Quảng Nam:

Xót xa vì giá rau "rẻ như cho", dưa leo 1.000 đồng/kg

(Dân trí) - Bàu Tròn (xã Đại An, Đại Lộc) là nơi trồng rau lớn nhất tỉnh Quảng Nam. Những ngày này, Bàu Tròn bước vào giai đoạn thu hoạch bán dịp Tết nhưng bà con nông dân đứng ngồi không yên do giá rau “rẻ như cho”.

Đến với vựa rau Bàu Tròn năm nay, chúng tôi không khỏi xót xa khi chứng kiến nhiều diện tích hoa màu đến mùa thu hoạch, chín cỗi nhưng không ai thèm ngó ngàng.

Từng giàn dưa leo, khổ qua, bí ngòi…bỏ trống, không người chăm sóc bởi giá phân bón, thuốc trừ sâu, tiền thuê nhân công... tốn gấp nhiều lần so với những gì họ thu được.

Xót xa vì giá rau "rẻ như cho", dưa leo 1.000 đồng/kg - 1

Dưa leo mất giá, người dân không buồn chăm sóc.

Dưa leo mất giá, người dân không buồn chăm sóc.

Ông Huỳnh Văn Mạnh (thôn Bàu Tròn, xã Đại An, Đại Lộc) cho biết: “Rau rớt giá nghiêm trọng, giá dưa leo chỉ còn 1 ngàn đồng/kg, khổ qua trước 25 ngàn đồng/ký giờ chỉ còn 6-7 ngàn đồng. Nông dân ở đây thấy giá rớt quá nhiều nên đồng loạt bỏ ruộng, rau quả đến mùa thu hoạch phải bỏ. Những ngày cận Tết nông dân càng lo lắng hơn khi không biết có tăng giá hay không, Tết này lấy gì mà vui xuân”.


Người dân đang phá dỡ giàn dưa leo

Người dân đang phá dỡ giàn dưa leo

Lâu nay vựa rau Bàu Tròn cung cấp phần lớn sản phẩm ra thị trường, mang lại nguồn thu chính cho người dân trong vùng. Cả thôn Bàu Tròn có 231 hộ dân thì hơn 150 hộ trồng rau, chiếm khoảng 65% dân trong vùng.

Xót xa vì giá rau "rẻ như cho", dưa leo 1.000 đồng/kg - 4
Giàn khổ qua bỏ không, trái rụng rất nhiều
Giàn khổ qua bỏ không, trái rụng rất nhiều

Khoảng 10 năm trở lại đây, bà con chủ yếu sinh sống bằng việc trồng rau sạch trên 27ha đất hoa màu. Năm nay thời tiết thuận lợi, diện tích hoa màu được mở rộng đến ven sông, thu hoạch cũng tăng mạnh hơn năm ngoái nhưng giá cả giảm mạnh.

Người dân Bàu Tròn nói về rau rớt giá

Đang chăm sóc những luống ớt, ông Trương Văn Khanh (thôn Bàu Tròn, xã Đại An, Đại Lộc) buồn bã: “Giá cả tụt dốc nghiêm trọng khiến chúng tôi không lường hết được, dù bây giờ tăng giá chút ít nhưng rau màu lấy đâu ra mà bán, rau quả hư hết rồi, già cỗi đến mức không dùng được nữa phải hái bỏ hàng loạt. Nhiều đám ruộng bỏ trống vì giá phân bón, thuốc men ngày càng tăng, giá thuê người thu hái cũng cao thì đâu đủ công sức, tiền bạc mà tiếp tục đầu tư”.

Giàn đậu cô-ve không người chăm sóc
Giàn đậu cô-ve không người chăm sóc

Cùng tâm trạng, bà Trần Thị Chinh (thôn Bàu Tròn, xã Đại An, Đại Lộc) cho biết: “Năm trước, người ta giành nhau để mua, năm nay bỏ đó cũng không ai thèm ngó ngàng. Một bao lớn 54 ký dưa leo họ chỉ trả 50 ngàn, có người mua là may lắm rồi đấy chứ mấy hôm trước khổ qua người ta chất đống ngoài đường cho xe rác chở đi. Nhiều thương lái bảo mình cứ hái đi họ mua cho, nhưng khi hái xuống họ không lấy, thế là đành vác ra sông để đổ bỏ”.

Giá rau rớt thê thảm, người nông dân không biết tết này sẽ lấy gì vui tết
Giá rau rớt thê thảm, người nông dân không biết tết này sẽ lấy gì vui tết

Giải thích nguyên nhân về việc giá rau sụt giảm, ông Lê Trọng Quốc - Giám đốc HTX rau Bàu Tròn - cho biết: “Điều này không khó lý giải, bởi năm nay không có bão lũ, thời tiết thuận lợi, dù là nơi thấp lụt hay cao lụt đều đồng loạt gieo trồng. Không chỉ ở Bàu Tròn, các địa phương khác như Hội An, Quảng Ngãi, Bình Định… đều gieo trồng, rồi đồng loạt đổ về, cung vượt quá cầu đẩy giá nông sản rớt thê thảm”.

Ông Quốc cũng cho biết, Tết mấy năm trước, mỗi hộ thu về từ 20-30 chục triệu nhưng năm nay lãi ít, có hộ trắng tay. Nhiều người xuống xã Điện Hồng thuê đất trồng rau vì nơi đó cao lụt, nhưng ai ngờ năm nay không bão cũng chẳng lụt, giá rớt thê thảm, nhiều người phải tay trắng trở về. Gần như 100% hộ dân trồng rau Bàu Tròn đều rơi vào tình cảnh này”.

N.Linh - C.Bính

 

Xót xa vì giá rau "rẻ như cho", dưa leo 1.000 đồng/kg - 8