Xếp hạng rủi ro tín dụng: Việt Nam lên hạng

Ngày 2/4, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD (tổ chức của các nước phát triển) đã bỏ phiếu xếp hạng lại phân hạng rủi ro tín dụng của các nước. Trong lần bỏ phiếu này, Việt Nam đã được nâng hạng từ nhóm 5 lên nhóm 4.

Hệ thống xếp hạng rủi ro tín dụng của OECD nhằm đưa ra cơ sở để quyết định định mức và lãi suất để cung cấp tín dụng hay bảo lãnh tín dụng cho những hợp đồng mua hàng của các nước OECD.

Việt Nam trong bảng xếp hạng rủi ro tín dụng của OECD

 

- 1999 đến 4/2002: hạng 6

- Tháng 4/2002: lên hạng 5

- Tháng 4/2007: lên hạng 4

 

Những thay đổi trong bảng rủi ro tín dụng của OECD từ đầu năm 2007 đến nay:

 

Nâng hạng từ 2 lên 1: Hồng Kông

Từ 4 lên 3: Bulgaria, Rumania, Nga

Từ 5 lên 4: Việt Nam

Từ 6 lên 5: Ukraine, Macedonia

Từ 7 lên 6: Georgia, Mozambique, Zambia

Tụt hạng từ 2 xuống 3: Latvia, Hungary

Trong hệ thống phân hạng này, ngoại trừ những nước không được xếp hạng, thì nhóm 7 là rủi ro cao nhất, nhóm 1 có rủi ro thấp nhất. Những nước phát triển có thu nhập cao được xếp vào nhóm 0.

Hàng năm, tổ chức OECD (trụ sở chính tại Pháp) có 5 đợt bỏ phiếu để xếp hạng lại mức rủi ro tín dụng. Kết quả của đợt bỏ phiếu ngày 2/4 vừa qua, duy nhất chỉ có 4 nước được nâng hạng, trong đó có Việt Nam.

Đầu tháng 3/2007, Bộ Tài chính đã thành lập một đoàn liên bộ đi vận động và thuyết trình về tình hình kinh tế Việt Nam với các tổ chức đánh giá tín dụng của OECD, để đề nghị nâng hạng cho Việt Nam.

Trong tháng 3/2007, tổ chức tư nhân chuyên đánh giá rủi ro tín dụng Moody’s đã nâng hạng rủi ro trái phiếu Chính phủ bằng ngoại tệ của Việt Nam từ “ổn định” lên “tích cực”. Phó chủ tịch của Moody’s, ông Tom Byrne cho biết sự điều chỉnh này là do "thành công liên tục của chính sách phát triển hướng ra bên ngoài của VN và sự ổn định chung của tình hình tài chính chính phủ".

Theo Bùi Văn
VietNamnet