Xây dựng nền tảng kinh doanh bền vững Hà Lan-Việt Nam tại khu vực ĐBSCL
(Dân trí) - Nền tảng kinh doanh bền vững Hà Lan-Việt Nam mở ra cơ hội phát triển lớn cho nền nông nghiệp của Đồng bằng sông Cửu Long và các doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực này.
Chiều 5/8, ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) chi nhánh Cần Thơ cho biết, VCCI Cần Thơ cùng Đại sứ quán Hà Lan tại VN đã ký kết trực tuyến Chương trình hành động 2021 của nền tảng kinh doanh bền vững Hà Lan - Việt Nam tại khu vực ĐBSCL.
Lễ ký kết Chương trình hành động 2021 là một bước cụ thể hóa kế hoạch phối hợp và đẩy nhanh quá trình thực hiện những cam kết đã được nêu rõ trong Ý định thư về việc xây dựng Nền tảng kinh doanh bền vững giữa Hà Lan và Việt Nam tại khu vực ĐBSCL (gọi tắt là Nền tảng kinh doanh) trước đó vào tháng 1.
Các nội dung chính của chương trình hành động năm 2021 gồm: Trao đổi và phổ biến thông tin thị trường ĐBSCL đến đối tác Hà Lan và ngược lại; Nghiên cứu tiềm năng đầu tư và kinh doanh tại vùng ĐBSCL dành cho nhà đầu tư và doanh nghiệp Hà Lan; Hà Lan tham gia đóng góp quá trình nghiên cứu Báo cáo Kinh tế thường niên vùng ĐBSCL 2021 của VCCI Cần Thơ; Các đối tác Hà Lan sẽ tham gia vào Diễn đàn Kinh tế ĐBSCL kết hợp tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Hà Lan - Việt Nam tại ĐBSCL...
Tại buổi Lễ ký kết trực tuyến, bà Elsbeth Akkerman - Đại sứ Hà Lan - cho biết: Chính phủ Hà Lan sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc chuyển đổi nông nghiệp và hỗ trợ về mạng lưới nước, hợp tác với các trường đại học, học viện tại vùng để thực hiện các nghiên cứu, hợp tác trong khối tư nhân giữa các doanh nghiệp, nhà đầu tư Hà Lan với doanh nghiệp Việt Nam...
Bà Elsbeth Akkerman chia sẻ, phía Hà Lan có thể cung cấp những giải pháp để khắc phục những khó khăn do xâm nhập mặn, lũ lụt, hạn hán gây ra cho vùng ĐBSCL thông qua những ngành nông nghiệp bền vững, hệ thống quản lý nước, quản lý bờ biển... có thể giúp ĐBSCL vượt qua những thách thức trên và phát triển bền vững trong tương lai.
Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ tin rằng việc thực hiện các hạng mục trong chương trình hành động sẽ góp phần thúc đẩy và mở rộng các hoạt động thương mại và đầu tư giữa các đối tác Hà Lan với vùng ĐBSCL, qua đó góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh hơn và hướng đến sự phát triển mối quan hệ đối tác của hai quốc gia.
Theo ông Lam, ĐBSCL là vùng trồng lúa, cây ăn quả và chăn nuôi thủy sản lớn nhất cả nước, tuy nhiên đang đứng trước thực trạng dễ tổn thương do biến đổi khí hậu. Thực tế này đặt ra yêu cầu kép vừa thích ứng biến đổi khí hậu bằng các giống cây trồng, vật nuôi có sức chống chịu, vừa hạn chế ảnh hưởng biến đổi khí hậu bằng các biện pháp như đắp đê biển, xây dựng hồ trữ nước ngọt…
Trong Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững ĐBSCL thích ứng phó với biến đổi khí hậu theo Nghị quyết 120 của Chính phủ đã đặt ra mục tiêu chính là rà soát, sửa đổi các chiến lược và định hướng nền nông nghiệp hiện có cho toàn bộ vùng, nhằm nâng cấp các chuỗi giá trị sản phẩm hiện có, phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững và có sức cạnh tranh cao.