Thủ tướng: “Điện không được thiếu, xăng dầu phải ổn định!”
(Dân trí) - Tại phiên làm việc giữa Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương, các lãnh đạo Tập đoàn cũng đề xuất các phương án hỗ trợ, đặc biệt về mặt vốn vay.
Những yếu tố này sẽ gây không ít áp lực cho sản xuất, kinh doanh trong nước, như: tình hình chính trị thế giới còn tiềm ẩn nhiều diễn biến khó lường, các rào cản thương mại tiếp tục gia tăng, sự hồi phục kinh tế thế giới còn chậm…
Dự báo sản xuất công nghiệp trong những tháng cuối năm tiếp tục tăng trưởng nhưng không cao, ước cả năm 2014, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng trên 7%.
Tại buổi làm việc, các đại biểu tham dự cũng đã đề xuất những kiến nghị nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc và hoàn thành được mục tiêu kế hoạch năm.
Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với Bộ Công thương ngày 2/10 (Ảnh: MOIT)
Vinacomin muốn được Chính phủ bảo lãnh vay vốn nước ngoài
Theo báo cáo của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), tồn kho than đến cuối quý III của tập đoàn này ở mức 7,7 triệu tấn (than sạch thành phẩm 5,2 triệu tấn; nguyên khai và bán thành phẩm 2,2 triệu tấn).
Trước dự báo tình hình tiêu thụ than tại thị trường trong và ngoài nước có sự phục hồi nhưng vẫn còn khó khăn, ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Vincomin kiến nghị Chính phủ xem xét cho Tập đoàn được vay vốn từ nguồn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, một phần vốn ODA, vốn trái phiếu Chính phủ để đầu tư phát triển ngành Than theo Quy hoạch, phục vụ cho phát triển nhiệt điện than.
Tập đoàn này cũng kiến nghị được Chính phủ bảo lãnh vay vốn nước ngoài để đầu tư phát triển ngành than. Bên cạnh đó, đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường đẩy nhanh tiến độ cấp phép thăm dò và cấp phép khai thác, tạo điều kiện cho các đơn vị thực hiện đúng tiến độ quy hoạch đề ra. Đồng thời, đề nghị Nhà nước xem xét, điều chỉnh giảm thuế, phí đối với tài nguyên than.
EVN đề xuất được vay vốn tín dụng ưu đãi
Về phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ông Hoàng Quốc Vượng – Chủ tịch Tập đoàn mong muốn Chính phủ ưu tiên bố trí vốn ngân sách Nhà nước để thực hiện cấp điện cho vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc, dự án cấp điện cho các đảo và huyện đảo. Tiếp tục ưu tiên bố trí các nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài cho các dự án điện. Đồng thời, cho phép các dự án điện được vay vốn tín dụng ưu đãi trong nước phục vụ di dân tái định cư và chế tạo thiết bị trong nước.
Tại hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh: “Ngành Công Thương phải phấn đấu quyết liệt hơn nữa nhằm hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu Ngành đã đề ra cho năm 2014 cũng như hoàn thành tốt các chức năng, nhiệm vụ của Ngành”.
Thủ tướng yêu cầu, thời gian tới, ngành Công Thương cần đặc biệt quan tâm đến hoạt động quản lý Nhà nước của Ngành, lưu ý đến việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường để thị trường cạnh tranh hơn, minh bạch hơn, bình đẳng hơn, phân bổ nguồn lực tốt hơn. Cần tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để ngành Công Thương phát triển bền vững, hội nhập, cạnh tranh trên các lĩnh vực.
“Cần tập trung phát triển sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, trong đó, thứ nhất điện phải không để thiếu; thứ hai xăng dầu phải ổn định, chất lượng; thứ ba phải đảm bảo được than. Không được để mất ổn định các cân đối lớn của nền kinh tế” - Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.
Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị Bộ Công Thương cần tiếp tục tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh; tiếp tục quan tâm mở rộng thị trường trong và ngoài nước.
Thủ tướng cũng lưu ý đến việc đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường ngoài nước. Nâng cao hiệu quả của công tác quản lý thị trường, tích cực ngăn ngừa buôn lậu, gian lận thương mại, hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng để đảm bảo sản xuất trong nước và quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Bích Diệp