Xã hội đen “núp bóng” doanh nghiệp đòi nợ kiểu “truy sát”, khủng bố, giết người!
(Dân trí) - Đại tá Phạm Huyền Ngọc - Giám đốc Công an tỉnh Ninh Thuận - cho biết: “Xã hội đen núp bóng doanh nghiệp; doanh nghiệp sử dụng xã hội đen đe dọa, bắt giữ người trái phép, khủng bố người thân của con nợ. Đã có án mạng xảy ra như vụ “Quân xa lộ”, vợ dùng búa giết chồng ở Gia Lai...”.
Vấn đề nói trên được Giám đốc Công an tỉnh Ninh Thuận đưa ra trong phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội về Luật Đầu tư (sửa đổi), sáng nay (20/11). Từ thực tế thực thi nhiệm vụ, Đại tá Phạm Huyền Ngọc đề nghị đưa ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ vào danh mục cấm.
Bắt giữ người, đe dọa, khủng bố
Theo Đại tá Phạm Huyền Ngọc, đòi nợ là vấn đề khó khăn trong giao dịch dân sự và hợp đồng kinh tế. Xuất phát từ nhu cầu thực tế của cuộc sống, quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, đồng thời đáp ứng nhu cầu của khách hàng, ngày 14/6/2007 Chính phủ đã ban hành Nghị định 104/2007 và Luật Đầu tư năm 2014 quy định về kinh doanh dịch vụ đòi nợ là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Qua quá trình thực hiện, đa số các doanh nghiệp chấp ngành nghiêm quy định của pháp luật, nhưng một số tổ chức cá nhân đã không tuân thủ quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, cũng như những quy định của pháp luật có liên quan khi kinh doanh dịch vụ đòi nợ, dẫn đến phát sinh nhiều hệ quả tiêu cực đối với xã hội.
Giám đốc Công an tỉnh Ninh Thuận thông tin, do khó khăn trong việc đòi nợ nên đã có các hành vi vi phạm phổ biến của dịch vụ đòi nợ, như: Bên đòi nợ tìm cách thu giữ, hủy hoại tài sản trái pháp luật, hoặc có hành vi đi dọa, trấn át, khủng bố tinh thần, gây hoang mang cho con nợ. Nhiều nơi xuất hiện tình trạng lợi dụng đăng ký kinh doanh dịch vụ đòi nợ để biến tướng thành các băng nhóm, cưỡng đoạt tài sản, cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen gây mất an ninh trật tư và an toàn xã hội.
“Tình trạng xã hội đen núp bóng doanh nghiệp, hoặc doanh nghiệp sử dụng xã hội đen đe dọa, xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Đó là những hoạt động biến tướng của kinh doanh dịch vụ đòi nợ, vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Một số đối tượng đòi nợ thuê có đăng ký kinh doanh và không đăng ký kinh doanh, bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích, thậm chí có vụ dẫn đến chết người; phổ biến là các hành vi đe dọa, khủng bố người thân, con cái, cha mẹ các con nợ.” - Giám đốc Công an tỉnh Ninh Thuận nêu rõ.
Đại tá Phạm Huyền Ngọc cho biết, gần đây, đối tượng đòi nợ thuê có những hành vi nguy hiểm và phức tạp hơn mà mọi người “không thể hình dung ra”. Cụ thể: Đối tượng đòi nợ lấy danh bạ điện thoại của con nợ và tìm hiểu, xác minh địa chỉ nhà của hàng xóm của con nợ để điện thoại, đe dọa khi con nợ trốn tránh việc trả nợ.
“Giáo viên nợ thì đối tượng đòi nợ thuê điện thoại đe dọa, khủng bố Ban lãnh đạo và các giáo viên khác của nhà trường, hàng xóm của con nợ bị điện thoại “khủng bố” giữa đêm. Đối tượng dùng nước thải, mắm tôm ném vào nhà nhằm gây áp lực với người thân, bạn bè và hàng xóm của con nợ, yêu cầu họ cùng buộc con nợ phải trả nợ.”- Đại tá Phạm Huyền Ngọc dẫn chứng về thủ đoạn mới trong dịch vụ đòi nợ thuê.
Án mạng “rúng động”
Theo Giám đốc Công an tỉnh Ninh Thuận, những hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động đòi nợ thuê gây bức xúc cho người dân và ảnh hưởng rất xấu tới an ninh trật tự tại địa phương, nhưng lực lượng công an rất khó xác định được đối tượng và phát hiện xử lý theo quy định của pháp luật, nhất là những trường hợp đối tượng nợ do cờ bạc nhưng giấy xác nhận là vay tiền và con nợ đã bỏ trốn, không hợp tác với cơ quan điều tra, chỉ người thân và hàng xóm phải chịu áp lực.
“Không phải không quản được thì cấm mà ngành nghề này gây ra nhiều hệ luỵ tiêu cực cho xã hội như vụ “Quân xa lộ” vừa qua, hay mới đây nhất là ngày 18/11/2019 tại huyện Chư Pa, tỉnh Gia Lai - do chồng vay nợ tín dụng đen và liên tục bị đòi nợ nên vợ đã dùng búa đánh chết chồng, rất nhiều nhiều vụ việc khác chưa dẫn chứng.” - Đại tá Phạm Huyền Ngọc cho biết.
Giám đốc Công an tỉnh Ninh Thuận cho rằng, việc kinh doanh dịch vụ đòi nợ là có điều kiện nhưng thiếu những quy định rõ ràng, chặt chẽ về các yêu cầu, điều kiện phải tuân thủ pháp luật là một trong những nguyên nhân phát sinh tình trạng tín dụng đen trong những năm gần đây. Cho vay và đòi nợ thuê đều là hoạt động hợp pháp nhưng cách thức đòi nợ như thế nào, sử dụng ai để đòi nợ và cho vay bao nhiêu, trong khi việc xử lý hình sự đối với tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự còn rất nhiều vướng mắc.
Theo Đại tá Phạm Huyền Ngọc, Chính phủ chuyển đổi việc kinh doanh dịch vụ đòi nợ từ có điều kiện sang cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ là phù hợp. Đưa việc kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê vào danh mục cấm sẽ góp phần ngăn chặn, hạn chế tình trạng tín dụng đen. Hoạt động đòi nợ thuê bị cấm, mọi hoạt động đòi nợ thuê là vi phạm pháp luật và sẽ bị pháp luật xử lý.
“Khi có tranh chấp hợp đồng, các bên tham gia tự thỏa thuận giải quyết hoặc khiếu kiện để tòa án giải quyết. Nhà nước có đầy đủ hệ thống luật pháp, cơ quan bảo vệ thi hành pháp luật như tòa án, Viện kiểm sát, thi hành án để giải quyết. Đối với những vụ việc đã có quyết định, bản án của toà án có hiệu thực thi hành pháp luật thì cơ quan thi hành án là cơ quan có thẩm quyền thi hành.” - Đại tá Phạm Huyền Ngọc cho biết thêm.
Đồng thuận với Giám đốc Công an tỉnh Ninh Thuật, nhiều đại biểu Quốc hội cũng có quan điểm nên “cấm” kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) nhấn mạnh: “Kinh doanh dịch vụ đòi nợ lành ít dữ nhiều, mang tính tiêu cực hơn là tích cực. Đây là vấn đề không còn là bình thường nữa và không nên để tồn tại dịch vụ kinh doanh đòi nợ.”.
Châu Như Quỳnh