WTO "nóng" với cả gánh hàng xén
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhận được cú điện thoại từ một bà chủ sạp hàng khô ở chợ Rồng (Nam Định) hỏi vào WTO thì hàng xén của bà có bị ảnh hưởng không?. Sau khi nghe phân tích, bà kết luận: “Thế mà tôi cứ tưởng tôi không bị ảnh hưởng gì”. Quả thật, với người dân VN, WTO còn trăm mối bộn bề.
Điểm nào cũng nóng
Cuộc đối thoại với các nhà kinh tế mang tên “Những điểm nóng của WTO” do Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức tuần rồi cho thấy điểm nóng nhất là: Điểm nào cũng nóng. “WTO là cuộc chơi của toàn dân, và dân phải biết mình sẽ chơi gì để chuẩn bị”.
Sau sự mào đầu của ông Phương Hữu Việt (Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam), TS. Lê Đăng Doanh cảnh báo vào WTO như một chiếc ôtô chỉ cài số tiến, không có số lùi, là một chuỗi các luật lệ mới nhưng không có biếu xén, không mời mọc ăn uống, không có chuyện hứa nhưng không làm, không có chuyện anh thích bán cái gì thì bán mà phải lựa xem thị trường có thích không, không có chuyện doanh nghiệp này phải hạ gục doanh nghiệp kia mà phải kiếm ra mẫu số chung để cả hai cùng thắng, không có cơ hội để tâng bốc và khen nhau những chuyện không có thật.
Đó là một cuộc chiến, và chúng ta từ trước tới nay đã xí xóa cho nhau nhiều nên bây giờ cần sự khắt khe kiểu chiến trường đó.
Còn với ông Trần Việt Hùng - Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ - thách thức lớn nhất là quyền sở hữu trí tuệ. Bất kỳ thứ hàng nào bán được trên thị trường hiện nay đều có hàng giả.
Ông dẫn chứng, Luật Sở hữu trí tuệ đã được thông qua năm 2005 nhưng theo Hiệp hội Phần mềm thế giới, 92% phần mềm sử dụng ở ta năm 2004 vi phạm bản quyền (cao nhất thế giới). Năm 2005, tỷ lệ này là 90% nhưng vẫn cao nhất thế giới. “Cần tăng cường ý thức quần chúng, nếu không cả hệ thống sẽ yếu theo” - ông Hùng khẳng định.
Điểm nóng thứ hai về sở hữu trí tuệ, với ông Hùng, là sự chênh lệch về ý thức và năng lực giữa doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài. “Năm 2005, chúng tôi nhận được 95% đơn đăng ký sáng chế có nguồn gốc nước ngoài, 5% của Việt Nam nhưng chỉ 2% trong số sản phẩm có nguồn gốc Việt Nam được cấp văn bằng bảo hộ”.
Ông nói tiếp: “Chính phủ đã có chương trình về sở hữu trí tuệ từ năm 2005 nhưng tới nay vẫn loay hoay với việc làm sao để gia tăng thị phần sở hữu trí tuệ của Việt Nam lên. Trong số 25.000 doanh nghiệp Việt Nam đã thành lập thì mới có 25% nhãn hiệu được đăng ký bảo hộ”.
Đại diện cho các doanh nghiệp cà phê ca cao, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, ông Đoàn Thiệu Nhạn, thừa nhận: “Luật chơi WTO tôi còn chưa nắm được trong khi tôi lo nhất là doanh nghiệp cà phê còn quá yếu”.
Giống cho cà phê là một vấn đề. Hiện Việt Nam còn chưa có nguồn gen và quỹ gen với cà phê arabica và nhiều giống cà phê khác. Theo báo cáo gần đây nhất của Hiệp hội Cà phê quốc tế, trong tổng số lượng cà phê xấu và kém chất lượng tồn ở thị trường London có gần 90% là cà phê Việt Nam.
Vấn đề thứ hai hiện đang nóng với ông Nhạn, đó là hàng rào kiểm dịch động thực vật của nhiều nước WTO. Nhật Bản vừa có hệ thống kiểm dịch cà phê mới và đa phần cà phê Việt Nam chưa đủ tiêu chuẩn đáp ứng hệ thống này về mức tối đa tồn dư thuốc trừ sâu.
Bên cạnh đó, 85% người làm ra cà phê của ta hiện là nông dân cá thể, làm sao họ biết luật chơi trong khi Chính phủ chưa hề có một chương trình tổng thể cho ngành cà phê để xốc lại đội hình?
Với Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các bức xúc trên có phần xuất phát từ việc Nhà nước thiếu chuyên nghiệp. Ông đặt ra câu hỏi: 149 nước trong WTO có nước nào như Việt Nam, nơi 55% đầu tư là từ Nhà nước?
Ông ví, vào WTO giống như việc vào FIFA (Liên đoàn Bóng đá thế giới): hiệp hội và ngành là câu lạc bộ, doanh nghiệp là cầu thủ, Nhà nước sẽ là huấn luyện viên. Vì không thể thay đổi cầu thủ được nên nếu ông huấn luyện viên biết cách chỉ đạo, biết lựa chọn đội hình tốt nhất và chọn đấu pháp đúng mới có thể thắng.
Ông Huỳnh lo lắng vì còn bao nhiêu việc Nhà nước chưa làm xong, đặc biệt là làm luật. “Cần phải làm sao để cả xã hội quen với cách ứng xử có luật lệ, văn minh và cạnh tranh. Điều đó đòi hỏi một văn hóa đối thoại cởi mở, chân thành, văn minh từ bản thân Nhà nước”, ông nói.
Đến từ Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, ông Võ Trí Thành bổ sung thêm rằng việc xây dựng chiến lược quốc gia năm năm, 10 năm còn quá nhiều vấn đề: “Cách đây một tháng, Bộ Công nghiệp còn ra một chiến lược cho ngành mũi nhọn với rất nhiều gạch đầu dòng mâu thuẫn với các quy tắc hội nhập”, ông Thành nói.
Tâm lý tiểu nông
Là người gắn bó lâu năm với ngành thủy sản, ông Nguyễn Hữu Dũng - Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà sản xuất và xuất khẩu thủy sản Việt Nam - đem đến cuộc đối thoại bức xúc đặc trưng của ngành.
Đó là việc “cần cải tiến ngay cách hành xử, suy nghĩ và thói quen tiểu nông đang kiềm tỏa chúng ta”. Tất cả chúng ta đều có thể gặp hàng ngày trên tàu xe cảnh bà nông dân bình thản nhồi những miếng bánh đúc vào họng những con vịt tội nghiệp.
Con tôm cũng chịu chung số phận: “Tôm của Việt Nam là sản phẩm rất nổi tiếng, nhưng một số nông dân lại bơm tạp chất vào tôm cho nặng cân. Chúng tôi đã phải đấu tranh từ năm 1997 đến nay mà chưa chấm dứt được cái nạn này”.
Thứ hai là những suy nghĩ chưa đúng về nông dân và doanh nghiệp. Ông Dũng tổng hợp lại những từ thông dụng nhất người ta hay gán cho doanh nghiệp như: ăn xổi ở thì, ép giá nông dân, đẩy nông dân vào đường cùng...
Đó là kiểu tư duy không theo thị trường. Cứ ông to là bị bắt vạ, chưa biết ai đúng ai sai. Va vào nhau, ông ô tô chắc chắn phải đền ông xe máy, ông xe máy chắc chắn phải đền ông xe đạp, ông xe đạp có gây tai nạn chắc chắn phải gánh ông đi bộ, dù ông đi bộ trái đường.
Người ta chỉ biết doanh nghiệp là có lỗi với nông dân mà không biết hàng ngàn nông dân ký hợp đồng với doanh nghiệp mà vẫn dửng dưng bán hàng cho người khác.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn