Xe ôm công nghệ liên tục tăng giá, xe cỏ đầu ngõ được thời

Với mức giá như nhau, thậm chí còn đắt hơn ở nhiều thời điểm, taxi công nghệ đang giảm sức cạnh tranh với loại hình taxi truyền thống.

Từ khuyến mại tới tăng giá

Năm 2014, các ứng dụng gọi xe công nghệ Grab, Uber chính thức ra mắt, tham gia vào thị trường vận tải tại Việt Nam đã thay đổi bộ mặt ngành vận tải. Chỉ trong thời gian ngắn, các hãng xe công nghệ thu hút lượng lớn tài xế "đầu quân", số xe tham gia lên tới hàng chục nghìn.

Ứng dụng trên nền tảng công nghệ đã giúp Uber và Grab có sức cạnh tranh gần như vượt trội hoàn toàn so với taxi truyền thống. Với góc độ là người tiêu dùng, người dân lựa chọn đi Uber hay Grab vì thuận tiện do phần mềm mang lại, kết nối dễ dàng, nhanh chóng, song quan trọng hơn cả là bởi giá cả. Grab và Uber rất linh hoạt, có chế độ giá cho giờ cao điểm và thấp điểm trong khi taxi chưa thực hiện được.

Cụ thể, Uber và Grab liên tục tung ra các chương trình khuyến mãi: Đi hai chuyến tính tiền một chuyến; đi từ chuyến thứ 2 giảm 50%; giảm 30.000 cho 3 chuyến vào cuối tuần, giảm 50% khi đi vào ban đêm, đi ra sân bay với chỉ 150.000 đồng/lượt... điều đó giúp thị phần của Uber cũng như Grab ngày càng mở rộng.

Xe ôm công nghệ liên tục tăng giá, xe cỏ đầu ngõ được thời - 1

Xe công nghệ đã tăng giá (Ảnh:D.A)

Tháng 3/2018, khi Grab kéo Uber "về chung một nhà" đã mở ra thời kỳ gần như "một mình một chợ" của hãng xe này trên thị trường. Cũng kể từ đó, tài xế và hành khách lo ngại loại hình gọi xe công nghệ của Grab độc quyền vì tính cạnh tranh đã bị triệt tiêu và hãng có thể tự đơn phương tăng giá cước.

Lo lắng trên đã xảy ra khi khách hàng liên tục than phiền Grab về việc giá cước tăng cao so với thời điểm trước khi Grab mua lại Uber cũng như việc hủy cuốc, thái độ, tác phong không tốt của tài xế.

Theo phản ánh của rất nhiều hành khách, từ khi sáp nhập Uber vào hệ thống, giá cước của Grab tăng ít nhất 25-30%. Đặc biệt, vào lúc cao điểm như mưa lớn, giờ tan tầm, giá cước có khi tăng từ 200-300%.

Đợt điều chỉnh giá mạnh nhất là từ ngày 5/12. Giá cước tính theo km của GrabCar 4 chỗ và 7 chỗ khu vực Hà Nội, Bắc Ninh lần lượt tăng từ 8.500 đồng/km lên 9.500 đồng/km và 10.000 đồng/km lên 11.000 đồng/km; khu vực TP.HCM tăng từ 9.000 đồng/km lên 9.500 đồng/km; Bình Dương và Đồng Nai tăng từ 11.500 đồng/km lên 12.000 đồng/km.

Tương tự, giá cước GrabBike tính trên mỗi km (sau 2 km đầu tiên) cũng tăng từ 3.400 đồng/km lên 4.000 đồng/km; giá cước tính theo thời gian di chuyển (sau 2 km đầu tiên) tăng từ 300 đồng/phút lên 350 đồng/phút.

Giữ ưu thế trên thị trường, Grab đưa ra nhiều quy định bắt khách hàng phải theo. Công ty sẽ áp dụng chính sách hủy chuyến dành cho khách hàng sử dụng dịch vụ di chuyển của Grab gồm GrabCar, GrabTaxi, GrabBike. Mỗi lần hủy chuyến vượt quá mức quy định, hệ thống sẽ tự động trừ phí hủy chuyến 10.000 đồng.

Grab là ứng dụng đầu tiên thu phí nền tảng từ 19/2/2020. Mức phí (ở thời điểm thông báo) đối với các dịch vụ hai bánh là 1.000 đồng và 4 bánh là 2.000 đồng trên mỗi cuốc xe. Riêng dịch vụ GrabFood là 2.000 đồng và giao hàng GrabExpress là 3.000 đồng.

Những vụ việc không hay này và những động thái trong chính sách giá, hủy chuyến của Grab... khiến người tiêu dùng mất dần thiện cảm với một loại hình taxi công nghệ giá rẻ, tiện lợi khác xa với taxi truyền thống mà trước đây họ từng ca ngợi.

Hết cạnh tranh

Từ khi dịch vụ gọi xe công nghệ xuất hiện trên thị trường với giá cước cạnh tranh, tiện lợi, các hãng taxi truyền thống lâm vào cảnh kinh doanh khó khăn, khách hàng sụt giảm mạnh. Một hãng taxi lớn tại Việt Nam tuyên bố sẽ kiện Uber, Grab tới cùng. Lý giải về việc kiện tụng, đại diện hãng taxi này cho rằng, Grab và Uber cạnh tranh không lành mạnh, cơ bản nhất là phá giá.

Thậm chí, Hiệp hội taxi Hà Nội đã có đơn kiến nghị gửi các cấp có thẩm quyền đề nghị dừng khẩn cấp kế hoạch thí điểm các xe hợp đồng điện tử kiểu Grab hay Uber ngay trong tháng 9/2017. Tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải đã bác bỏ đề xuất này.

Tháng 10/2017, nhiều lái xe taxi truyền thống lần lượt dán các bảng hiệu phản đối với nội dung: "Yêu cầu dừng ngay việc cấp phù hiệu xe thí điểm vì phá vỡ quy hoạch"…

Xe ôm công nghệ liên tục tăng giá, xe cỏ đầu ngõ được thời - 2

Taxi truyền thống thay đổi để thu hút khách hàng (Ảnh:D.A)

Trước làn sóng phản đối những ưu thế của Grab, Uber hay taxi công nghệ, cơ quan chức năng đã có sự điều chỉnh để đảm bảo sự công bằng. Tại Hà Nội, taxi công nghệ cũng bị cấm đi vào một số tuyến đường tương tự như taxi truyền thống. Hay mới đây nhất, tại TP.HCM, taxi công nghệ được bố trí ở khu vực khác trong sân bay nhằm đảm bảo quyền lợi cho các hãng taxi mua quyền đón khách.

Để cạnh tranh, taxi truyền thống đã có những thay đổi mạnh mẽ. Sau thành công của taxi G7, Liên minh taxi Việt cũng được ra đời trên cơ sở hợp nhất của 17 đơn vị với khoảng 12.000 đầu xe, lớn nhất cả nước. Tất cả các hãng gia nhập Liên minh taxi Việt đều được cam kết hai nội dung: Khách hàng sẽ được kết nối đến với lái xe trong vòng từ 1 đến 2 phút và không tăng giá cước trong giờ cao điểm.

Cùng với việc hợp nhất để tăng sức cạnh tranh, các doanh nghiệp taxi cũng xây dựng những app riêng để đặt xe, tạo thêm một kênh kết nối khác cho khách hàng.

Rõ ràng, sự cạnh tranh giữa taxi công nghệ và taxi truyền thống cũng là động lực để hai bên cùng phát triển. Người tiêu dùng có sự lựa chọn về dịch vụ. Bà Nguyễn Thị Nga (Linh Đàm, Hà Nội) cho hay, trước đây đi đâu cũng đặt Grab nếu bên nào có khuyến mãi, giá tốt thì chọn. Nay Grab không còn chính sách khuyến mãi cho khách nữa mà giá cước còn bị đẩy lên quá cao. Những đó, bà chuyển sang đi taxi truyền thống, giá hơi đắt nhưng vẫn còn rẻ hơn so với Grab.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm