Xót lòng 10 củ su hào chỉ bằng... một cốc trà đá

(Dân trí) - 6 nghìn đồng mua được đến 3kg su hào. Cả một ruộng su hào 4.000 quả chỉ có giá 1 triệu đồng. Thậm chí nhiều loại rau ở vụ mùa trước sốt xình xịch thì vụ giáp tết này "rẻ hơn bèo", thậm chí nhiều hộ nông dân còn chẳng buồn thu hoạch để bán.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Chứng khoán chưa thể phi nước đại trong năm "Ngựa"
Khi Tết Giáp Ngọ chỉ còn đếm từng ngày, chúng tôi có dịp ghé về vựa rau ở huyện Gia Lộc, Hải Dương, và thật ngạc nhiên khi tận mắt chứng kiến những ha rau sạch tốt tươi đã đến kỳ thu hoạch nhưng bị bỏ hoang, khác hẳn với hình ảnh tấp nập người mua kẻ bán vốn có trước đây.

Ông Trần Văn Sang, thôn Đông Ba Thượng, xã Đồng Quang, huyện Gia Lộc (Hải Dương) đang cố thu hoạch những củ su hào trên sào ruộng của mình, không phải để bán mà để… dọn ruộng cho việc trồng loại rau khác có giá hơn cho vụ mùa tới. Năm nay là một cái Tết buồn hơn hẳn so với mọi năm, khi cả nhà ông chỉ trông vào mấy sào ruộng su hào mà chẳng ai thèm mua.
 

3 củ su hào to hơn quả bưởi này có giá chưa đến... 1000 đồng

3 củ su hào to hơn quả bưởi này có giá chưa đến... 1000 đồng

 “Hôm qua người ta cùng còn chịu mua dù với giá rất thấp, còn hôm nay chẳng ai thèm hỏi. Thương lái hôm trước chở xe tải lên Hà Nội mà chỉ bán được một nửa, một nửa đem về thì ruộng tôi giờ họ cũng chẳng ngó ngàng luôn”, ông Sang nói.
Nụ cười của ông Sang bên củ su hào to nhưng chỉ đem về làm thức ăn cho gia súc vì giá quá rẻ

Ông Sang cười chua chát bên củ su hào to nhưng chỉ đem về làm thức ăn cho gia súc vì giá quá rẻ

Theo ông Sang cho biết, ruộng su hào của vụ mùa trước, người ta mua 12 triệu đồng/sào khi mà củ su hào chỉ mới to bằng trái quýt. Thế mà vụ mùa này, củ nào cũng to bằng quả bưởi nhưng giá chưa đến 1 triệu đồng/sào. “Ruộng của tôi 4 nghìn củ mà giá có 1 triệu đồng. Anh tính thử xem 3 nghìn đồng trên Hà Nội mua được 1 cốc trà đá, còn ở đây là tương đương 10 củ su hào. Năm nay giá su hào rớt thê thảm, 6 nghìn đồng tương đương 3kg su hào, rẻ quá nên nhiều người thu hoạch về làm thức ăn cho bò, heo còn đỡ hơn là đem bán mà chẳng được bao”, bà Nguyễn Thị Lệ thở dài chỉ vào những củ su hào tốt tươi.

Nếu mà tính vào tiền công, tiền phân bón, tiền giống, thì những hộ nông dân vụ mùa này xem như… đầu tư ngược, khi tính ra mỗi sào ruộng lỗ hơn 1 triệu đồng. Đặc biệt, có nhiều câu chuyện “cười ra nước mắt” cho những thương lái nhỏ lẻ chuyên nghề buôn rau nơi đây.
 
Nụ cười của ông Sang bên củ su hào to nhưng chỉ đem về làm thức ăn cho gia súc vì giá quá rẻ

Một ruộng cải thảo đã vào mùa thu hoạch mà thương lái chẳng buồn thu hoạch dù đã mua với giá 12 triệu đồng khi mới được gieo trồng

Ông Trần Văn Sang đưa tay chỉ tôi xem ruộng cải thảo kế bên, xanh tốt mơn mởn nhưng bị bỏ hoang không người ngó ngàng. “Cái ruộng này được chủ ruộng “bán lúa non” cho thương lái khi vừa mới trồng được ít ngày với giá 12 triệu đồng. Nhưng đến lúc ruộng bắt đầu thu hoạch được thì thương lái không bán được vì lượng cung quá nhiều so với cầu, nên thương lái bỏ hoang luôn. Giờ hoặc các hộ nuôi cá trong làng tôi thu về làm thức ăn cho cá, hoặc cho bò, nghĩ mà buồn cười cho tình cảnh của người nông dân chúng tôi”, ông Sang nói.

Theo lý giải của người trồng rau, sở dĩ giá rau sạch năm nay rớt giá thê thảm do thời tiết thuận lợi nên hầu như người nào trồng rau cũng được mùa, trong khi nhu cầu thị trường ít hơn hẳn so với mọi năm.
 
Nụ cười của ông Sang bên củ su hào to nhưng chỉ đem về làm thức ăn cho gia súc vì giá quá rẻ

Nhiều hộ nông dân đã kịp trồng các loại rau khác chờ dịp ra Tết sẽ cho ra thành quả với hi vọng giá tốt hơn

Ở vụ trước, lúc mà thị trường rau có giá, có thời điểm 1 củ su hào được xuất bán tại ruộng đến 2 nghìn đồng/củ nhưng mà nhiều hộ còn không có để bán. Cũng chính vì vậy mà vụ mùa này hàng trăm, hàng ngàn hộ đều chuyển sang trồng các loại rau có giá cao như su hào, cải thảo, bắp cải, đỗ tương… Nhà nhà đổ xô vào trồng cùng một loại rau nên đến vụ thu hoạch lượng cung nhiều hơn hẳn với cầu, khiến giá rau bị hạ xuống tận đáy. Đặc biệt, cũng thời điểm Tết nên một lượng lớn khách hàng là sinh viên, công nhân trở về quê ăn Tết, khiến sức tiêu thụ rau trên địa bàn Hà Nội giảm đáng kể.

Thế Nam


VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước