Vừa về tay chủ mới, Big C Việt Nam đã bị thanh tra chuyển giá

(Dân trí) - Song song với quá trình thanh tra việc chấp hành pháp luật về thuế của chuỗi siêu thị Big C, cơ quan thuế cũng đang nghiên cứu kiểm tra dấu hiệu chuyển giá của đơn vị này tại Việt Nam.

Vừa về tay chủ mới, Big C Việt Nam đã bị thanh tra chuyển giá - 1

Tổng cục Thuế cho biết, cơ quan thuế hiện đang tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật về thuế của 32 siêu thị Big C Việt Nam. Dự kiến quá trình thanh tra thuế sẽ kết thúc vào cuối tháng này. Đáng lưu ý, cơ quan thuế cũng đang nghiên cứu xem Big C Việt Nam có tránh thuế qua giao dịch liên kết (chuyển giá) hay không.

Trao đổi qua điện thoại, ông Nguyễn Đầu - Phó Chánh Thanh tra Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết: “Công tác thanh tra việc chấp hành pháp luật thuế của Big C được tiến hành như một hoạt động thanh tra bình thường. Hiện quá trình thanh tra vẫn đang được tiến hành và chưa có kết quả cuối cùng".

Khi được hỏi về các vướng mắc cụ thể trong quá trình nghiên cứu Big C có chuyển giá hay không, lãnh đạo từ Tổng cục Thuế nói ngắn gọn: "Phải làm cụ thể mới biết được, hiện chưa làm cụ thể nên chưa nói được gì vì vấn đề đó cũng rất khó và nhạy cảm”.

Như đã đưa tin, Tập đoàn Casino (Pháp) đơn vị sở hữu thương hiệu Big C tại Việt Nam trước đó đã đạt được thỏa thuận cuối cùng về việc bán Big C Việt Nam cho Central Group - một tập đoàn đến từ Thái Lan với giá trị thương vụ lên đến 920 triệu EUR, xấp xỉ 1,04 tỷ USD (khoảng 23.300 tỷ đồng).

Xung quanh vấn đề thu thuế chuyển nhượng với thương vụ này, đại diện Tổng cục Thuế khẳng định, có đủ cơ sở pháp lý để thu thuế thương vụ chuyển nhượng Big C Việt Nam với số tiền thuế thu được có thể lên tới hơn 4.600 tỷ đồng. Trước đó, cơ quan thuế cũng đã thu được 1.900 tỷ đồng thuế chuyển nhượng hệ thống siêu thị Metro Cash & Carry giữa Tập đoàn Metro và Tập đoàn TCC của Thái Lan.

Trước đó, trong năm 2015, sau hơn 6 tháng làm việc, cơ quan thuế đã ra kết luận cuối cùng chỉ rõ các chiêu chuyển gia tinh vi của một hệ thống siêu thị khác của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam là Metro Cash&Cary. Đây là “mẻ lưới” lớn nhất trong hoạt động chống chuyển giá của Tổng cục Thuế tại Metro Việt Nam trong 13 năm doanh nghiệp này hoạt động tại Việt Nam và liên tục báo lỗ.

Quá trình thanh tra chuyển giá diễn ra cũng tương đối phức tạp, trước đó, từ năm 2003-2011, cơ quan thuế đã 4 lần thanh tra, kiểm tra tại Metro với kết quả điều chỉnh giảm lỗ hơn 500 tỉ đồng; xác định lãi 2 năm (2010, 2011) 234,8 tỉ đồng để bù vào số lỗ của 3 năm trước. Ngoài ra, kết quả thanh tra cũng xác định số lỗ không được chuyển do quá hạn 5 năm là 272,6 tỉ đồng…

Trong quá trình thanh tra chuyển giá để đưa ra kết luận cuối cùng, đoàn thanh tra phải tạm dừng làm việc 4 lần và tổ chức đối thoại 4 lần với phía Metro. Lãnh đạo cơ quan thuế cũng phải đề nghị bổ sung, sửa đổi một số cơ chế, chính sách để có phương thức quản lý phù hợp hơn với những đơn vị như Metro. Trong đó, sửa đổi quan trọng nhất là vấn đề phí chuyển nhượng thương mại và phí trả cho các chuyên gia nước ngoài phải pháp định hóa có cơ sở xử lý phù hợp.

Một đại gia FDI khác cũng từng bị "phanh phui" về việc chuyển giá tại Việt Nam là Keangnam Vina - công ty 100% vốn Hàn Quốc của Keangnam, chính thức vào Việt Nam từ tháng 7/2007 và liên tục báo lỗ trong suốt mấy năm hoạt động. Năm 2013, Keangnam Vina nổi "đình đám" với thông tin về chuyển giá nhằm trốn thuế gần 100 tỷ đồng với khoản chuyển giá 1.220 tỷ đồng. Kèm theo đó, hàng loạt mánh lới chuyển giá của đại gia xứ Hàn này đã bị phơi bày cho thấy bằng những thủ thuật dàn xếp về giá vốn xây dựng, nâng khống đầu vào, một khoản lợi nhuận kếch sù đã được Keangnam Vina chuyển về Hàn Quốc.

Trong nhiều năm qua, ngành thuế luôn đặt công tác thanh tra, kiểm tra thuế và phối hợp với các lực lượng chức năng đẩy mạnh hoạt động chống chuyển giá là nhiệm vụ trọng tâm. Gần đây nhất, trong năm 2015, cơ quan chức năng đã thanh tra, kiểm tra 2.421 doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá và giảm lỗ hàng nghìn tỷ đồng. Cụ thể, sau thanh tra các doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết và có dấu hiệu chuyển giá, cơ quan chức năng đã thực hiện giảm lỗ trên 4.400 tỷ đồng, truy hoàn và phạt trên 500 tỷ đồng.

Đứng trước thực trạng hoạt động chuyển giá diễn ra khá phổ biến, trong năm 2015, Tổng cục Thuế đã quyết định thành lập Phòng thanh tra giá chuyển nhượng tại Cục Thuế Đồng Nai, Bình Dương, Hà Nội và TPHCM. Mới đây, Cục thuế Đồng Nai cho biết sẽ thanh tra chuyển giá tại 15 doanh nghiệp có hoạt động liên kết. Hồi đầu năm nay, Phòng Thanh tra giá chuyển nhượng của Cục Thuế TPHCM cũng cho biết trong năm 2016 sẽ tổ chức thanh tra khoảng 100 doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá.

Phương Dung