Xem khách hàng như người thân trong gia đình
(Dân trí) - Trên một phố nhỏ thuộc quận Hoàng Mai (Hà Nội) có nhiều hiệu thuốc. Tôi để ý thấy một hiệu ít khi vắng người. Mấy lần cần thuốc tôi đều phải chờ. Người bán thuốc lấy ghế mời tôi ngồi, đưa báo cho tôi đọc. Thì ra không chỉ có chuyện bán mua mà còn có một truyền thống văn hóa cần để tâm suy ngẫm.
Một lần tôi thấy khách hàng là một cụ già đang được kiểm tra huyết áp và nhịp tim miễn phí. Lần khác là một cháu bé đang được đo thân nhiệt, một bà được kiểm tra hàm lượng đường trong máu. Những lần khác các bác sĩ phòng khám tư nhân trao đổi công dụng của các tá dược, người bán hàng chăm chú ghi chép vào sổ tay, cứ như đang ở trên giảng đường.
Tôi có một người bạn sống trên vùng núi cao, anh bị chứng phì đại lành tính tuyến tiền liệt nhờ tôi mua giúp thuốc phòng trị, nói rõ tên thuốc, tên công ty sản xuất. Thuốc này không có ở cửa hàng. Thế mà buổi chiều tôi được người bán hàng cho biết đã có. Tôi hỏi hài hước: - Cháu trả tiền rồi à ? Thế cháu không sợ bị lừa ư ?
Người bán thuốc cười: - Bị lừa vì muốn giúp đỡ người bệnh thì cũng chẳng sao! Cháu xem bác ấy cũng như bố cháu. Người bán hàng, một cháu gái 26 tuổi, tên là Nguyễn Thị Ngân tốt nghiệp lớp cao đẳng dược Fushiko tại Việt Trì năm 2008.
Nhân dịp Tết Bính Thân, mấy người bạn đến chơi, tôi kể lại chuyện người bán hàng xem khách hàng như những người thân trong gia đình và không quên dư luận xã hội đang lo lắng về chuyện lớp trẻ thời hội nhập đang quên văn hóa ứng xử của tổ tiên.
Chúng tôi nhanh chóng đồng tình, nếu tìm nguyên nhân thì chẳng có gì khó vì trong đó đã có trách nhiệm không nhỏ của chính chúng ta!
GS. Nguyễn Vy