1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

WB cũng chưa hiểu hoạt động của “đũa thần” VAMC!

(Dân trí) - Giám đốc WB tại Việt Nam cho biết, cho đến hiện tại vẫn chưa có thông tin đầy đủ và minh bạch về hoạt động của VAMC mà chỉ biết rằng, cơ quan này đang hoạt động. Trong khi đó, nợ xấu vẫn là “nút thắt” kéo lùi tăng trưởng của Việt Nam.

Nợ xấu kéo lùi phát triển

 

Trao đổi tại phiên họp báo ngày 7/4 xung quanh câu chuyện tái cấu trúc hệ thống ngân hàng ở Việt Nam, chuyên gia kinh tế trưởng Khu vực Đông Á Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới (WB) Bert Hofman nhận định, nợ xấu đang là nút thắt cổ chai, kéo lùi sự phát triển và tái cấu trúc hệ thống ngân hàng tại Việt Nam.


Đồng thời, chuyên gia WB cũng tỏ ra nghi ngại số liệu nợ xấu chưa minh bạch. "Tôi chưa thể có khuyến nghị cụ thể gì với Việt Nam vì chưa biết rõ tầm cỡ quy mô nợ xấu", ông Hofman nói. Đồng thời khuyến nghị, "Việt Nam cần phải kiên quyết loại bỏ “nút thắt cổ chai” này nếu muốn tái cơ cấu các ngân hàng một cách toàn diện và NHNN phải rất nghiêm khắc với việc né tránh nợ xấu hay báo cáo nợ xấu không đầy đủ từ các ngân hàng thương mại". Đồng thời, theo ông Hofman, Việt Nam có thể lựa chọn phương án "để các ngân hàng tự giải quyết nợ xấu của mình".

 

Mặc dù vậy, theo ghi nhận của chuyên gia kinh tế cao cấp Habib Rab của WB tại Việt Nam thì khu vực ngân hàng thời gian qua đã có những thay đổi, chẳng hạn như trong công tác giám sát, thanh tra ngân hàng, đặc biệt là giám sát thanh tra các ngân hàng thương mại (NHTM) được thắt chặt hơn và các yêu cầu về báo cáo nợ xấu.

 

"Tôi nghĩ rằng, việc thực hiện Thông tư 02 (TT02) về phân loại nợ xấu và trích lập dự phòng đã trì hoãn trong 2013 nhưng sẽ được đưa vào trong năm nay cũng là một bước đi rất tích cực. Theo đó, vào tháng 6 năm nay, TT02 sẽ được đưa vào thực hiện mặc dù còn một số quy định sẽ được trì hoãn cho đến T4/2015 nhưng vẫn sẽ giúp nâng cao sự minh bạch trong khu vực NHTM, đấy là những tín hiệu rất quan trọng gửi đến cho thị trường".

 

Tại buổi họp báo, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia của WB tại Việt Nam đánh giá, "giải quyết vấn đề nợ xấu là quan trọng nhất" với lĩnh vực ngân hàng của Việt Nam giai đoạn hiện tại, điều này gắn với lòng tin. "Nếu như chúng ta không tạo dựng được lòng tin ở đây thì thời gian tới vẫn sẽ rất khó khăn, bởi các tổ chức tín dụng sẽ vẫn tiếp tục trong trạng thái yếu kém và họ sẽ không cho vay nhiều được, tốc độ tăng rưởng tín dụng vẫn thấp hơn so với chỉ tiêu đề ra của NHNN" - bà Kwakwa nói.

 

Theo quan sát của Giám đốc WB Việt Nam, do vướng mắc nợ xấu mà "bản thân các ngân hàng đã phải sử dụng tiền của mình để mua trái phiếu Chính phủ chứ không dám cho vay, bởi vì sợ tiếp tục gặp nợ xấu". Do vậy, theo bà, Việt Nam cần phải có những phương án giải quyết đáng tin cậy để khôi phục lại vai trò trung gian dẫn vốn của các định chế tài chính và ngân hàng mới có thể trở thành ngân hàng đúng nghĩa".

 

Ngoài ra, WB cũng muốn tìm hiểu chi tiết hơn về công việc hiện nay của Công ty quản lý tài sản (VAMC) để xem cơ quan này xử lý nợ xấu ra sao sau khi đã mua về một khối lượng lớn trong thời gian vừa qua.

 

"Tôi phải nói rằng, cho đến hiện nay chúng tôi vẫn chưa có những thông tin đầy đủ và minh bạch về hoạt động của VAMC. Họ cũng đã bắt đầu hoạt động và đã mua một khối lượng nợ xấu đáng kể từ các NHTM, tuy nhiên về chi tiết chúng tôi lại không có thông tin nên rất khó nhận định. Ít nhất là chúng tôi mới chỉ biết rằng VAMC đang hoạt động mà thôi" - bà Kwakwa cho biết.

 

Bà Kwakwa cho rằng, việc tăng cường sự minh bạch của chính hoạt động VAMC cũng như tăng cường năng lực cho VAMC là vô cùng quan trọng để cơ quan này có thể đảm nhiệm vai trò cực kỳ khó khăn và phức tạp hiện nay là giải quyết nợ xấu. Đây cũng là điều quan trọng nhất để đảm bảo thành công.


Chuyên gia WB vẫn hoài nghi số liệu nợ xấu của Việt Nam.
Chuyên gia WB vẫn hoài nghi số liệu nợ xấu của Việt Nam.

 Tiếp “ôxi” cho doanh nghiệp và cho phá sản ngân hàng yếu!

 

Theo bà, việc đưa nợ xấu ra khỏi sổ sách của các NHTM đã mang lại cho các ngân hàng này một không gian để “thở” và giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận được nhiều hơn thanh khoản trên thị trường. Giám đốc WB Việt Nam cũng cho rằng, đối với Việt Nam, nếu vẫn muốn tiếp tục ở trên lộ trình tăng trưởng thì cần phải "tiếp oxy cho máu" - bơm tín dụng cho khu vực sản xuất để khu vực này có thể tiếp tục "thở" được.

 

Bà Kwakwa phân tích rằng, khu vực sản xuất mới chính là khu vực thực của nền kinh tế, và do vậy, giúp các doanh nghiệp sản xuất tiếp tục hoạt động, kinh doanh được thì mới tạo ra của cải vật chất để nền kinh tế tăng trưởng. "Chính phủ đã bắt đầu công việc này rồi nhưng chưa đạt được mục tiêu và vẫn cần phải tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa. WB và các đối tác phát triển luôn luôn sẵn sàng đi song hành cùng với NHNN để thực hiện tái cơ cấu", bà cho hay.

 

Ngoài ra, bà Kwakwa cũng nhận định, nếu chỉ tái cơ cấu ngành ngân hàng thông qua hoạt động sáp nhập và mua lại thôi thì chưa đủ và chưa thể giải quyết được vấn đề. "Chúng tôi đánh giá, sáp nhập chỉ là một trong những biện pháp để tái cơ cấu và cải cách lại khu vực tài chính của một quốc gia. Chúng ta không thể loại trừ biện pháp này ra được nhưng nó chỉ là một biện pháp mà thôi".

 

Cũng theo bà Kwakwa thì việc sáp nhập các ngân hàng yếu lại với nhau để thành lập nên 1 ngân hàng lớn hơn thì không thể giải quyết được vấn đề và cần phải có cơ chế cho phép một số ngân hàng yếu kém thực sự bị đổ bể, phải để cho họ phá sản.

 

"Tôi nghĩ NHNN không loại trừ khả năng đó, không phải là NHNN không thể để cho bất cứ ngân hàng nào phá sản hay tan vỡ được. Tuy nhiên, theo thời gian, ý tưởng quan trọng ở đây là chúng ta sẽ có số lượng ngân hàng ít hơn nhưng các ngân hàng sẽ khỏe mạnh hơn hơn. Một số thông qua việc sáp nhập, nhưng ngoài ra sẽ có những ngân hàng hoàn toàn bị loại trừ - điều này không nằm ngoài chương trình của NHNN" - đại diện WB đánh giá.

 

Về việc các chương trình tín dụng cho bất động sản liên tục được công bố thời gian gần đây, bà Kwakwa cho rằng, "tiền quan trọng nhưng cần phải có những yếu tố khác cần giải quyết". Theo đó, "tiếp cận nguồn vốn chỉ là một phần quan trọng nhưng không phải là duy nhất". Ngân hàng phải tìm hiểu được nút thắt thực sự với doanh nghiệp là gì, có phải là tiền hay không, qua đó mới có được những giải pháp thật sự hữu ích.

 

Bích Diệp
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước