1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Xăng dầu sắp hết thời “tăng nhanh, giảm chậm”?

(Dân trí) - Bắt đầu từ ngày 1/11/2014, Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu (NĐ 83) sẽ chính thức có hiệu lực. Nghị định này được kỳ vọng sẽ khắc phục những vấn đề còn tồn đọng ở Nghị định số 84.

Trang web chính thức của Bộ Công thương đã đăng tải những ý kiến của Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) - ông Phan Thế Ruệ vấn đề này.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 
  
Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu sẽ có hiệu lực từ ngày 1/11 tới đây, theo ông, điều này có tác động nhiều đến hoạt động kinh doanh xăng dầu như thế nào?
 
Trước tiên phải khẳng định, NĐ 83 thay thế NĐ 84 có nhiều ưu điểm, trong đó, NĐ 83 sẽ tạo điều kiện cho thị trường xăng dầu Việt Nam có khả năng tiếp cận thị trường xăng dầu khu vực và thế giới.
 
NĐ 83 sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, cho cơ quan quản lý, đồng thời, tăng cường tính minh bạch, công khai để người tiêu dùng có thể giám sát thị trường xăng dầu. Đặc biệt, các yếu tố trong NĐ 83 sẽ giúp xăng dầu Việt Nam hội nhập với thị trường xăng dầu thế giới.
 
Trước đây, chúng ta nhận thấy một hiện tượng, giá xăng dầu thế giới điều chỉnh xuống nhưng giá trong nước vẫn đứng yên hoặc từng xảy ra trường hợp giá xăng thế giới đang giảm mà giá trong nước lại tăng, thì trong thời gian tới NĐ 83 sẽ giải quyết được những bất cập này.

Ông Phan Thế Ruệ - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu VN
Ông Phan Thế Ruệ - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu VN
 
Ông có thể cho biết, so với những quy định cũ, NĐ 83 có những điểm mới nào?
 
So với NĐ 84, Nghị định mới đã có những bước tiến bộ vượt bậc trong quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh xăng dầu. Điều đó được thể hiện trước tiên như: DN sẽ được phép điều chỉnh giá trong khoảng 3% và giá bình quân cơ sở được rút ngắn xuống 15 ngày, không như trước kia là 30 ngày. NĐ 84 trước đây quy định 30 ngày là quá dài so với tình hình chung của thế giới, gây khó khăn cho cả DN và người tiêu dùng. Cho nên khi NĐ 83 quy định chỉ có 15 ngày thì giá trong nước sẽ bắt nhịp với giá thị trường thế giới.
 
Điểm mới nữa chính là tần suất và biên độ điều chỉnh giá. Trước đây, khi điều chỉnh từ 0% đến 7% thì DN phải chịu giám sát của cơ quan quản lý, DN đề xuất, cơ quan quản lý đồng ý có được tăng thì DN mới được tăng, đồng ý được giảm, DN mới được giảm. NĐ 83 quy định khác hẳn, ở trong mức 0-3%, DN có quyền điều chỉnh giá, sau đó chỉ cần nộp hồ sơ lại cho cơ quan giám sát.
 
Bên cạnh đó, nếu như trước đây, khi giá xăng tăng 1% là DN có thể sử dụng Quỹ bình ổn (QBO) thì ở NĐ 83, khi giá tăng từ 3-7% thì DN mới được sử dụng đến QBO. Điểm mới này trong NĐ 83 sẽ tạo thành một nguyên tắc, đó là khi nào DN được sử dung QBO, khi nào DN được trích QBO để có thể bình ổn giá trên thị trường. Và khi giá tăng lên đến 7% thì thẩm quyền sẽ không còn nằm ở DN, hay cơ quan quản lý nữa mà lúc đó phải được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ. So sánh giữa NĐ mới và cũ sẽ thấy sự khác biệt hẳn, NĐ 83 sẽ giảm chuyện tích tụ của tăng, khắc phục tình trạng tăng thì tăng nhanh, tăng cao, giảm thì giảm thấp, giảm chậm.
 
Tuy nhiên, nói đi thì cũng cần phải nói lại, gần 1 năm nay, vẫn là NĐ 84, nhưng Liên bộ Tài chính - Công Thương đã điều hành rất tốt điều đó, chứng minh ở sự tăng, giảm giá rất nhịp nhàng, đúng với diễn biến của thị trường thế giới. Trong vòng 1 thời gian ngắn, giá xăng dầu tăng 5 lần và giảm 7 lần, trong đó tổng số lần giảm giá là 2.800 đồng, trong khi đó tổng số lần tăng giá chỉ 2.100 đồng. Điều đó, chứng tỏ rằng, đôi khi, việc tăng, giảm giá xăng dầu không nằm ở cơ chế mà chính là nằm ở cách điều hành cho phù hợp như cách sử dụng QBO, điều chỉnh thuế nhập khẩu hợp lý, tránh sự bị động cho DN.
 
Nếu sử dụng QBO không đúng, liên tục điều chỉnh thuế nhập khẩu, sẽ xảy ra tình trạng giá phải tăng thì không được tăng, giảm thì lại không cho giảm. Bởi khi giá xăng dầu thế giới giảm, nếu cơ quan quản lý lại cho tăng thuế nhập khẩu, sẽ khiến cho đáng lý giá xăng phải giảm thì lại không giảm được. Trong lúc đang chờ giá cơ sở giảm tiếp để giảm giá xăng dầu thì giá xăng dầu thế giới lại tăng. Nó như một vòng luẩn quẩn khiến người tiêu dùng rối trí và thắc thỏm, tại sao giá tăng thì tăng nhanh, giảm thì giảm chậm.
 
Nghị định 83 cũng quy định rất rõ ràng về QBO. QBO vốn dĩ là đóng góp của người tiêu dùng để khi giá xăng tăng, DN sử dụng Quỹ này để bình ổn giá trên thị trường. Và khi cần thiết, khi giá tăng trong khoảng 3-7% thì DN cũng phải hi sinh lợi nhuận, người tiêu dùng phải hi sinh trích QBO và Nhà nước phải giảm thuế nhập khẩu. 3 đối tượng này phải hi sinh thì mới có thể hài hòa lợi ích tất cả.
 
Tại NĐ 83 đã quy định rất rõ về, nguyên tắc trích lập, sử dụng và quản lý QBO. Theo đó, QBO được hạch toán như một quỹ tài chính và chịu lãi suất ngân hàng và chỉ được giao dịch và sử dụng vào mục đích bình ổn thị trường.
 
Ông có nhận xét gì về tính cạnh tranh mà NĐ 83 có thể tạo ra?
 
Ông có nhận xét gì về tính cạnh tranh mà NĐ 83 có thể tạo ra?
 
Điểm đặc biệt tiến bộ trong NĐ mới, tôi cho là rất phù hợp với diễn biến thị trường, đó là có thêm hai thành phần tham gia bán lẻ là Thương nhân phân phối và Thương nhân nhận quyền bán lẻ. Trước đây, thị trường xăng dầu trước đây chỉ có 3 thành phần là Đầu mối, Tổng đại lý và Đại lý bán lẻ thì nay NĐ 83 thêm 2 thành phần là 5 thành phần. Trong đó, tại NĐ 83 quy định, Thương nhân phân phối về nghĩa vụ và trách nhiệm chỉ kém mỗi doanh nghiêp đầu mối là không được nhập khẩu, còn Thương nhân phân phối sẽ được bán lẻ, bán cho các đại lý, đặc biệt được quyết định giá. Đây sẽ là yếu tố tạo ra một môi trường kinh doanh cạnh tranh.
 
Tuy nhiên sự cạnh tranh này sẽ vẫn nằm trong khuôn khổ quản lý của Nhà nước, vì hiện nay, xăng dầu vẫn là một trong những mặt hàng do Nhà nước quản lý.
 
Có nhiều luồng ý kiến cho rằng, Nghị định mới thay thế NĐ 84 có phần ưu ái cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu khi mà tạo nhiều điều kiện hơn cho doanh nghiệp trong việc điều chỉnh giá?
 
Quan điểm cá nhân tôi thì không cho rằng NĐ mới ưu ái cho DN, mà NĐ mới thay thế NĐ 84 ra đời do nhu cầu của nền kinh tế thị trường và do yêu cầu của Chính phủ là phải làm cho xăng dầu tiếp cận với thị trường. Khi giao cho DN định giá nghĩa là giao cho DN quyền đưa xăng dầu đến với thị trường. Đây cũng chính là tạo ra lợi ích cho người tiêu dùng, giúp minh bạch thị trường xăng dầu trong thực thi pháp luật.
 
Đây thực chất là trả lại quyền quyết định cho DN theo Luật DN và theo các luật khác để phù hợp với quy luật kinh tế thị trường. Mà theo kinh tế thị trường thì giá là do thị trường quyết định mà người quyết định chính là DN chứ quản lý Nhà nước không thể đứng ra định giá được. Điều này chính xác phải nói là sẽ làm minh bạch hơn thị trường xăng dầu chứ không thể nói là ưu ái DN.
 
NĐ 83 nếu thực hiện nghiêm túc, hướng dẫn một cách minh bạch thì sẽ có lợi cho người tiêu dùng. Cái lợi thứ nhất theo tôi là minh bạch điều chỉnh giá xăng dầu. Thứ hai là minh bạch về quyền sử dụng QBO. Cái lợi thứ ba, công khai minh bạch các thành phần tham gia bán lẻ xăng dầu. Khi kiểm soát được ba điều này thì người tiêu dùng sẽ không còn thắc mắc về việc tăng giảm giá xăng dầu nữa. Bởi tâm lý của người tiêu dùng là chấp nhận giá thị trường nhưng phải minh bạch chứ không khiến người tiêu dùng rối trí.
 
Không chỉ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, NĐ 83 nếu thực thi sẽ mang lại lợi ích cho DN khi DN có thể điều hành giá mà không bị áp bởi các quy định hành chính; cơ quan quản lý cũng sẽ không “mang tiếng” khi có sự điều chỉnh tăng, giảm giá xăng dầu.
 
Bích Diệp lược ghi
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm