Xây lắp Dầu khí rút 180 tỷ khỏi công ty bất động sản "họ" PV

(Dân trí) - PVX sẽ thoái vốn hoàn toàn tại các doanh nghiệp bất động sản và các lĩnh vực đầu tư khác. Theo kế hoạch, sẽ chỉ giữ lại dưới 10 đơn vị thành viên, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây lắp dầu khí trên bờ.

Trước khi thoái vốn, PVX năm 34,14% vốn điều lệ tại PVR.
Trước khi thoái vốn, PVX năm 34,14% vốn điều lệ tại PVR.

Ngày 5/11, Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC – mã PVX) đã tổ chức chuyển giao toàn bộ phần vốn góp tương đương hơn 18,15 triệu cổ phần và các tổ chức Đảng, đoàn thể tại CTCP Kinh doanh Dịch vụ cao cấp dầu khí Việt Nam (PVR) cho Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group OGC) và Công ty TNHH VNT.

Cụ thể, PVX đã ký các hợp đồng chuyển nhượng 18,15 triệu cổ phần tại PVR cho các đối tác với mức giá 10.000 đồng/cổ phiếu (bằng mệnh giá). Trong đó, chuyển nhượng 10 triệu cổ phần cho OGC và 8,15 triệu cổ phần cho VNT. Giao dịch này đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) phê chuẩn

Ngoài ra, PVX sẽ thoái vốn hoàn toàn tại các doanh nghiệp bất động sản và các lĩnh vực đầu tư khác. Theo kế hoạch, sẽ chỉ giữ lại dưới 10 đơn vị thành viên, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây lắp dầu khí trên bờ.

Việc thu về trên 180 tỷ đồng thông qua chuyển nhượng cổ phần tại PVR góp phần giảm lỗ và trích lập dự phòng tài chính của PVX, đồng thời phần bổ sung nguồn vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong 3 tháng cuối năm.

OGC là tập đoàn kinh doanh đa ngành trong đó việc đầu tư vào các lĩnh vực bất động sản, khách sạn, tài chính, truyền thông và thương mại thực phẩm là các mảng kinh doanh cốt lõi. Đây cũng là cổ đông chiến lược của Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương – OceanBank.
 
Trong khi đó, PVR là công ty hoạt động trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản nằm trong nhóm các đơn vị mà PVX tập trung tái cấu trúc. Tại đây, PVX sở hữu 34,14% vốn điều lệ.

Ngày 15/8/2012, Hội đồng Quản trị PVX đã ban hành nghị quyết chấp thuận chủ trương chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của PVX tại PVR cho OGC và VNT.
Chốt phiên giao dịch 5/11, thị giá PVR còn 3.300 đồng/cp. Như vậy, nếu tính theo giá thị trường của cổ phiếu PVR, số cổ phần mà PVX chuyển nhượng sẽ chỉ có giá chưa tới 60 tỷ đồng.

Song mức mệnh giá 10.000 đồng cũng đã là quá rẻ so với giá đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên của PVR là 29.000 đồng/cp. Vì vậy, kể cả khi bán được mức giá "hời" này, PVX cũng đã phải cắt lỗ tới gần 2/3 khoản đầu tư (tính riêng trên cổ phần).

Mai Chi