Bến Tre:

Vườn dừa xơ xác, doanh nghiệp phải nhập dừa về chế biến

(Dân trí) - Tỉnh Bến Tre có diện tích dừa lớn nhất cả nước với hơn 70.000 ha. Thế nhưng sau đợt hạn, mặn năm vừa qua, vườn dừa xơ xác, giảm sản lượng nên một số doanh nghiệp ngay tại “xứ dừa” phải nhập dừa từ nước ngoài về chế biến.

Vườn dừa xơ xác, giảm năng suất

Vườn dừa của tỉnh Bến Tre mỗi năm cho sản lượng khoảng 600 triệu quả nhưng năm nay sản lượng giảm khoảng 20 đến 30% sau đợn hạn, mặn năm 2016. Ông Huỳnh Công Trình, ngụ xã Vang Quới Đông (huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) cho biết: “Tôi canh tác 4 công đất trồng dừa, trung bình 20 ngày thu hoạch 1 lần bán khoảng 3 đến 3,5 triệu đồng. Tuy nhiên, đợt vừa rồi thu hoạch bán chỉ hơn 2 triệu đồng. Nguyên nhân do nước mặn làm dừa giảm năng suất”.

Vườn dừa giảm năng suất sau đợt hạn mặn
Vườn dừa giảm năng suất sau đợt hạn mặn

Theo ông Trình, dừa từ khi ra hoa, kết quả non đến khi khô (thu hoạch được – PV) khoảng gần 1 năm. Vì vậy, đợt xâm nhập mặn năm 2016 làm dừa rụng quả non nên hiện tại sản lượng bắt đầu giảm và kéo theo những đợt thu hoạch tiếp theo sẽ tiếp tục giảm.

Các địa phương khác như: Châu Thành, Giồng Trôm, Ba Tri, Mỏ Cày Nam… sản lượng dừa cũng giảm do đợt hạn, mặn năm 2016. Ông Trần Văn Phương, ngụ Xã Tân Thanh (huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) cho biết: “Đợt hạn, mặn năm rồi làm 2,5 công đất lúa của tôi bị mất trắng, giờ gần 70 gốc dừa lại bị “treo” nên quả cũng chẳng được bao nhiêu”.

Năng suất dừa giảm, người trồng dừa gặp khó
Năng suất dừa giảm, người trồng dừa gặp khó

Ông Nguyễn Văn Dũng, Chi cục Phó Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre cho rằng: “Dừa năm nay ngoài việc giảm mạnh về sản lượng thì chất lượng cũng bị ảnh hưởng, trái dừa nhỏ, cơm không dầy… do hạn, mặn. Vì vậy, ảnh hưởng đến nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu và sắp tới có khả năng thiếu nguyên liệu để chế biến”.

“Xứ dừa” phải nhập dừa để chế biến

Thông tin từ Hiệp hội dừa Bến Tre, toàn tỉnh có gần 2.000 cơ sở chế biến dừa, cùng 10 doanh nghiệp làm cơm dừa nạo sấy… Trung bình mỗi năm xuất khẩu hơn 150 triệu USD các sản phẩm từ dừa. Hiện tại, nếu các nhà máy, các cơ sở… hoạt động hết công suất thì cần tới 900 triệu quả dừa/năm. Tuy nhiên năm 2016 chỉ chế biến khoảng 497 triệu quả, trên 95% sản lượng dừa của tỉnh.

Ông Nguyễn Trung Chương, Phó Chủ tịch Hiệp hội dừa Bến Tre cho biết: “Do hạn mặn, sản lượng dừa giảm nên một số doanh nghiệp trong tỉnh có nhập dừa từ Indonesia về chế biến. Trong đó, có nghe một doanh nghiệp đã nhập khoảng 50.000 quả dừa từ Indonesia. Đến nay vẫn chưa có báo cáo cụ thể về việc nhập dừa từ nước ngoài”.

Một số doanh nghiệp không nhập khẩu dừa thì chấp nhận tạm thời ngưng hoạt động. Bà Nguyễn Thị Bé, Chủ Doanh nghiệp tư nhân Tân Phước Hưng (chuyên chế biến cơm dừa nạo sấy xuất khẩu ở TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre) cho biết: “Gần 1 tháng nay doanh nghiệp tạm thời ngưng hoạt động vì không có đơn hàng và nguyên liệu khan hiếm, giá tăng cao. Hiện tại, doanh nghiệp có thể mua đủ dừa để chế biến nhưng giá cao, làm không có lời nên đành phải tạm thời ngưng hoạt động”.

Thiếu nguyên liệu một số doanh nghiệp chế biến cũng gặp khó khăn
Thiếu nguyên liệu một số doanh nghiệp chế biến cũng gặp khó khăn

Theo bà Bé, một số doanh nghiệp lớn có lượng công nhân đông, chí phí lớn nên bắt buộc phải hoạt động; khi thiếu nguyên liệu thì mua ở nước ngoài là chuyện bình thường. Tuy nguyên liệu dừa ở Indonesia, Philippines giá rẻ nhưng chất lượng kém hơn nguyên liệu dừa ở địa phương. Vì vậy việc nhập dừa về sản xuất chưa chắc đã đạt hiệu quả.

Ngoài ra, hiện tại một số doanh nghiệp cũng đang tiêu thụ dừa của nông dân ở các tỉnh lân cận như Trà Vinh, Tiền Giang để có nguyên liệu hoạt động. Ở thời điểm hiện tại, cả nông dân trồng dừa và doanh nghiệp chế biến đều gặp khó khăn do sản lượng dừa sụt giảm.

Minh Giang