Xây dựng trụ sở nghìn tỷ: "Nói cho cùng vẫn là dùng tiền của dân"

(Dân trí) - Về ý kiến một số địa phương cho biết sẽ không dùng đến ngân sách Trung ương, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc đánh giá: “Dù là tiền địa phương hay Trung ương thì cũng là tiền của dân, nhưng còn quyết định làm hay không làm thì có lẽ lại không phải là của dân mà là của quan. Nói cho cùng vẫn là quan dùng tiền của dân”.

“Người ta có quyền nói vì lợi ích nhóm”

Trước việc các địa phương “đua nhau” trình xin xây dựng trụ sở làm việc hàng nghìn tỷ đồng, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho rằng, cần xem xét về tính hiệu quả của mô hình xây dựng trụ sở tập trung hiện nay. “Tôi thấy nhiều ý kiến khen, nhiều ý kiến chưa khen, thậm chí là chê” – ông Quốc cho hay.

Về ý kiến một số địa phương cho biết sẽ không dùng đến ngân sách Trung ương, ông Quốc đánh giá: “Dù là tiền địa phương hay Trung ương thì cũng là tiền của dân, nhưng còn quyết định làm hay không làm thì có lẽ lại không phải là của dân mà là của quan. Nói cho cùng vẫn là quan dùng tiền của dân”.

Đại biểu Dương Trung Quốc trao đổi với phóng viên Dân Trí bên hành lang Quốc hội
Đại biểu Dương Trung Quốc trao đổi với phóng viên Dân Trí bên hành lang Quốc hội

Vị đại biểu cho biết, tại một số quốc gia với những sự kiện tương tự có thể sẽ thực hiện trưng cầu dân ý, nếu người dân đồng ý thì làm.

“Ai cũng biết bất cứ công trình xây dựng nào cũng có những mặt tiêu cực nhất định, người ta nói “luật bất thành văn”, có hay không thì còn phải điều tra, nhưng người ta có quyền nói rằng việc xây dựng vì một lợi ích nhóm nào đó” – đại biểu Dương Trung Quốc góp ý.

Cũng theo ông, hiện vẫn còn tư duy nhiệm kỳ nên còn chịu những áp lực nhất định. “Ở đây tôi chỉ nêu ra những yếu tố mang tính khả năng chứ không kết luận. Song, tất cả những điều này đòi hỏi người đưa ra quyết định phải thận trọng hơn trong việc chi tiêu, nhất là trong bối cảnh hiện nay ai cũng biết nợ công rất lớn, trong đó nợ công địa phương cũng không hề nhỏ”.

Ông Quốc lưu ý thêm, trong hoàn cảnh tài chính hiện tại bắt buộc phải tìm mọi cách để tạo ra những nguồn thu, trong đó không phải không có những khoản gây phiền nhiễu, tạo áp lực, gánh nặng cho người dân.

“Vừa rồi, không khí trên diễn đàn Quốc hội cũng đã đề cập rất nhiều đến việc “thắt lưng buộc bụng”, mà điều tôi thấy rất lạ là ai cũng cảm thấy tài chính đang có vấn đề nhưng lại không ai cảm thấy mình phải tham dự một phần trách nhiệm, một phần giải pháp vào đó. Cân đối ngân sách trở thành một vấn đề rất “nóng”, rất “quyết liệt” nhưng dường như chuyện đó vẫn chỉ ở trên diễn đàn Quốc hội mà thôi!” – ông Quốc chia sẻ.

Chỉ tiền khoán xe cũng đã bằng hoặc hơn lương!

Theo đánh giá của ông, vấn đề xe công là biểu hiện rõ nhất của thực tế này khi những người quyết định chính sách về xe công lại đều đang sử dụng xe công chứ không phải đang dùng xe riêng.

Việc khoán xe công đối với những chức danh cụ thể là một bài toán cần xem xét kỹ lưỡng. Tuy nhiên, có một điều bất hợp lý, nghịch lý ở Việt Nam là mỗi tháng một cán bộ nhận khoán trung bình 10 triệu đồng tiền đi lại (đó là đã rút xuống từ mức 320 triệu đồng/năm), trong khi đó lương nhà nước được bao nhiêu?

“Đó là điều không bình thường! Chỉ nói khoán thôi cũng đã bằng hoặc hơn lương!” – đại biểu Dương Trung Quốc phân tích.

Nguồn gốc của vấn đề theo nhìn nhận của ông Quốc chính là bộ máy hành chính quá cồng kềnh, để lại một hệ lụy rất khó giải quyết.

Theo đó, nếu biên chế ít thì chế độ, thu nhập sẽ phù hợp, tương xứng với mức độ đóng góp của công chức, chứ không phải sử dụng “xà xẻo”.

“Với một bộ máy biên chế cồng kềnh như thế này thì chẳng bao giờ giải quyết được vấn đề. Thậm chí với cả giải pháp mạnh mẽ nhất là đóng băng biên chế Nhà nước, không thêm biên chế tôi cho là cũng rất khó thực hiện vì đụng chạm đến con người, đến lợi ích, đến mối quan hệ” – ông Quốc nói, và nhận định, “phải nói thẳng đây là một bài toán nan giải!”

Bích Diệp

Xây dựng trụ sở nghìn tỷ: "Nói cho cùng vẫn là dùng tiền của dân" - 2