1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Xếp hạng tỷ phú Việt, biến động giữa nỗi lo lan rộng toàn cầu

Hàng loạt đại gia Việt chứng kiến túi tiền bốc hơi chưa từng có do đại dịch Covid-19 đang hoành hành. Ông Phạm Nhật Vượng mất 2 tỷ USD, trong khi chủ tịch Techcombank sắp rời khỏi danh sách Forbes.

Tạp chí Forbes vừa công bố danh sách các tỷ phú USD trên thế giới cho năm mới với nhiều biến động, trong đó xu hướng giảm tài sản là phổ biến. Việt Nam không nằm ngoài xu hướng chung với nhiều doanh nhân chứng kiến khối tài sản giảm đi nhanh chóng.

Số lượng tỷ phú USD tại Việt Nam giảm từ 5 người trong năm trước đó xuống còn 4 người. Đó là ông Phạm Nhật Vượng (chủ tịch Vingroup), bà Nguyễn Thị Phương Thảo (CEO VietJet), ông Trần Bá Dương và gia đình (chủ tịch Thaco) và ông Hồ Hùng Anh (chủ tịch Ngân hàng Techcombank).

Ông Nguyễn Đăng Quang, chủ tịch Tập đoàn Masan (MSN) đã ra khỏi danh sách sau khi chứng kiến cổ phiếu giảm khoảng 39% trong khoảng 1 năm qua, từ mức 80.000 đồng xuống 48.300 đồng/cp như hiện tại.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng chứng kiến tài sản giảm mạnh nhất, với mức biến động đi xuống khoảng 2 tỷ USD trong khoảng 1 năm qua. Tính theo thời gian thực, tới 15/3/2020, tài sản của ông Vượng được Forbes đánh giá chỉ còn 5,8 tỷ USD.

Cổ phiếu Vingroup đã giảm khoảng 27,5% trong vòng 1 năm qua.

Xếp hạng tỷ phú Việt, biến động giữa nỗi lo lan rộng toàn cầu - 1

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng suýt ra khỏi top 300 Forbes

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo vẫn xếp ở vị trí số 2 với túi tiền giảm khoảng 200 triệu USD xuống còn 2,1 tỷ USD (tính tới 15/3). Bà Thảo vẫn là tỷ phú USD duy nhất tại Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á.

Ông Trần Bá Dương cũng ghi nhận tài sản của mình và gia đình quy từ cổ phiếu giảm 200 triệu USD xuống còn 1,5 tỷ USD.

Ông Hồ Hùng Anh, chủ tịch Techcombank (TCB), chứng kiến tài sản giảm 500 triệu USD xuống chỉ còn tròn 1 tỷ USD vào ngày 15/3/2020. Cổ phiếu TCB giảm 33% trong vòng 1 năm qua. Ông Hồ Hùng Anh sẽ ra khỏi danh sách của Forbes nếu TCB giảm thêm.

Gần đây, hầu hết các doanh nghiệp lớn nhỏ trên thị trường chứng khoán đều gặp khó do dịch Covid-19 lan rộng. Các nỗ lực ngăn chặn dịch đã khiến các nền kinh tế đều rơi vào tình trạng ngừng trệ và nguy cơ suy giảm tăng trưởng.

Xếp hạng tỷ phú Việt, biến động giữa nỗi lo lan rộng toàn cầu - 2

Tỷ phú Việt chứng kiến tài sản sụt giảm mạnh.

Các tỷ phú Việt có nhiều bước đi để củng cố lại doanh nghiệp nhưng kết quả vẫn còn ở phía trước.

Vingroup của tỷ phú Vượng gần đây đã bỏ mảng bán lẻ, bán cho Masan của ông Nguyễn Đăng Quang. Vingroup cũng thôi không tiếp tục dự án hàng không Vinpearl Air. Tập đoàn này đã giải thể VinPro, sáp nhập trang thương mại điện tử Adayroi vào VinID... Tất cả là để dồn cho lĩnh vực công nghệ - công nghiệp cần nhiều vốn và cho thế mạnh du lịch, được xác định trong bản chiến lược là “dịch vụ đẳng cấp quốc tế”.

Không chỉ bán mảng bán lẻ, Vingroup cũng thay đổi cách thức bán hàng trong lĩnh vực bất động sản. Vingroup thực hiện các thương vụ bán buôn tại các đại dự án bất động sản lớn cho các đối tác trong và ngoài nước để có những món tiền lớn như 80% Grand Park giai đoạn 2 cho 2 công ty Nhật (thu 1 tỷ USD) tại TP.HCM, hay các khu đất tại Vinhomes Smart City tại Hà Nội.

Hãng hàng không VietJet của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo chịu ảnh hưởng rất nhiều từ dịch Covid-19 do phải đóng cửa hoặc/và giảm nhiều chuyến bay tới nhiều thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Hàn Quốc. Tuy nhiên, doanh nghiệp này gần đây mở nhiều đường bay trong nước và quốc tế nhằm đa dạng hóa các thị trường.

Xếp hạng tỷ phú Việt, biến động giữa nỗi lo lan rộng toàn cầu - 3

Bảng thống kê tài sản thực của Forbes.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), áp lực giảm giá vẫn còn lớn.

Chứng khoán Việt Nam giảm trong bối cảnh chứng khoán thế giới, trong đó có chứng khoán tương lai Mỹ tiếp tục giảm mạnh khoảng 5% cho dù Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vừa có động thái bất ngờ hạ lãi suất thêm 100 điểm phần trăm xuống 0-0,25% và bơm thêm nhiều tiền vào nền kinh tế.

Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.

Theo Rồng Việt, dòng tiền bắt đáy khá lớn ở phiên thứ Sáu, tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, giúp thị trường tạm thời bình ổn sau những phiên bán tháo. Nhiều cổ phiếu đã giảm sâu bất chấp yếu tố cơ bản có thể coi là cơ hội để dòng tiền mới trên thị trường tham gia giải ngân cho mục tiêu dài hạn. Trong ngắn hạn, rủi ro vẫn ở mức khá cao và nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ các quyết định mua bán, theo hướng đề cao việc bảo toàn vốn.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 13/3, VN-Index giảm 7,47 điểm xuống 761,78 điểm; HNX-Index giảm 0,53 điểm xuống 101,38 điểm. Upcom-Index giảm 0,43 điểm xuống 50,49 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt hơn 7,2 ngàn tỷ đồng.

Theo V. Hà

VietnamNet