Xe công nghệ: Người dùng hết thời hưởng giá rẻ, tài xế ngao ngán thở dài

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Tài xế xe ôm công nghệ cho rằng, việc Grab tăng giá cước để bù thuế VAT thì khiến giá xe cao lên, khách đi xe vì thế cũng sẽ giảm đi, chưa kể phần còn bị trừ thì các lái xe cũng sẽ phải "gánh".

Xe công nghệ: Người dùng hết thời hưởng giá rẻ, tài xế ngao ngán thở dài - 1

Không chỉ tập trung trước công trụ sở Grab ở Hà Nội, các tài xế của hãng này cũng đã đi dọc các tuyến phố để biểu tình. Ảnh: T.H.


Tài xế công nghệ ngao ngán vì mức khấu trừ mới

Đón khách tại đường Tây Sơn đi Lý Thường Kiệt (Hà Nội), anh K.T - một tài xế GrabBike thể hiện sự mệt mỏi, ngao ngán. Anh kể chuyện, ngày hôm qua anh cùng nhiều đồng nghiệp đã rủ nhau tập trung trước công trụ sở Công ty TNHH Grab ở Hà Nội, rồi sau đó đi dọc các tuyến phố để biểu tình.

Anh T cho biết, sở dĩ các lái xe phải diễu hành khắp đường phố như vậy là vì không đồng tình với cách khấu trừ hiện nay của Grab. Hiện nay, Grab áp dụng mức khấu trừ 20% trên mỗi cuốc, sau đó lại tiếp tục trừ 10% mà số tiền tài xế được hưởng.

"Nếu chạy một cuốc xe 100 nghìn đồng, tài xế sẽ bị chiết khấu 20%. Sau đó còn 80.000 đồng được nhận thì lại tiếp tục bị trừ thêm 10% (VAT). Cực chẳng đã, chúng tôi mới phải đi tuần hành như vậy, vừa mệt lại mất cả ngày công", anh T kể.

Anh V. Tiệp - cũng chạy xe Grabbike ở khu vực Hà Nội. Anh Tiệp chia sẻ, sáng nay (8/12) nhiều đồng nghiệp của anh tiếp tục rủ nhau đến trụ sở Grab ở Hà Nội để phản đối chính sách mới.

"Tôi đắn đo, cũng định tham gia cùng các anh em nhưng sau lại thôi, tôi cần tiền để trang trải cuộc sống. Dừng một ngày làm việc là không biết lấy tiền đâu chi tiêu cho cả nhà, nghề chúng tôi vất vả nhưng cứ ráo mồ hôi là hết tiền", anh Tiệp chia sẻ.

Anh Tiệp cho biết thêm, nhiều người nói nghề chạy xe ôm công nghệ giờ thu nhập cao, hơn hẳn lao động chân tay khác nên nhiều người lao vào.

"Thực tế có được như vậy đâu, một ngày làm việc từ 6h sáng đến 6h tối, cật lực, "nổ" liên tục thì cũng có người kiếm được 1 triệu đồng, trừ đi các khoản khấu trừ của Grab còn 800 nghìn đồng, rồi tiếp tục trừ đi tiền xăng xe, ăn uống đâu còn được bao nhiêu. Còn nếu chỉ làm việc bình thường, khoảng 8h/ngày thì tổng thu nhập chưa trừ các khoản chiết khấu, xăng xe... là 400.000-500.000 đồng/ngày", anh Tiệp nói.

Anh Tiệp cũng cho rằng, Grab tăng giá cước để bù thuế VAT thì khiến giá xe cao lên, khách đi xe cũng ít hơn, phần còn lại thì các lái xe sẽ "gánh".

Ông Bùi Danh Liên - nguyên chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng những bất đồng giữa các tài xế và Grab thuộc về quan hệ dân sự. Trước đó cũng đã có lần tài xế Grab đi phản đối vì bất đồng tỷ lệ khấu trừ.

Theo ông Liên, vấn đề lớn nhất là hiện nay Grab và tài xế không ký kết hợp đồng lao động nên nhiều quyền lợi của tài xế không được đảm bảo. Ông Liên cho rằng cơ quan chức năng, nhất là Bộ Giao thông Vận tải cần xem xét, đưa loại hình GrabBike vào quản lý, đảm bảo quyền lợi cho cả tài xế lẫn Grab trên cơ sở pháp luật, tránh những vụ tập trung khiếu nại gây bất ổn xã hội.

Grab nói gì?

Liên quan đến phản ánh của tài xế, Grab cũng đã chính thức lên tiếng phản hồi. Theo đó, công ty khẳng định đang tuân thủ Nghị định 126/2020/NĐ-CP (NĐ 126), có hiệu lực từ ngày 5/12/2020.

Theo quy định Nghị định 126, thuế VAT 10% (theo pháp luật thuế mà Grab đang thực hiện) được áp dụng cho toàn bộ doanh thu từ hoạt động kinh doanh vận tải, bao gồm cả phần doanh thu vận tải của đối tác tài xế.

Do đó, nhằm mục đích tuân thủ quy định này, Grab đã đề xuất giá cước mới phù hợp, đồng thời tiến hành khấu trừ nghĩa vụ thuế VAT 10% từ cước phí chuyến xe mà người dùng hiện đang chi trả. Phí sử dụng ứng dụng (chiết khấu) áp dụng cho đối tác tài xế vẫn được giữ nguyên không thay đổi.

Cũng theo Nghị định 126, cá nhân hợp tác kinh doanh (trong trường hợp này là đối tác tài xế) không thuộc trường hợp trực tiếp khai thuế, nộp thuế; mà doanh nghiệp có trách nhiệm thu hộ, nộp hộ thuế cho đối tác tài xế.

Theo Grab, trước và ngay sau khi nghị định 126 ban hành, Grab đã tích cực chủ động tham gia góp ý trình bày cụ thể về tác động của nghị định tới cơ quan quản lý thuế, đồng thời nhiều lần gửi văn bản xin hướng dẫn thực hiện nghị định. Tuy nhiên tới nay Grab vẫn chưa nhận được phản hồi chính thức từ các cơ quan này.

Trước đó, để đảm bảo thu nhập cho tài xế khi Thuế VAT tăng theo Nghị định 126, Grab tăng giá 5-6% dịch vụ taxi, xe ôm công nghệ trên toàn quốc.

Nhiều ý kiến cho rằng, cách tính thuế VAT mới đã xóa đi lợi thế giá rẻ của xe công nghệ. Cùng với đó, vào các giờ cao điểm, giá cước lại tiếp tục đắt hơn nhiều lần thì sẽ giảm hấp dẫn đối với người dùng.