Xây đô thị ngầm dưới lòng TPHCM: Liệu có khả thi?

(Dân trí) - TPHCM vốn được biết đến với tư cách trung tâm kinh tế - xã hội đáng chú ý của Việt Nam và cả khu vực. Hiện tại, đã có những đề xuất xung quanh việc quy hoạch đô thị ngầm tại TPHCM, với kỳ vọng mô hình này sẽ là giải pháp cho một không gian sống với những thói quen sinh hoạt thực thụ trong tương lai của người dân đô thị.

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).

Thế nhưng, không gian ngầm sẽ được hình thành ra sao và thành phố có thể tận dụng những nguồn lực nào để thực hiện? Và liệu đây sẽ là thuận lợi hay thách thức của thị trường bất động sản Việt Nam?

Tàu điện ngầm, bài học nào cho Việt Nam?

Theo Bộ phận nghiên cứu Savills, tuyến đường sắt ngầm đầu tiên trên thế giới, Metropolitan Railway, hình thành tại Anh vào năm 1863. Hệ thống sau đó mở rộng đến 270 nhà ga với chiều dài 402km và chính sự xuất hiện của công trình giao thông ngầm này đã tạo tiền đề cho sự phát triển của khu vực ngầm “ăn theo” metro, cũng như góp phần đưa London trở thành trung tâm kinh tế hàng đầu của Châu Âu và thế giới.

Ngày nay, hệ thống tàu điện ngầm và những hạ tầng giao thông đồng bộ đã trở thành một phần không thể thiếu, với những cải tiến liên tục để đáp ứng nhu cầu hoạt động của những siêu đô thị trên thế giới. Những thành phố như London, Paris và New York đã sở hữu những hệ thống hoàn thiện từ hơn 1 thế kỉ trước. Ở Châu Á, Nhật Bản là quốc gia đầu tiên đánh giá được tầm quan trọng của hệ thống tàu điện ngầm và bắt đầu tiếp cận quy hoạch từ năm 1905.

Tuy nhiên, để hoàn thiện tuyến đầu tiên tại Tokyo, Nhật cũng đã mất đến hơn 20 năm. Tại Trung Quốc, sự phát triển của tàu điện ngầm ở Thượng Hải từ năm 1993 xuất phát từ sự gia tăng dân số. Tuy là “người đến sau”, nhưng tới nay, “thương hiệu” metro Thượng Hải đã được khẳng định trên toàn cầu với chiều dài kỉ lục, cùng 2,5 tỉ chuyến mỗi năm.

Từ sự thịnh hành của metro, quy hoạch hệ thống đô thị ngầm được hình thành gần như song song và đã tạo nên những thay đổi lớn cho đô thị của các quốc gia, có thể kể đến như thành phố ngầm RESO ở TP Montreal - Canada. Với hệ thống đường ngầm dài 32 km với diện tích tương đương 41 dãy phố bên dưới Montreal, RESO kết nối khoảng 80% khu văn phòng và 35% khu thương mại ở trung tâm thành phố.

Còn ở xứ sở mặt trời mọc, mạng lưới đô thị ngầm điển hình như Crysta Nagahori ở thành phố Osaka với tổng diện tích hơn 81.000 m2, trải dài qua quận Umeda, Namba và Shinsaibashi đã thúc đẩy sự phát triển lớn mạnh của hệ thống bán lẻ. Chỉ riêng quận Umeda đã bao gồm hơn 1.200 cửa hàng bán lẻ và nhà hàng, các ga tàu điện ngầm.

Đối với quốc gia có nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, Savills cho rằng, kinh nghiệm xây dựng đô thị ngầm của các nước trên thế giới sẽ là bài học quý giá đối với các đô thị tại nước ta, đơn cử như TPHCM. Đây cũng là khuynh hướng phát triển đô thị nén (Compact city) cho các thành phố lớn ở Việt Nam cũng như các nước trên thế giới.

Bên cạnh đó, đây là một xu thế tất yếu theo quỹ đạo phát triển đô thị hiện đại khi những thành phố lớn sẽ phát triển theo chiều dọc để vẫn có thể đảm bảo sự thuận tiện về thời gian đi lại cho cư dân. Hiện tại, dù tiến độ thi công của hệ thống metro đầu tiên đang tạm thời chậm hơn so với dự kiến, nhưng quy hoạch đô thị ngầm - bắt đầu từ những đồ án quy hoạch không gian ngầm đô thị - đã là một mục tiêu, là một sự phát triển tất yếu mà các nhà hoạch định đô thị đã đặt ra và các nhà đầu tư nước ngoài đang nhắm tới, bởi tiềm năng thương mại to lớn tại các khu vực xung quanh tuyến metro tại TPHCM.

Chưa từng có tiền lệ

TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc Đầu tư của Savills Việt Nam cho rằng, một khi thành phố có được một không gian đô thị ngầm đi vào hoạt động ổn định, người dân thành phố sẽ có thêm không gian sinh hoạt và từ đó thay đổi thói quen tiêu dùng hàng ngày. Thực tế trên dẫn đến việc các cơ sở hoạt động kinh doanh cũng có thêm cho mình những cơ hội mới để mở rộng và phát triển thay vì chỉ phải cố định vào các địa điểm trên mặt đất như hiện tại.

"Điều này cũng sẽ giúp thị trường bất động sản có thêm một mảng sản phẩm hoàn toàn mới đó là các mặt bằng không gian kinh doanh ngầm trong thành phố, tạo thêm sự sôi động cho thị trường. Hiện tại, những khu vực xung quanh tuyến metro như phố đi bộ Nguyễn Huệ, công viên 23/9, công viên Lê Văn Tám, cùng khu vực công viên Tao Đàn, sân vận động Hoa Lư… cũng đã nằm trong phân vùng quy hoạch đô thị ngầm", ông Khương nhận định.

Theo vị chuyên gia, các sản phẩm bất động sản ngầm mới sẽ trở thành một đề tài nổi bật của thị trường khi đô thị ngầm được hình thành. Đây cũng chính là điểm thu hút các nhà kinh doanh bán lẻ, ăn uống và dịch vụ sẽ khi tiếp cận những địa điểm ngầm gần các khu vực công cộng có đông người dân qua lại, như ga tàu điện, để mở rộng hoạt động kinh doanh.

Điều này góp phần tạo ra sự đa dạng cho thị trường và bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng sẽ dành sự chú ý nhiều hơn đến việc tham gia vào các dự án ngầm như trung tâm thương mại, siêu thị, thậm chí là kho bãi công nghiệp, chuỗi cung ứng. Các yếu tố này sẽ giúp tạo ra nhiều hoạt động trên thị trường, từ đó góp phần mở rộng thêm các lợi ích, dịch vụ, sản phẩm mà các công ty kinh doanh/tư vấn bất động sản có thể khai thác.

Vì đây là một bước tiến mới, hầu như chưa có tiền lệ của thị trường tại Việt Nam, các doanh nghiệp/nhà đầu tư tại thời điểm này sẽ còn khá cẩn trọng với loại hình sản phẩm mới từ đô thị ngầm này. Và dĩ nhiên, nếu xét về kinh nghiệm “chinh chiến”, các nhà đầu tư nước ngoài đương nhiên có nhiều kinh nghiệm hơn các nhà phát triển nội.

Tuy nhiên, ông Khương cũng cho rằng, nếu nhìn nhận trên diện rộng, các nhà đầu tư và doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có thể bắt đầu nghiên cứu các thị trường đi trước, từ đó lên kế hoạch cho mình để đón đầu xu thế phát triển tất yếu này. Sự cạnh tranh nội ngoại dù có khốc liệt, nhưng xét trên phương diện nào đó, đây vẫn là tín hiệu tích cực về một thị trường sôi động, với những bước tiến đáng kể trong tương lai gần.

Phương Dung