Xếp hạng, gắn sao cho nông sản Việt: Cơ hội vươn ra thị trường quốc tế
(Dân trí) - Nông sản Việt Nam đã và đang đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng, được xuất khẩu ra nước ngoài ngày càng nhiều. Việc xếp hạng, gắn sao cho các loại nông sản "đặc sản" của địa phương đang mở ra nhiều cơ hội hơn để các loại nông sản Việt có chất lượng vươn ra thị trường quốc tế.
Theo Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, mục tiêu về tổng số sản phẩm chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) từ 53 tỉnh đã có Kế hoạch/đề án được chuẩn hoá chất lượng, đến năm 2020 phấn đấu đạt trên 3.500 sản phẩm. Hiện cả nước đã có 6 tỉnh thẩm định, xét công nhận cho 269 sản phẩm OCOP, trong đó có 7 sản phẩm 5 sao (tỉnh Quảng Ninh), 100 sản phẩm 4 sao, 162 sản phẩm 3 sao.
Điển hình tại Quảng Ninh, tỉnh này đang có 402 sản phẩm OCOP, trong đó có 138 sản phẩm đạt từ 3-5 sao, 148 tổ chức tham gia sản xuất sản phẩm OCOP. Quảng Ninh hiện là địa phương duy nhất có các sản phẩm nông nghiệp 5 sao, như: Trà hoa vàng, gà Tiên Yên, lợn Móng Cái, ba kích Ba Chẽ, Ruốc Trai...
Các sản phẩm trong chương trình OCOP của Quảng Ninh đều được cấp chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm; trên 90% sản phẩm OCOP được dán tem truy suất nguồn gốc; nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý và đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường trong và ngoài tỉnh.
Tại tỉnh Bắc Kạn - một trong những địa phương khó khăn nhất nước nhưng lại là một trong những tỉnh đi đầu trong chương trình OCOP. Bắc Kạn hiện có 37 sản phẩm OCOP, trong đó 5 sản phẩm 4 sao, 32 sản phẩm 3 sao. Tính hết tháng 6 vừa qua, Bắc Kạn có 22 sản phẩm đăng ký đánh giá, nâng hạng sao trong chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” năm 2019,
Đáng chú ý, Bắc Kạn đã đăng ký nâng hạng 5 sản phẩm OCOP 4 sao lên 5 sao và 17 sản phẩm OCOP 3 sao đăng ký nâng lên 4 sao. Các sản phẩm tham gia nâng hạng của Bắc Kạn chủ yếu là tinh bột nghệ, curcumin nghệ, miến dong, rượu men lá, chè, cam quýt, rau, mật ong rừng...
Đó là những kết quả tích cực từ mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, đặc biệt với chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) được ghi nhận trong 6 tháng đầu năm 2019.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia - đánh giá: “Bắc Kạn là tỉnh rất khó khăn, ở miền núi, nhưng lại đi đầu trong chương trình OCOP. Đây là tỉnh đầu tiên của cả nước đã vận động thành lập Hội doanh nhân OCOP, được các doanh nghiệp, HTX, chủ hộ sản xuất tích cực hưởng ứng.”.
Theo mục tiêu của chương trình OCOP giai đoạn 2018 - 2020, sẽ tiêu chuẩn hóa 50% sản phẩm, dịch vụ du lịch nông thôn hiện có, phát triển mới 1.000 sản phẩm; công nhận ít nhất 100 sản phẩm OCOP đạt hạng 5 sao cấp quốc gia; đồng thời phát triển 8 - 10 làng văn hóa du lịch.
Cần phải nói thêm rằng, nông sản Việt Nam đã và đang đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng, được xuất khẩu ra nước ngoài ngày càng nhiều. Hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp không chỉ được nhắc tới trong các thỏa thuận trong hợp tác song phương mà nhiều tập đoàn, chuyên gia các nước ghi nhận trên thực tế, thậm chí bày tỏ mong muốn được chủ động đưa sản phẩm nông nghiệp chất lượng của Việt Nam tới tay người tiêu dùng trên chính đất nước của họ và trên thế giới.
Bằng chứng là trong chuyến thăm và làm việc tại Hàn Quốc của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ hồi trung tuần tháng 6/2019, ông Shin Dong Bin - Chủ tịch Tập đoàn Lotte - đã đề đạt với Phó Thủ tướng về những vấn đề Lotte quan tâm tại Việt Nam hiện nay, trong đó có thực phẩm.
Chủ tịch Tập đoàn Lotte thông tin tới lãnh đạo Chính phủ Việt Nam về việc đang phối hợp với TP. Hà Nội để triển lãm hàng nông sản Việt Nam tại hệ thống Lotte tại Hàn Quốc trong năm 2019, cam kết hỗ trợ Việt Nam phát triển hàng nông - thuỷ - sản ra nước ngoài.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, Chính phủ Việt Nam đánh giá rất cao Tập đoàn Lotte với các dự án tại Việt Nam, đồng thời cảm ơn Lotte đã hỗ trợ cho chương trình phát triển nông sản Việt Nam, giúp cho nông sản Việt Nam được quả bá nhiều hơn, các sản phẩm nông nghiệp nhiệt đới được nhiều người biết đến.
Châu Như Quỳnh