1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

World Bank cảnh báo nợ của các doanh nghiệp nhà nước Việt Nam

(Dân trí) - Theo WB, sự không chắc chắn lớn nhất đối với bền vững nợ xuất phát từ các DNNN - không được thống kê vào nợ Chính phủ hay nợ được Chính phủ bảo lãnh - làm hạn chế khả năng của Chính phủ trong quản lý các rủi ro liên quan.

World Bank cảnh báo nợ của các doanh nghiệp nhà nước Việt Nam
Những khoản nợ của các DNNN không được liệt kê trong các con số thống kê của nợ Chính phủ hay nợ được Chính phủ bảo lãnh. Do đó, không có một ước tính đáng tin cậy nào về những khoản nợ này.

Các chính sách thắt chặt làm nản lòng giới đầu tư và chi tiêu cá nhân

Theo đánh giá tại bản báo cáo cập nhật của Ngân hàng Thế giới (WB) về tình hình kinh tế Việt Nam được công bố sáng nay (23/5), mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2012 sẽ rơi vào khoảng 5,7% trước khi tăng trưởng 6,3% vào năm 2013. Trong khi đó, Chính phủ sẽ đạt được mục tiêu kiềm lạm phát dưới 10%.

Trên thực tế, tăng trưởng GDP đã giảm từ 6,8% năm 2010 xuống còn 5,9% trong năm 2011 và tiếp tục tụt dốc xuống 4% trong quý I/2012. Nhu cầu trong nước chững lại ảnh hưởng đến ngành xây dựng, dịch vụ và các ngành tiện ích khác.

Trước đó, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cũng đánh giá kinh tế Việt Nam 2012 tăng trưởng dưới 6%. Trong khi đó, bộ phận phân tích và tư vấn kinh tế (EIU) của tạp chí Nhà Kinh tế (Economist) dự báo, GDP Việt Nam 2012 chỉ tăng 5,6%, lạm phát ở  mức13,8%. Mục tiêu của Chính phủ Việt Nam trong 2012 là giữ tăng trưởng GDP từ 6 - 6,5%, lạm phát dưới 10%.

WB cho rằng, việc thắt chặt các chính sách trong nước hồi năm ngoái đã làm nản lòng giới đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng và bất động sản, cũng như với tiêu dùng cá nhân. Tuy nhiên, tác động tích cực của các biện pháp này, cộng với hiện tượng giá lương thực giảm, lạm phát đã giảm xuống còn 10,5% trong tháng 4/2012 từ mức đỉnh điểm 23% hồi tháng 8/2011 (lạm phát tính theo năm).

Áp lực lên tỷ giá tiếp tục giảm trong quý I, khi niềm tin vào tiền đồng đã dần được cải thiện. Theo đó, tỷ giá hối đoái không chính thức vẫn ở tiệm cận dưới của chênh lệch +/-1% xung quanh tỷ giá chính thức kể từ khi tiền đồng mất giá 8,5% so USD hồi tháng 2/2011. Nguồn cung tăng của USD trên thị trường cũng đã cho phép NHNN bổ sung dự trữ ngoại hối trong những tháng đầu năm 2012, được báo cáo lên đến gần 7,5 tuần nhập khẩu.

Tạo lòng tin bằng minh bạch và trách nhiệm công bố thông tin

Thâm hụt ngân sách năm 2012 được dự báo chiếm 6% GDP, so với con số ước tính 6,5% năm 2011. Nợ công được kỳ vọng vẫn ở mức ổn định, và Chính phủ sẽ tiếp tục chính sách thắt chặt tài khóa. Theo Phân tích về tính ổn định nợ của quốc gia thu nhập thấp của WB, Việt Nam thuộc nhóm chịu ít rủi ro nợ công.

Đối tác đa phương lớn nhất của Việt Nam cũng cảnh báo rằng, sự không chắc chắn lớn nhất đối với bền vững nợ lại xuất phát từ các doanh nghiệp nhà nước - tuy nhiên, những khoản nợ của các doanh nghiệp này không được liệt kê trong các con số thống kê của nợ Chính phủ hay nợ được Chính phủ bảo lãnh. Do đó, không có một ước tính đáng tin cậy nào về những khoản nợ này. Chính điều đó làm hạn chế khả năng của Chính phủ trong quản lý các rủi ro liên quan - theo WB.

Tổ chức này cho rằng, tính minh bạch và trách nhiệm công bố thông tin rất quan trọng để xây dựng lòng tin giữa các thành viên tham gia thị trường.

Ngoài ra, theo WB, vấn đề của Việt Nam trong những năm tới tiếp tục là vấn đề trong ngành ngân hàng. Ngoài ra, thách thức ngắn hạn về chính sách với Việt Nam là làm thế nào để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và khôi phục niềm tin nhà đầu tư.

Các biện pháp của Chính phủ đã dẫn đến sự suy giảm mạnh trong tăng trưởng tín dụng, từ 32,4% vào cuối năm 2010 xuống đến 14,3% vào cuối năm ngoái. Tuy nhiên, chất lượng tài sản đã xuống cấp một phần do tăng trưởng tín dụng nhanh chóng vào thời điểm trước 2011 và suy giảm trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản. 

Phần vay chính thức không hoạt động hiệu quả (nợ xấu) tăng từ 2,2% trên tổng giá trị tài sản vào cuối năm 2010 lên 3,6% hồi tháng 3 năm nay, và thậm chí có khả năng còn cao hơn nếu được đo bằng hệ thống các tiêu chuẩn quốc tế. Chính sách thắt chặt tiền tệ cũng góp thêm căng thẳng vào vấn đề thanh khoản tại một số ngân hàng nhỏ.

Hiện Chính phủ đang tiến hành tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế. Và theo nhận định của WB, ngay cả khi chỉ thực hiện một phần của các cải cách này, Việt Nam cũng cần phải trở lại với một môi trường kinh tế vĩ mô bền vững hơn, đồng thời đặt nền móng cho hiệu quả và năng suất cao hơn để thúc đẩy tăng trưởng trong trung và dài hạn.

Bích Diệp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm