“Bỏ” chợ xây mới…
Với hơn 200 ki-ốt, sau 1 năm hoàn thiện chợ Yên vẫn chỉ “ngồi thiền” vì không có dân đến họp. Hiện tại, có rất ít tiểu thương vào chợ buôn bán khiến hàng loạt dãy ki-ốt vẫn đang nằm “im lìm”.
Chị Đ.T.H (thôn Yên Nhân) bày tỏ: “Khi khu chợ vừa xây dựng xong, tôi đã mua 1 ki-ốt với giá 40 triệu đồng, đầu tư thêm 15 triệu nữa để sửa sang phục vụ cho việc buôn bán nhưng nay chợ chẳng có ai đến họp, hàng hóa bán rất chậm”.
Không có người đến thuê...
Người dân không vào tập trung mua bán nên chợ xây xong đành bỏ đấy. Các dãy nhà mới xây heo hút, trống vắng và bẩn thỉu. Trong các ki-ốt, mùi “xú uế” bốc lên rất khó chịu còn phía ngoài sân chợ thì cỏ dại mọc um tùm.
Chưa hết, do ít người lui vào bên trong chợ nên từ lâu các con nghiện đã chọn dãy ki-ốt này làm điểm tiêm chích ma túy “lý tưởng”. Khắp khu chợ, xi lanh, bơm kim tiêm vẫn còn dính máu vứt bừa bãi.
Anh Tùng (Ban quản lý chợ Yên) cho biết: “Con nghiện đến đây rất nhiều. Chúng tôi liên tục phải dọn và đốt xi lanh, bơm kim tiêm trong các ki-ốt”.
... Các ki-ốt chợ trở thành điểm tiêm chích ma túy.
Theo tìm hiểu năm 1998, UBND xã Tiền Phong và ông Đỗ Đình Chiến (ở Đồng Tiến, Châu Giang, tỉnh Hải Hưng cũ) ký hợp đồng Đầu tư quản lý nâng cấp xây dựng chợ Yên với diện tích 6.306 m2. Trong quá trình hợp tác, giữa 2 bên nảy sinh mâu thuẫn nên công trình bị gián đoạn nhiều lần và đến nay vẫn chưa thể thống nhất.
... để họp chợ lề đường
Nhiều năm nay, tại giao lộ đi cao tốc Hà Nội - thị xã Phúc Yên - Chèm, những con đường liên tuyến huyết mạch này đã bị người dân biến thành khu chợ đầu mối kinh doanh, buôn bán suốt ngày đêm.
Thực trạng này đã gây cản trở rất lớn đến giao thông, nguy cơ tai nạn giao thông thế nhưng không hề có cơ quan chức năng nào đứng ra giải tỏa, xử lý.
Chợ tạm "chặn đứng" đường đi Chèm.
Chị T.T (xã Tiền phong) nói: “Người ta ngồi được thì mình cũng ngồi được, bao nhiêu năm nay buôn bán, họp chợ ở ngoài đường có thấy ai bảo gì đâu. Chợ là của dân nhưng hiện nay chúng tôi không biết phải họp chợ ở đâu nữa…”.
Ở khu chợ tạm này, các mặt hàng người dân kinh doanh chủ yếu là bán buôn rau, củ, quả và lương thực thực phẩm vào nội thành Hà Nội và chuyển đi các tỉnh lân cận. Chợ họp quanh hồ nên rác thải chất chứa thành từng đống ở bờ hồ và dưới nước bốc mùi… gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Bàn bán thịt và chất thải cùng bốc mùi!?
Trao đổi với PV Dân trí, ông Hoàng Công Đáng, Chủ tịch UBND xã Tiền Phong, cho biết: “Chúng tôi thừa nhận việc lấn chiếm lòng lề đường họp chợ đã gây cản trở giao thông và ô nhiễm môi trường.
Nhưng chúng tôi vẫn chưa có biện pháp nào để giải quyết, xử lý tình trạng này. Thời gian tới, chúng tôi định xin phê duyệt để xây dựng một khu chợ mới cho người dân họp chợ…”.
Hiện nay, vẫn còn rất nhiều địa phương chưa có kinh phí để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và khi mục tiêu quốc gia về chống lãng phí vẫn đang được tuyên truyền rộng rãi thì không hiểu tại sao xã Tiền Phong lại có ý định “bỏ đi” 1 công trình tiền tỷ trong khi người dân địa phương đang mong muốn được đưa vào khai thác sử dụng?!
Được biết ngày 01/07/2005, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ra Quyết định số 1831/QĐ-CT duyệt điều chỉnh, bổ sung dự án đầu tư xây dựng công trình chợ Yên với tổng mức đầu tư 5.560.000.000 đồng.
Châu Như Quỳnh