Xe sang vẫn “ùn ùn” nhập về Việt Nam

(Dân trí) - Mặc cho tình hình giá cả, lạm phát căng thẳng, lượng ôtô cá nhân nhập về Việt Nam 5 tháng đầu 2011 đã tăng 50% về lượng, 75% về giá trị so với năm ngoái. Thị trường tiêu thụ nội địa ngày càng có xu hướng nhập xe sang, đắt tiền hơn…

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên nêu các con số để lý giải việc Bộ áp thông tư 20 (ban hành ngày 12/5) “siết” quy định nhập khẩu ôtô. Theo đó, DN muốn nhập khẩu xe đến thời điểm 26/6 phải xin được giấy chứng nhận ủy quyền của hãng sản xuất được cơ quan đại điện ngoại giao của nước sở tại xác nhận, công chứng.
Xe sang vẫn “ùn ùn” nhập về Việt Nam - 1

Nhiều loại xe sang, xe "độc" vẫn liên tiếp xuất hiện tại Việt Nam dù tình hình kinh tế khó khăn. (Ảnh: Việt Hưng)

Thông tư nhằm hạn chế xu hướng tiêu dùng mặt hàng xa xỉ phẩm này, thắt chặt chi tiêu, góp phần kiềm chế nhập siêu, lạm pháp, thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ. Đồng thời, các quy định siết điều kiện nhập khẩu được kỳ vọng giúp lành mạnh hóa thị trường ôtô.

“Thời gian qua, xe nhập khẩu về thị trường tăng cao, ảnh hưởng đến giao thông và các chỉ số kinh tế khác. Chưa hết, xe nhập về nhiều nhưng không đảm bảo tiêu chí kỹ thuật, bảo trì bảo dưỡng sau bán hàng ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng” – thứ trưởng Nguyễn Thành Biên phân tích.

Tuy nhiên, khi thông tư này chính thức được ban hành, khoảng 100 doanh nghiệp nhập khẩu xe hơi không chính hãng đã đồng loạt gửi kiến nghị lên Bộ Công thương than khó vì nhiều lô hàng đã ký hợp đồng mua bán (đã thanh toán tiền) trước 12/5, sắp hoặc đã trên đường về Việt Nam nhưng không kịp trước thời hạn 26/6 sẽ không cách gì xử lý. Các doanh nghiệp trình bày lo ngại chính sách này sẽ khiến đến 2000 đơn vị đối mặt với nguy cơ phá sản.

Thứ trưởng Công thương xác nhận đã nhận được đơn thư kiến nghị, kêu cứu của doanh nghiệp đang xem xét đến một số trường hợp đặc biệt nằm trong diện điều chỉnh của Thông tư 20. Theo đó, các trường hợp doanh nghiệp ký hợp đồng trước ngày 12/5 nhưng hàng về sau ngay 26/6, nếu doanh nghiệp có hóa đơn, chứng từ chứng minh được lô hàng nằm trong hợp đồng ký từ trước, cơ quan chức năng có thể xem xét xử lý theo hướng áp dụng theo quy định cũ.
 
Xe sang vẫn “ùn ùn” nhập về Việt Nam - 2

Một trong những chiếc Bentley Mulsanne nhập khẩu về VN bán với giá 1 triệu USD. (Ảnh: Việt Hưng)

Cũng liên quan đến việc hạn chế nhập khẩu các mặt hàng xa xỉ phẩm, thứ trưởng Nguyễn Thành Biên cũng xác nhận, Bộ Công thương đã có văn bản chỉ đạo từ 1/6, các mặt hàng gồm điện thoại di động, mỹ phẩm và rượu ngoại chỉ được phép nhập khẩu về Việt Nam qua 3 cảng biển chính gồm Hải Phòng, TP HCM và Đà Nẵng.

Không chỉ giới hạn về cửa nhập khẩu, Bộ Công thương còn yêu cầu doanh nghiệp khi làm thủ tục nhập hàng phải xuất trình thêm giấy chỉ định, ủy quyền của nhà phân phối. Các loại giấy tờ này phải được cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật.

Ông Biên lý giải, quy định này nhằm hạn chế hàng lậu, kém chất lượng, gian lận thương mại... để bảo vệ người tiêu dùng.

Phản ứng quy định “siết” điều kiện nhập khẩu các mặt hàng này, Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cảnh báo quy định này có thể trái luật thương mại quốc tế. Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên xã nhận đã nhận được văn bản “bác” quy định mới của Eurocham. Bộ Công thương sau đó đã làm việc, tham vấn, tiếp thu các ý kiến phản hồi để đối chiếu với các cam kết của WTO, cam kết quốc tế. Thứ trưởng Công thương khẳng định sẽ cầu thị, lắng nghe và có hướng xử lý, thông báo lại các đối tác.

P.Thảo