WB giữ nguyên dự báo GDP của Việt Nam ở mức 5,5%

(Dân trí) - Ngày 4/11, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố bản báo cáo cập nhật kinh tế của khu vực Đông Á - Thái Bình Dương. Dự đoán về tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2009 được tổ chức này được giữ nguyên ở mức 5,5%.

Theo đánh giá của WB: Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và suy thoái kinh tế đã làm chậm tốc độ phát triển kinh tế của Việt Nam. Kể từ quý III/2008, giá hàng hóa thế giới có xu hướng giảm, trong quý IV, các đơn hàng xuất khẩu đối với các sản phẩm dệt may và các sản phẩm công nghiệp khác đã sụt giảm và sự trì trệ trong sản xuất ngày càng hiện rõ. Đến quý I/2009, tác động của khủng hoảng đã trở nên rõ ràng khi GDP chỉ tăng 3,1% so với năm trước và thấp hơn 4% so với mức tăng trưởng bình quân quý I của một vài năm trước.
 
Tuy nhiên, nhờ có những nỗ lực của chính phủ nhằm hỗ trợ các hoạt động kinh tế, những dấu hiệu tích cực của sự phục hồi cũng đang xuất hiện. Chính phủ đã công bố gói kích thích bao gồm nhiều biện pháp khác nhau, từ việc trợ cấp lãi suất, hoãn thuế đến việc giải ngân thêm vốn.
 
Kết quả là GDP đã tăng 4,5% vào quý II và 5,8% vào quý III, làm cho tốc độ tăng GDP thực sự đạt 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái tính từ tháng 1 đến tháng 9.
 
Trong khi khu vực sản xuất vẫn còn phải đối mặt với những thách thức lớn do nhu cầu giảm sút thì ngành xây dựng lại đang dẫn đầu về tốc độ phục hồi, với giá trị thặng dư trong ngành ước đạt tới tỷ lệ tăng trưởng hai con số trong cả năm.
 
Cũng theo ghi nhận từ WB, một yếu tố quan trọng khác góp phần làm nên quá trình phục hồi, đó là sức mua nội địa với mức tăng doanh thu bán lẻ thực tế lên 9,3% so với cùng kỳ từ tháng 1 đến tháng 8 năm ngoái.
 
“Dù Ngân hàng Thế giới dự đoán mức tăng trưởng cả năm 2009 của Việt, chúng tôi vẫn tin tưởng rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ tự tìm đường thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng một cách tốt đẹp. Đi cùng với đà phục hồi, ở Việt Nam đã xuất hiện một số bong bóng tài sản, với giá chứng khoán, bất động sản bắt đầu nóng trở lại”, ông Vikram Nehru - nhà kinh tế học chuyên về khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của WB nói.
 
Cuộc suy thoái kinh tế thế giới đã có ảnh hưởng rõ rệt đến khu vực xuất nhập khẩu của Việt Nam mà trong đó mối lo ngại chính là hoạt động xuất khẩu, vốn chiếm 70% GDP. Trong 8 tháng đầu năm 2009, xuất khẩu tính theo USD đã giảm 14,2% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu từ xuất khẩu đều giảm ở hầu khắp các mặt hàng và các thị trường truyền thống của Việt Nam.
 
Mặc dù sự giảm sút này còn ít hơn ở các nước đang phát triển khác, nhưng nó cũng làm cho năm 2009 trở thành năm đầu tiên Việt Nam phải gánh chịu sự sụt giảm về xuất khẩu kể từ khi bắt đầu cải cách kinh tế.
 
Về nhập khẩu, cũng trong thời gian này, sự suy giảm còn mạnh mẽ hơn, thấp hơn 28,2% so với cùng kỳ năm trước. Sự xuống dốc tương đối của xuất khẩu và nhập khẩu lại giúp thu hẹp thâm hụt cán cân thương mại và thâm hụt tài khoản vãng lai; trong đó thâm hụt tài khoản vãng lai được ước đoán ở mức 5% của GDP năm 2009, giảm xuống từ 11,9% năm 2008.
 
Mức thâm hụt thực tế có thể còn cao hơn thế nếu nền kinh tế tiếp tục đẩy mạnh đà phục hồi hiện nay. Mặc dù có thể quản lý được mức thâm hụt tài khoản vãng lai theo dự đoán nhưng dự trữ ngoại tệ lại sụt giảm từ mức 23 tỷ USD vào cuối năm 2008 xuống còn khoảng 16,5 tỷ vào tháng 8/2009.
 
Ông Vikram Nehru nhấn mạnh: “Phần lớn sự sụt giảm diễn ra vào giữa tháng 5 và tháng 7, khi ngân hàng trung ương tác động vào thị trường hối đoái nhằm bình ổn tiền tệ.
 
Trong khi Việt Nam có thể kêu gọi thêm các nguồn tài chính từ bên ngoài, vẫn còn tồn tại một khoảng trống tài chính đáng kể và chính phủ cần phải xem xét lại gói kích thích của mình để đảm bảo duy trì cân bằng tài chính ở mức có thể kiểm soát được.
 
Tuy nhiên cũng cần phải lưu ý rằng, nguyên nhân kìm hãm việc hỗ trợ năng lực tài chính của chính phủ bắt nguồn từ những nguồn tài chính ngắn hạn chứ không phải từ khả năng duy trì nợ trung hạn”…
 
Theo bản Cập nhật mới nhất về Đông Á và Thái Bình Dương, với nhan đề Biến sự tăng trưởng trở lại thành giai đoạn phục hồi, đã cho biết các gói kích thích lớn và kịp thời về tài chính ở hầu hết các nước Đông Á, dẫn đầu là Trung Quốc và Hàn Quốc, cùng với quá trình kích cầu mạnh mẽ hiện đang diễn ra có vai trò là động lực cho sự tăng trưởng trở lại trong khu vực; góp phần đáng kể trong việc lấy lại niềm tin đối với sự tăng trưởng toàn cầu.
 
Sự tăng trưởng ở Đông Á và Thái Bình Dương vẫn bị ảnh hưởng nặng nề bởi Trung Quốc, một nước mà tốc độ tăng GDP năm 2009 có thể bù đắp lại cho sự suy giảm GDP của Mỹ, khu vực Châu Âu và Nhật Bản.
 
Do đó, bất chấp sự phát triển mạnh mẽ của Indonesia và Việt Nam, nếu không tính Trung Quốc thì khu vực đang phát triển Đông Á cũng chỉ ước đạt mức tăng trưởng 1% năm 2009; chậm hơn Nam Á - Trung Đông - Bắc Phi và chỉ nhỉnh hơn khu vực Châu Phi cận Sahara.
 
Một số nước khác vẫn bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi khủng hoảng, GDP đã thu hẹp ở Campuchia, Malaysia, Thái Lan và chỉ tăng lên ở Mông Cổ, cùng một vài đảo ở Thái Bình Dương.
 
An Hạ