World Bank dự báo lạm phát Việt Nam cuối năm 2013 tới 8,2%
(Dân trí) - Mức dự báo lạm phát của World Bank cao hơn rất nhiều so với mục tiêu dưới 6,8% do Chính phủ đề ra cũng như mức dự báo chung của giới chuyên gia trong và ngoài nước. Rủi ro chính nằm ở khả năng nới lỏng mạnh về chính sách vào nửa cuối năm.
Chuyên gia Deepak Mishra - Kinh tế trưởng của World Bank Việt Nam (ảnh: BD).
Tại phiên họp báo công bố cập nhật tình hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam diễn ra sáng 12/7/2013, chuyên gia Kinh tế trưởng của WorldBank Việt Nam, ông Deepak Mishra đưa ra dự báo, đến hết năm nay, lạm phát Việt Nam sẽ tăng lên ở mức 8,2%. Mặc dù mức này thấp hơn so với 8,5% đưa ra cuối năm ngoái nhưng vẫn cao hơn rất nhiều so với mục tiêu của Chính phủ cũng như dự báo của các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước khác.
Trong 6 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam đã được kiềm chế ở mức 2,4% và còn cách rất xa so với mục tiêu cả năm dưới 6,8%. Mặc dù nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại về việc lạm phát có thể trở lại vào nửa cuối năm, song mức dự báo mà các chuyên gia trong nước đưa ra cũng chỉ khoảng từ 6-6,5% và được cho là có tính khả thi cao.
Nếu các chính sách vĩ mô vẫn được giữ như xu hướng hiện nay, lạm phát cả năm thậm chí sẽ thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng của năm 2012, khoảng 5,2-5,5%.
Một số tổ chức khác như JP Morgan Chase cho rằng, lạm phát 2013 của Việt Nam sẽ chỉ ở mức 6,1%, thấp nhất kể từ năm 2003 tới nay. Cùng quan điểm trên, trong một báo cáo khác, Standard Chartered cũng đã hạ dự báo lạm phát của Việt Nam năm 2013 từ mức 8% xuống 7,2%.
Trong khi đó, ngân hàng ANZ cho rằng, mức lạm phát trung bình của Việt Nam trong năm nay sẽ ở ngưỡng dưới của khoảng dự báo 6-8% . Mức tăng CPI có thể xuống dưới 5% vào cuối quý III hoặc đầu quý IV trước khi kết thúc năm ở mức 5,5%.
Tuy đưa dự báo cho lạm phát Việt Nam ở mức rất cao song Ngân hàng Thế giới (World Bank) vẫn đánh giá, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm nay chỉ ở mức 5,3%, không cao hơn đáng kể so với mức đạt được của năm 2012 là 5,2% và thấp hơn so với mức dự báo được tổ chức này đưa ra hồi cuối năm ngoái cho năm 2013 là 5,7%.
Trả lời câu hỏi của Dân trí về mức chênh lệch trong các dự báo nói trên, chuyên gia Deepak Mishra nói: Tương quan tăng trưởng và lạm phát không phải là 1:1, có trường hợp tăng trưởng cao và lạm phát thấp và ngược lại, tuỳ thuộc vào tình hình từng thời điểm.
Ông cho hay, với diễn biến 6 tháng đầu năm và triển vọng 6 tháng cuối năm (bao gồm yếu tố tỉ giá, giá cả của các dịch vụ công như dịch vụ y tế, giáo dục, giá điện, xăng dầu và các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ, tài khoá...), World Bank bảo lưu quan điểm, cho rằng lạm phát trong năm nay của Việt Nam sẽ là 8,2% trước khi giảm xuống còn 7,9% trong năm 2014, so với mức 6,8% của năm 2012.
Nới lỏng chính sách có thể xói mòn thành quả ổn định kinh tế vĩ mô
Lý do được World Bank đưa ra cho các dự báo trên chủ yếu nằm ở hai rủi ro chính. Theo đó, tình hình tăng trưởng kinh tế chậm lại trong thời gian này có thể tạo sức ép khiến Chính phủ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khoá. Từ đó, tạo áp lực lên lạm phát và làm xói mòn các thành quả mong manh của quá trình ổn định kinh tế vĩ mô.
Ông Deepak Mishra lưu ý, thời điểm này, Việt Nam vẫn đang kẹt ở giai đoạn tăng trưởng chậm lại dài nhất kể từ thập niên 1980 trong khi kinh tế thế giới dường như đã “ấm” trở lại. Chuyên gia World Bank đánh giá, Việt Nam đã tăng trưởng chậm lại so với chính mình của thời gian trước và so với các quốc gia khác trong khu vực. Tỉ lệ FDI/GDP và cầu tiêu dùng đều giảm.
Nguồn: WB.
“Mặc dù chúng tôi biết rằng Việt Nam có mức tăng trưởng tiềm năng ở mức 7% nếu thực hiện tốt những cải cách về cơ cấu cũng như thể chế. Song, với tỉ lệ tăng GDP khoảng 6% hiện nay, Việt Nam đang ở dưới mức tăng trưởng tiềm năng”.
Trước khủng hoảng kinh tế toàn cầu (2007-2008), tăng trưởng GDP của Việt Nam ở mức 6,8% chỉ sau Trung Quốc và cao hơn so với Philippines, Malaysia, Indonesia, Thái Lan. Tuy nhiên, sau khủng hoảng, hai nước giảm mạnh về tốc độ tăng trưởng lại là Trung Quốc và Việt Nam.
Theo nhận định của chuyên gia World Bank, Việt Nam đang tăng trưởng chậm hơn Philippines, Thái Lan và Indonesia, thậm chí rất gần với Malaysia. Đây đều là những nước có thu nhập GDP bình quân đầu người cao hơn thì nhẽ ra tăng trưởng GDP phải khó khăn hơn Việt Nam, song thực tế lại ngược lại.
“Tình trạng tăng trưởng thấp của Việt Nam hiện nay là một dấu hiệu đáng lo ngại. Với mức thu nhập bình quân đầu người hiện nay, còn rất lâu mới có thể theo kịp được với Philippines, Malysia và Thái Lan” – ông Deepak Mishra nhận xét.
World Bank cũng tỏ ra quan ngại, thời gian tới, với sự chậm trễ trong triển khai các chương trình tái cơ cấu sẽ làm suy giảm niềm tin của giới đầu tư và tiếp tục tác động tiêu cực đến nền kinh tế.
Bích Diệp