Vươn mình ra biển lớn: Doanh nghiệp Việt phải làm gì?

Đối mặt với các khó khăn về sự khác biệt trong văn hoá, tiêu chuẩn, nhu cầu sử dụng,… khi đưa sản phẩm ra thị trường nước ngoài, các doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung vào hai yếu tố cốt lõi: chất lượng và mẫu mã của sản phẩm phải phù hợp với thị trường nước bạn; và khả năng thích nghi với môi trường biến động.

Thách thức cho doanh nghiệp Việt để tồn tại và phát triển trên thị trường quốc tế

Việt Nam là một trong những quốc gia có kim ngạch xuất khẩu cao trong khu vực. Đây là một trong những động lực chính của nền kinh tế nước nhà với mức tăng trưởng ổn định qua từng năm. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải Quan, kim ngạch xuất khẩu đến giữa quý III năm nay đã đạt tới con số 124 tỷ USD, trong đó có 20 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD cùng phạm vi thị trường lên tới con số 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tuy nhiên, trái với hoạt động xuất khẩu nguyên/nhiên liệu thô, sự khác biệt về tiêu chuẩn sản phẩm, nhu cầu sử dụng, văn hóa và trình độ kỹ thuật trở thành những rào cản lớn cho khả năng xuất khẩu thành phẩm của doanh nghiệp Việt.

Đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế, các doanh nghiệp Việt không chỉ cần chú trọng tới chất lượng mà còn cả sự phù hợp với văn hóa, thị hiếu người tiêu dùng... (Ảnh: Vicostone tham dự triển lãm SIDIM 2017 tại Canada)
Đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế, các doanh nghiệp Việt không chỉ cần chú trọng tới chất lượng mà còn cả sự phù hợp với văn hóa, thị hiếu người tiêu dùng... (Ảnh: Vicostone tham dự triển lãm SIDIM 2017 tại Canada)

Nói cách khác, để thành công trên thương trường quốc tế, doanh nghiệp Việt cần xác định hai nhân tố cốt lõi: sản xuất để tạo ra các sản phẩm đúng với nhu cầu của thị trường và vận hành doanh nghiệp linh hoạt, thích nghi với thay đổi, không ngừng tự hoàn thiện. Giải quyết hai yếu tố trên là bài toán không hề dễ dàng cho các doanh nghiệp Việt. Câu chuyện “lội ngược dòng” của Vicostone đã trở thành kỳ tích trong giới kinh doanh.

Sản phẩm – yếu tố cốt lõi đưa doanh nghiệp dẫn đầu

Khi mới bắt đầu đi vào hoạt động, dù còn non trẻ trong ngành, Vicostone đã ấp ủ ước mơ vươn ra thị trường quốc tế một ngày không xa. Trong những năm đầu, Vicostone hoàn toàn chưa có danh tiếng trên thị trường đá thạch anh thế giới mà chỉ được biết đến như một đơn vị “gia công” có lợi thế cạnh tranh nằm ở giá thành sản phẩm và thời gian giao hàng. Năm 2010, nhằm hiện thực hoá ước mơ đưa thương hiệu Vicostone lên tầm cao mới, Vicostone quyết định thay đổi chiến lược cạnh tranh bằng cách tạo ra các dòng sản phẩm mới, độc đáo, mang thương hiệu riêng và tập trung cho phân khúc trung cao cấp.

Năm 2011, tại triển lãm Marmomacc tại Italy, sản phẩm BQ8270 Calacatta của thương hiệu này đã gây được tiếng vang lớn. Bên cạnh đó, Vicostone đã rất thành công với những bứt phá trong chiến lược đổi mới cải thiện hiệu suất sản xuất cũng như nâng cao chất lượng và mẫu mã sản phẩm lên tầm quốc tế. Vicostone chính thức ghi danh trở thành một trong số bốn nhà sản xuất đá thạch anh lớn nhất thế giới. Dám theo đuổi các dòng sản phẩm cao cấp lấy cảm hứng từ thiên nhiên, đòi hỏi công nghệ và kỹ thuật rất cao như Calacatta mà ngay cả các nhà sản xuất hàng đầu thời bấy giờ cũng chưa thể phát triển thành công chính là điểm khác biệt giúp Vicostone vươn tới thành công như hiện tại.

Toàn bộ sản phẩm của Vicostone được sản xuất theo công nghệ Breton (Italy) – công nghệ sản xuất đá thạch anh hiện đại nhất trên thế giới cùng chất lượng được công nhận bởi hệ thống chứng chỉ quốc tế (Ảnh: vicostone.com)
Toàn bộ sản phẩm của Vicostone được sản xuất theo công nghệ Breton (Italy) – công nghệ sản xuất đá thạch anh hiện đại nhất trên thế giới cùng chất lượng được công nhận bởi hệ thống chứng chỉ quốc tế (Ảnh: vicostone.com)

Với quan điểm tiên phong “mỗi sản phẩm đá thạch anh chất lượng cao của mình là một tác phẩm nghệ thuật không chỉ mang vẻ đẹp độc đáo mà còn có thể trở thành một xu hướng mới trên thị trường”, Vicostone cho ra đời hàng loạt sản phẩm mang phong cách riêng, khẳng định thương hiệu Vicostone trên thị trường đá thế giới.

Dám đương đầu với thị trường khó tính

Chỉ với một sản phẩm tốt thôi thì chưa chắc doanh nghiệp đã có thể “an toàn” trên các thị trường lớn, có sức cạnh tranh cao. Điểm cộng lớn cho doanh nghiệp là phải biết cách thay đổi linh hoạt để thích nghi với sự khác biệt về văn hóa, thị yếu luôn thay đổi của người tiêu dùng. Để có được vị thế tại các thị trường quốc tế, Vicostone đã nhiều lần mạnh dạn thay đổi và điều chỉnh chiến lược kinh doanh. Trong đó, việc tái cơ cấu được xem là một bước ngoặt chuyển mình của Vicostone khi trở thành công ty con của Tập đoàn Phượng Hoàng Xanh A&A (Phenikaa Group), mở ra một thời kỳ mới với sự phát triển đột phá cả về doanh số cũng như uy tín trên thị trường trong và ngoài nước.

Chính nhờ sự táo bạo và linh hoạt trong kinh doanh, Vicostone đã khẳng định vị thế của một thương hiệu Việt trên bản đồ thị trường sản xuất đá thạch anh thế giới, thể hiện qua các kết quả kinh doanh. Chỉ tiêu chiến lược 5 năm 2014-2019 đã được hoàn thành vào năm 2016 với yêu cầu tăng trưởng kép 20%/năm về lợi nhuận sau thuế. Công bố kết quả kinh doanh quý 3/2017, Vicostone đạt doanh thu trên một ngàn tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2016. Ngoài ra, trong quý tỷ lệ doanh thu thành phẩm/doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ cao hơn so với cùng kỳ nên lợi nhuận đạt mức tăng trưởng cao.

Câu chuyện của Vicostone đã đi từ một thương hiệu ít được biết đến, vượt qua khủng hoảng để trở thành một trong những công ty sản xuất đá thạch anh lớn nhất thế giới, một lần nữa khẳng định tinh thần vượt khó, không ngừng sáng tạo dám đương đầu khi bước chân ra thị trường quốc tế của một doanh nghiệp Việt.