1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

World Bank "chê" đề xuất giảm thuế môi trường để kìm giá xăng dầu

Mai Chi

(Dân trí) - Mặc dù khuyến nghị Việt Nam cần theo dõi chặt chẽ diễn biến giá trong nước nhưng World Bank vẫn cho rằng "việc giảm thuế bảo vệ môi trường không phải là chính sách đúng đắn để hạ nhiệt giá xăng dầu".

Đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu trong 9 tháng

Tại báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 3, Ngân hàng Thế giới (World Bank - WB) đánh giá, nền kinh tế đã tiếp tục cho thấy khả năng chống chịu và đang phục hồi.

Tuy nhiên, rủi ro tiêu cực được cho là đã tăng cao do các ca nhiễm Omicron đang quét qua cả nước và xung đột Nga - Ukraine làm gia tăng tính bất định về phục hồi kinh tế toàn cầu, tạo ra những căng thẳng mới đối với chuỗi cung ứng toàn cầu và tăng áp lực lạm phát.

Giá hàng hóa thế giới đã tăng mạnh và có thể còn tiếp tục tăng trong ngắn hạn. Do vậy, WB khuyến nghị "cần theo dõi chặt chẽ diễn biến giá trong nước".

Tuy nhiên, tổ chức này lại đánh giá "việc giảm thuế bảo vệ môi trường không phải là chính sách đúng đắn để hạ nhiệt giá xăng dầu". World Bank không đưa ra lý giải vì sao không đồng tình với kế sách trên.

World Bank chê đề xuất giảm thuế môi trường để kìm giá xăng dầu - 1

Bộ Tài chính đề nghị giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng là 2.000 đồng/lít (Ảnh: Mạnh Quân).

Trước đó, chiều 10/3, Bộ Tài chính phát thông tin cho hay, trên cơ sở ý kiến đề xuất của Bộ Công Thương, ý kiến tham gia thống nhất của các Bộ và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn.

Trong đó, Bộ Tài chính đề nghị giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng là 2.000 đồng/lít, tăng 1.000 đồng/lít so với đề xuất trước đó.

Với dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 1.000 đồng/kg; tăng 500 đồng so với trước đây. Dầu hỏa là 700 đồng/lít, tăng 200 đồng/lít so với đề xuất tại công văn số 2068 gửi các cơ quan đóng góp ý kiến.

Bộ Tài chính đề nghị Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/4 đến hết ngày 31/12 - tức là chỉ hiệu lực trong 9 tháng.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, với việc điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, dự kiến số thu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, tính trên cơ sở sản lượng tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn năm 2019, sẽ giảm khoảng 29.035 tỷ đồng/năm.

Từ đó, tác động làm giảm thu ngân sách Nhà nước, bao gồm cả thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng khoảng 31.938 tỷ đồng/năm, tương đương giảm thu ngân sách nhà nước bình quân một tháng là 2.661,6 tỷ đồng.

Tác động của Covid-19 chưa được ghi nhận hết trong dữ liệu hiện có

Ngoài lưu ý vấn đề thuế môi trường đối với giá xăng dầu, trong báo cáo vừa công bố, WB đánh giá, lạm phát tại Việt Nam vẫn được kiềm chế dù giá nhiên liệu tăng.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 2 đã tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước và là mức tăng thấp nhất kể từ tháng 4/2021. Trong khi đó, giá xăng dầu tăng 5,8% so với tháng trước và 47,1% so với cùng kỳ năm trước, tiếp tục góp phần làm tăng chi phí giao thông, và do đó, làm tăng giá tiêu dùng.

Ngược lại, giá lương thực, thực phẩm tương đối ổn định so với một năm trước nhờ chuỗi cung ứng trong nước được duy trì tốt. Lạm phát cơ bản, không bao gồm lương thực, thực phẩm, năng lượng và các mặt hàng do Nhà nước quản lý giá, chỉ tăng 0,7% (so với cùng kỳ năm trước), tương đương tỷ lệ ghi nhận trong 2 tháng trước đó, phản ánh nhu cầu trong nước phục hồi yếu.

Theo ghi nhận tại báo cáo của WB, số ca mắc Covid-19 mới tăng đột biến, lên đến hơn 100.000 ca mỗi ngày trong nửa cuối tháng 2 sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán, khiến các chỉ số di chuyển chính giảm.

Dữ liệu công bố cho thấy, tốc độ tăng trưởng chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 2 đã tăng lên 8,5% (so với cùng kỳ năm trước), chỉ số PMI ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bật tăng từ 53,7 trong tháng 1 lên 54,3 vào tháng 2, mức cao nhất trong 10 tháng gần đây, cho thấy điều kiện kinh doanh trong nước tiếp tục được cải thiện.

Tuy nhiên, WB cho rằng, tác động của làn sóng lây nhiễm Covid-19 nhanh chóng đối với sản xuất có thể chưa được phản ánh đầy đủ trong dữ liệu hiện có vì cả chỉ số sản xuất công nghiệp hàng tháng và chỉ số PMI đều dựa trên dữ liệu được thu thập đến giữa tháng 2.

Bên cạnh đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 3,1% (so với cùng kỳ năm trước) trong tháng 2, cao hơn tốc độ tăng trưởng trong tháng 1.

Doanh thu dịch vụ tiêu dùng tiếp tục phục hồi, tăng 5,9% (so với cùng kỳ năm trước), lần tăng đầu tiên kể từ tháng 5/2021, nhờ doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng trưởng mạnh (12,6% so với cùng kỳ năm trước). Doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 2,4% (so với cùng kỳ năm trước).

Tuy nhiên, cũng giống như đối với sản xuất công nghiệp, theo WB, con số ước tính của doanh thu bán lẻ có thể chưa nắm bắt đầy đủ tác động của đợt gia tăng số ca nhiễm Covid-19 và sự thay đổi trong hành vi người tiêu dùng trong nửa cuối tháng 2, như đã thấy ở xu hướng giảm trong mức độ di chuyển, đặc biệt là đến các địa điểm bán lẻ và giải trí.

Ngoài ra, với việc tăng trưởng kinh tế của Mỹ, Liên minh châu Âu và Trung Quốc - những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam - có thể bị ảnh hưởng, WB cho rằng, nhà điều hành chính sách Việt Nam nên khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu tìm kiếm thị trường mới và đổi mới sáng tạo sang những sản phẩm mới thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu (GVC) và các hiệp định thương mại tự do (FTA) hiện có để tăng cường khả năng chống chịu của xuất khẩu.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm