Vườn toàn rau siêu khổng lồ trên sân thượng 35m2 của bố đảm Nha Trang
Nhìn dưa chuột tưởng mướp, nhìn xà lách cuộn cứ ngỡ bắp cải, hay nhìn rau cải thường cứ ngỡ một loại rau siêu khổng lồ nào đó,...là những hình ảnh mà bất kỳ ai cũng sẽ phải ồ à thán phục khi bước chân lên xem vườn rau quả chỉ 35m2 của ông bố đảm Quốc Bảo ở TP. Nha Trang.
Bởi, 1 quả dưa chuột mà tới 4-5 lạng, xà lách rau cuộn thì nhiều thành từng lớp từng lớp, những bông cải to như 2 bàn tay người lớn xòe ra...thì thử hỏi ai mà không ngỡ ngàng cho được.
Trung bình, mỗi trái dưa chuột anh thu hoạch được từ khu vườn thủy canh của mình nặng cỡ từ 400-500gram.
Một cây cải nhìn sơ qua đã có trọng lượng hơn 250gram.
Từng lớp, từng lớp rau xanh mướt đan xen lẫn nhau.
Trúng đợt mưa bão lớn, anh Quốc Bảo từng phải tiếc công và buồn bã khi tự tay mình dọn dẹp và nhổ bỏ nhiều loại rau trong khu vườn của mình. "Khu vườn trên mây" của nông dân phố này đã từng khiến không ít anh, chị em trong các hội nhóm trồng rau sạch "mê mẩn" và ao ước. Song, nhiêu đó không hề làm giảm sự say mê cũng như quyết tâm và tình yêu của ông bố Nha Trang để có một vườn rau siêu sạch.
Trận bão đợt cuối năm 2017 đã làm hư hại và hỏng hóc rất nhiều đồ trong khu vườn của ông bố đảm Nha Trang này.
Sở hữu khoảng sân thượng xinh xắn, ngập tràn ánh nắng với diện tích 35m2 tại Ngọc Hiệp, Nha Trang, ông bố hai con đã từng làm bao chị em ghen tị với "khu vườn thủy canh trên mây" của mình đã quyết tâm lại một lần nữa tạo nên một vườn rau sạch, giúp gia đình mỗi ngày yên tâm hơn về nguồn thực phẩm và đặc biệt là cho con hiểu hơn về thiên nhiên.
Hơn 3 năm về trước, anh Bảo đã bắt tay vào tìm hiểu các mô hình trồng rau phù hợp với điều kiện của gia đình mình. Anh chọn thủy canh vì công việc của anh khá bận rộn, nếu trồng thổ canh theo phương pháp truyền thống sẽ mất nhiều công sức, thời gian chăm bón. Mô hình thủy canh chỉ cần 3-4 ngày chăm sóc một lần, mỗi lần tốn chừng 5-10 phút.
Tận mắt chứng kiến những ống giàn ngang, ống dọc được sắp xếp một cách khoa học, đẹp mắt, bao phủ xung quanh là các loại rau xanh mướt, tươi tốt, nhiều người đã không tiếc lời khen gợi và cho rằng bước chân vào vườn rau thủy canh của anh Bảo như đang lạc bước vào một công viên nào đó.
Chia sẻ với phóng viên DANVIET.VN, anh Quốc Bảo cho hay: "So với thổ canh, mô hình thủy canh có năng suất cao hơn, ít sâu bệnh, rau đảm bảo sạch theo tiêu chuẩn. Diện tích sân thượng khoảng 35 m2 nhưng tôi thiết kế nhiều giàn rau thủy canh: giàn thì trồng các loại rau của họ cải như cải bẹ xanh, cải ngọt, cải xoăn Kale, cải cúc... và rau muống; giàn thì dành riêng để trồng xà lách và một số loại rau củ quả khác,..
"Trồng rau thủy canh không tốn nhiều sức chăm sóc. Nó chỉ khó trong việc ươm cây con. Sau đó, cây con đưa lên giàn sẽ mất vài ngày kiểm tra dung dịch và điều chỉnh nồng độ pH cho phù hợp", anh Bảo cho biết.
Ông bố nông dân phố ở Nha Trang kể lại: "Tôi thường ươm hạt tới khi cây có 2 lá mầm rồi đem ra nắng nhẹ. Cây có lá thật, tôi sẽ phun dinh dưỡng thủy canh với lượng nhỏ. Khoảng 14 ngày sau, cây đủ 2-3 lá thật tôi đem cây con lên máng trồng. Khoảng 35 – 45 ngày, tôi có thể bắt đầu hái các loại rau để phục vụ bữa ăn”.
Sử dụng hệ thống thủy canh hồi lưu nên không cần tưới rau, anh Bảo đã thiết lập chế độ tự tưới với công tắc hẹn giờ tắt – mở. Anh nông dân phố ở Nha Trang này cũng cho hay, cách 4-5 ngày, anh sẽ kiểm tra nồng độ dinh dưỡng bằng bút đo và đưa cây con đạt chuẩn lên giàn.
Để có được thành tích đáng kể trên, anh Bảo đã gặp không ít khó khăn trong thời gian đầu bắt đầu trồng rau và thời gian chuyển đổi mô hình từ thổ canh sang thủy canh. Đôi lúc tưởng chừng như công việc bận rộn, việc trồng rau thất bại khiến anh nản lòng, thế nhưng, với niềm say mê, ông bố Nha Trang này đã miệt mài đọc nhiều tài liệu, học hỏi kinh nghiệm của người đi trước. Đồng thời, sau mỗi lần trồng thất bại, anh đã tự rút ra được kinh nghiệm chăm sóc cũng như bón chất dinh dưỡng phù hợp. Và rồi, khu vườn thủy canh "vạn người mê" đã không làm anh thất vọng, khi cho thu về năng suất thu hoạch khủng.
Nhưng có lẽ, thời điểm khó khăn nhất với anh không phải chỉ có lúc mới bắt đầu. Anh Bảo kể: "Cách đây 2 năm, khi mà vườn rau thủy canh của mình đang phát triển tốt nhất, được bạn bè cũng như nhiều người biết đến và mình rất hạnh phúc với điều đó thì thật không may, cơn bão vào đợt cuối năm 2017 đã khiến vườn rau của mình bị hư hại hoàn toàn. Chừng ấy công sức, tình yêu mình dành cho khu vườn giờ đây tan biến cả, đấy là về tinh thần chứ vật chất để tạo ra được khu vườn như thế này thì cũng tốn kém lắm ấy chứ. Lúc đó, mình khá là suy sụp và chán nản, nói đúng hơn là không muốn làm gì nữa hết. Nếu không có sự động viên của gia đình, đặc biệt là vợ mình cũng như những người bạn trong hội trồng rau thủy canh, có lẽ mình không đủ động lực để "yêu lại từ đầu" với vườn rau thủy canh này.
Khu vườn được bao bọc bởi một lớp "áo giáp" kính bên ngoài rất dày dặn và chắc chắn.
Khi nhận được câu hỏi từ phía phóng viên DANVIET.VN: "Vậy khu vườn mới của anh đã sử dụng gì làm "bia đỡ đạn" mưa gió và bão... , để không lặp lại tình trạng như trước nữa?"
- Anh Bảo vui vẻ cười, đáp: "Sau khi gặp phải trận bão càn quét lớn, tôi cùng gia đình đã nghiên cứu và làm ra khung nhà lưới làm bằng sắt kiên cố như thế này, trên lợp màng nhà kính chuyên dụng, xung quanh bao bọc lưới chắn côn trùng, sâu bướm.... Từ nay, gió mưa bão bùng hay côn trùng, sâu bướm không còn là nỗi lo với nông dân phố này nữa".
Anh Bảo thường đặt mua dung dịch thủy canh bên Thái Lan. Anh khuyên những người mới bắt đầu trồng rau sạch theo mô hình thủy canh thì có thể tham khảo hướng dẫn chi tiết khi mua sản phẩm. Bên cạnh đó, anh mua bút đo TDS giá khoảng 500 nghìn đồng để đo nồng độ giúp việc pha dung dịch được chuẩn xác. Nồng độ dung dịch với cây con tầm 300-400 ppm và cây lớn khoảng 750-950 ppm.
Các loại rau được anh trồng xen kẽ cây nhỏ và cân trưởng thành nên sản lượng thu hoạch liên tục. Khi ăn không hết, anh thường cho vào túi nilon đem biếu người thân hoặc cất trong ngăn mát tủ lạnh. Rau có thể tươi đến một tuần mà vẫn giữ được chất lượng.
Chị Ngân - vợ anh Bảo, người từng được biết đến là "người bạn đồng hành" tuyệt vời của ông bố Nha Trang này.
Không chỉ mình anh đam mê trồng rau sạch, anh Bảo còn nhận được sự ủng hộ tuyệt đối từ chính người "bạn đồng hành" của cuộc đời mình. Mỗi lúc anh bận, vợ anh chính là người giúp anh chăm sóc vườn rau thủy canh trên cao này.
Giờ đây, khi đã là một trong những "tay trồng rau thủy canh thâm niên" ở Nha Trang, anh Quốc Bảo không những chưa bao giờ cảm thấy hối hận khi đã chọn mô hình trồng rau vừa thông minh, vừa tiện ích này mà anh còn muốngiới thiệu nhân rộng mô hình trồng rau sạch thông minh này với nhiều nông dân phố hơn.
Tự hào nói với phóng viên DANVIET.VN, anh Bảo cho biết, hiện anh đang là quản trị của Hội Trồng Rau Thủy Canh trên mạng xã hội facebook. Bạn đọc Dân Việt có thể tham gia hội để được tư vấn, chia sẻ thêm về kinh nghiệm, kĩ thuật trồng và những nơi cung cấp vật tư uy tín..
Theo Quốc Bảo
Dân Việt