“Vua cá sấu”

Cái nghề đầy nguy hiểm, lắm gian nan này đã giúp anh có mức thu nhập 1,2 tỷ đồng/năm. Anh Trần Văn Rê vinh dự được cử làm đại diện của nông dân Đồng Tháp dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VII.

"Vua cá sấu” là tên người dân vùng Đồng Tháp Mười đặt cho anh nông dân Trần Văn Rê. Lớn lên ở vùng Đồng Tháp Mười, cậu bé Rê nếm trải bao nỗi cay cực của người dân mỗi mùa nước lũ. 18 tuổi Rê lên đường làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia.

 

Giải ngũ sau bốn năm chiến đấu, Rê bắt đầu cuộc sống mới với nghề "chạy" vật tư nông nghiệp. Năm 1990, anh trở thành đại lý cấp I cho các đại lý phân bón.

 

Đất của nhà nghèo...

 

Năm 2000, Rê mua được 10 ha đất trũng ở vùng Đồng Tháp Mười để lập trang trại. Anh bảo: Đấy là khu đất của nhà nghèo, mỗi năm nông dân chỉ trồng được một vụ lúa, vụ còn lại bỏ hoang cho nước lũ tràn vào. Bà con ở đó cũng toàn người nghèo, không ai có cái gọi là "của ăn, của để". Có đất rồi, nhưng đôi lúc Rê thấy nan vì đường đi toàn sình lầy. Có những hôm anh bỏ xe giữa đường, lội bộ vào trang trại vì lầy quá.

 

… thành nguồn lợi dồi dào

 

"Xin” vợ cho “tạm vắng” dài ngày, Rê ở hẳn trong trang trại để xây dựng kế hoạch cải tạo đất. Việc đầu tiên, anh thuê người đắp đê chắn lũ, trồng bạch đàn, tràm chống sạt lở. "Tốn không kém gì tiền mua đất", anh cho biết. Hoàn thành hàng nghìn m2 đê bao, anh bắt tay chuyển đổi đất ruộng thành ao để thả sen và làm lúa.

 

"Đất vùng Tháp Mười chua phèn, trồng lúa kém năng suất, chỉ nuôi thả cá là hiệu quả", anh nghĩ. Vạch kế hoạch thì dễ, nhưng bắt tay vào cuộc mới gian nan. Để chắc ăn, anh lên trại nghiên cứu thuỷ sản Mê Công để học hỏi kinh nghiệm. Chưa yên tâm, anh về các tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long, Bình Thuận để nghiên cứu thêm cách nuôi trồng thuỷ sản của các trang trại ở đó.

 

Cũng nhờ những chuyến đi này, anh phát hiện ra nghề nuôi ba ba, cá sấu. Quyết tâm đầu tư nuôi cá sấu, anh thế chấp toàn bộ nhà cửa vay vốn ngân hàng xây ao, chuồng. "Không có nhiều vốn, tôi chỉ dám nuôi thử nghiệm hơn 100 con cá sấu, anh cho biết.

 

Để có tiền đầu tư lâu dài cho dự án táo bạo của mình, anh Rê quyết định nuôi thêm một số loại cá nước ngọt và trồng sen Đài Loan xuất khẩu. Một lần nữa, anh lại khăn gói đi học kinh nghiệm nuôi cá trong ao sen và trong ruộng lúa. "Tôi chỉ nuôi những loại cá có thể sinh sản được trong môi trường của Đồng Tháp Mười. Chủ động được giống cá sẽ tiết kiệm được 30% chi phí. Hơn nữa cá thích nghi sớm với môi trường sẽ ít bị dịch bệnh hơn, sinh trưởng cũng tốt hơn", anh nói.

 

Đúng như dự đoán của anh, có nguồn thức ăn tốt, 7-8 tháng, cá nước ngọt đã cho thu hoạch với sản lượng cao không ngờ. Các loại cá lóc, cá trê vàng, cá sặc rằng lại được thị trường ưa chuộng nên anh không phải "đau đầu" lo đầu ra mà các thương lái tìm tận đến nơi để lấy hàng.

 

Lợi nhuận từ cá nước ngọt cũng cho anh hàng trăm triệu đồng. "Tôi tận thu các sản phẩm của cá nước ngọt để nuôi cá sấu và ba ba. Chi phí để nuôi hai loại "khó tính" này cũng nhờ thế mà giảm đáng kể", anh cho biết. Thả xong lứa cá thứ hai cũng là lúc đàn cá sấu có thể cho xuất chuồng. Bắt được mối bán cá với tư thương tại thành phố Hồ Chí Minh, anh bán "trọn gói" cả đàn cá sấu hơn 100 con. "Lợi nhuận nuôi cá sấu là 100%" anh khoe.

 

Thắng lợi vụ đầu tiên đã tạo niềm tin cho Trần Văn Rê tiếp tục đầu tư nuôi cá sấu với số vốn lớn gấp nhiều lần ban đầu. Cũng như lần trước, anh tiếp tục thắng lớn, lợi nhuận thu được từ đàn cá sấu tăng theo cấp số cộng. Hai vụ nuôi cá sấu, anh đã thành tỷ phú vùng đầm Đồng Tháp Mười. Để có nhiều thời gian "săn lùng" thị trường, tìm mối tiêu thụ, anh thuê thêm 10 người phụ giúp trông trang trại và hàng trăm lao động thời vụ.

 

Thấy nghề nuôi cá sấu thu được hiệu quả cao, Trần Văn Rê bày kinh nghiệm cho anh em, bạn bè cùng làm theo. Anh tự nguyện "sắm vai" kỹ thuật viên hướng dẫn họ từ khâu xây dựng ao chuồng tới kỹ thuật nuôi thả, chăm sóc.

 

Số hộ nuôi cá sấu ở Đồng Tháp Mười tăng lên nhanh chóng, hình thành khu vực "chuyên canh" cá sấu. Anh tính toán: "Bất cứ ai muốn nuôi cá sấu tôi đều giúp. Nghề này phát triển mạnh mẽ hình thành vùng hàng hoá, khi đó Nhà nước sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông thuỷ lợi cho dân..."

 

Theo Nông thôn ngày nay