỉa hè quanh cao ốc được tận dụng làm chỗ để xe.
Hay tại tòa nhà C.T Plaza (gần sân bay Tân Sơn Nhất, quận Tân Bình), chủ đầu tư thiết kế dành 1.000 m2 tầng hầm làm khu bán lẻ ngay từ ban đầu. Tòa nhà Vincom (gần UBND TP, quận 1) vừa được đưa vào sử dụng cũng dành hẳn 3 tầng hầm làm khu cho thuê bán lẻ…
Tuy nhiên, đó chỉ là những cách tận dụng tầng hầm của các tòa cao ốc phức hợp. Xu hướng đầu tư tương lai của nhiều nhà đầu tư bất động sản lớn là xây hẳn trung tâm thương mại ngầm dưới đất. Đó là phần diện tích thương mại, dịch vụ ở các bãi đậu xe ngầm.
Theo ông Lê Tuấn, Tổng Giám đốc công ty Cổ phần Đầu tư phát triển không gian ngầm (chủ đầu tư bãi đậu xe ngầm tại Công viên Lê Văn Tám) thì khu bán lẻ tại các bãi đậu xe ngầm có nhiều lợi thế như vị trí trung tâm, giao thông thuận tiện.
Vì chức năng chính là bãi đậu xe nên khách hàng ít lo không có chỗ để xe, xe đậu ngay bên cạnh khu vực bán lẻ, lối xe vào rất thuận tiện vì được thiết kế chuyên biệt để tránh ùn tắc…
Ngoài ra, cửa hàng bán lẻ đặt tại khu dịch vụ ở các bãi đậu xe ngầm sẽ có thêm lợi thế là nguồn khách hàng lớn từ những người có nhu cầu đậu xe tại đây. Đơn giản vì khách hàng đi làm đậu xe ở đây, khi về nhà sẽ ghé mua hàng trước khi lấy xe về sẽ thuận tiện hơn rất nhiều.
Thị phần rất lớn
Dù cuối năm 2008, TPHCM đã có quyết định hạn chế đầu tư bãi đậu xe ngầm nhưng vẫn có 4 vị trí được TPHCM cho phép tiếp tục triển khai là Công viên Lê Văn Tám, sân bóng đá Công viên Tao Đàn, Sân vận động Hoa Lư và khu vực sân khấu Trống Đồng. Cả 4 vị trí trên đều nằm ngay quận 1, do đó vị trí trung tâm thương mại đặt tại 4 bãi đậu xe ngầm này là rất đắc địa.
Chỉ riêng bãi đậu xe ngầm tại Công viên Lê Văn Tám đã có hơn 30.000 m2 diện tích thương mại, dịch vụ, gần bằng 10% diện tích mặt bằng bán lẻ hiện có của TPHCM (tính đến quý II/2010). Diện tích thương mại, dịch vụ của 3 bãi đậu xe ngầm còn lại cũng không kém mấy.
Trong số đó, dự án bãi đậu xe ngầm tại Công viên Lê Văn Tám vừa được động thổ, mọi thủ tục xin giấy phép xây dựng tổng thể dự án gần như đã hoàn tất, chuẩn bị khởi công.
Ông Lê Tuấn khẳng định là năm 2013, bãi đậu xe này cùng với trung tâm thương mại trong nó sẽ đi vào hoạt động. Chủ đầu tư các vị trí còn lại cũng đang cố gắng xúc tiến nhanh các thủ tục để khởi công xây dựng.
Ngoài ra, các nhà ga ngầm của các metro đều có thiết kế khu vực thương mại, dịch vụ. Mà TPHCM trong tương lai gần sẽ có đến 7 tuyến metro được triển khai nên tổng diện tích khu vực bán lẻ này cũng sẽ rất lớn.
Do vậy, có thể thấy là chỉ vài năm nữa, diện tích mặt bằng bán lẻ nằm ở các tầng hầm sẽ chiếm một phần không nhỏ trong thị trường mặt bằng bán lẻ ở TPHCM.
Về nhu cầu thị trường, căn cứ vào tỉ lệ thuê rất cao ở tòa nhà Vincom có thể thấy khách hàng không hề chê vị trí bán lẻ tại các tầng hầm, mặt hàng bày bán tại các vị trí này cũng đều là những thương hiệu lớn.
Tùng Nguyên