"Vua dầu hào Hồng Kông" qua đời ở tuổi 91

(Dân trí) - Tỷ phú Lee Man-tat, ông chủ của hãng dầu hào nổi tiếng Hồng Kông Lee Kum Kee vừa qua đời ở tuổi 91.

Vua dầu hào Hồng Kông qua đời ở tuổi 91 - 1

Tỷ phú Lee Man-tat, ông chủ của hãng dầu hào nổi tiếng Hồng Kông Lee Kum Kee vừa qua đời ở tuổi 91 (Ảnh: SCMP).

Ông Lee Man-tat được mệnh danh là "vua dầu hào" là Chủ tịch của Tập đoàn Lee Kum Kee có trụ sở tại Hồng Kông. Ông hiện là người giàu thứ 63 thế giới với khối tài sản 17,6 tỷ USD, theo Bloomberg Billionaire Index. Năm 2019, ông Lee được Forbes xếp hạng là người giàu thứ 3 Hồng Kông.

Gia đình ông cũng sở hữu nhiều bất động sản ở London (Anh), Hồng Kông và Trung Quốc đại lục, bao gồm cả tòa nhà Walkie Talkie mang tính biểu tượng ở thủ đô của Anh mà họ đã mua với giá 1,3 tỷ bảng hồi năm 2017.

Trong thông cáo về sự ra đi của ông Lee, Tập đoàn Lee Kum Kee cho biết, ông Lee mất hôm 26/7 tại tư gia. "Ông Lee là một nhà lãnh đạo truyền cảm hứng với tầm nhìn độc đáo và hướng về phía trước. Ông liên tục mang lại những góc nhìn mới mẻ và động lực cho tập đoàn, đưa Lee Kum Kee trở thành một thương hiệu nước chấm và gia vị nổi tiếng thế giới", thông cáo cho biết.

Ông Lee sinh ra ở Ma Cao nhưng quê gốc ở Giang Môn, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Ông gia nhập công ty Lee Kum Kee vào năm 1954 để hỗ trợ cha mình là ông Lee Shiu-nam điều hành công việc kinh doanh của gia đình. Công ty Lee Kum Kee được thành lập vào năm 1888 do ông nội của ông là Lee Kum-sheung sáng lập.

Kể từ đó, công ty Lee Kum Kee đã trở thành chuyên gia trong lĩnh vực nguyên liệu nấu ăn, với hơn 200 loại nước chấm và có mặt tại hơn 100 quốc gia trên thế giới.

Dầu hào Lee Kum Kee là sản phẩm nổi tiếng nhất của công ty, đưa công ty trở thành một trong những thương hiệu nổi tiếng nhất Hồng Kông. Sau này công ty đã đa dạng hóa kinh doanh sang các lĩnh vực như sản phẩm y tế, đầu tư bất động sản, đồn điền và thương mại.

Ông Lee là thế hệ thứ 3 của gia đình điều hành công việc kinh doanh. Người Trung Quốc có câu "sự giàu có không vượt quá 3 thế hệ", ngụ ý ông Lee có thể thua lỗ, phá sản. Thế nhưng điều đó đã không xảy ra.

Vào đầu những năm 1970, khi ông Lee tiếp quản công việc kinh doanh, ông đã mua lại các tài sản từ các chú của mình để nắm quyền kiểm soát kinh doanh của công ty trước khi triển khai kế hoạch mở rộng sang thị trường Mỹ.

Giữa những năm 1980, ông Lee muốn mở rộng cơ sở sản xuất của công ty nhưng lại vấp phải sự phản đối của người anh trai. Lần này ông lại mua hết cổ phần từ anh trai để thực hiện kế hoạch.

Năm 2002, khi các con của ông Lee đề nghị thành lập hội đồng gia đình với các quy định để biểu quyết điều hành công việc kinh doanh của gia đình, ông Lee đã đồng ý ngay. Theo SCMP, có lẽ ông bị ảnh hưởng bởi chính những tranh chấp trong gia đình từ nhiều năm trước nên ông đã đồng ý và tự nguyện giảm quyền kiểm soát của mình đối với công việc kinh doanh. Đó là một động thái hiếm có đối với một nhà tài phiệt Hồng Kông.

Hiện Lee Kum Kee là một trong số những tập đoàn gia đình trị hiếm hoi ở Trung Quốc tồn tại hơn 130 năm và vẫn phát triển với tham vọng tồn tại 1.000 năm.