"Vua cá" Hùng Vương rao bán hàng loạt khu đất tại TPHCM
(Dân trí) - Với lý do tập trung các nguồn lực để phát triển ngành nghề kinh doanh cốt lõi, "vua cá" Hùng Vương vừa quyết định thanh lý hàng loạt bất động sản để thu hồi dòng vốn, chuyển hướng đầu tư hiệu quả hơn.
Công ty CP Hùng Vương (Mã CK: HVG) vừa công bố thông tin về việc thoái vốn và giải thể Công ty CP Địa ốc An Lạc. Theo đó, HVG cũng sẽ tiến hành thanh lý các bất động sản hiện có thuộc Địa ốc An Lạc.
Theo thông tin công bố, các khu đất này đều nằm ở vị trí đắc địa, là đất sạch sẵn sàng để phát triển dự án. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, Công ty đang tập trung các nguồn lực để phát triển ngành nghề kinh doanh cốt lõi nên quyết định thanh lý các bất động sản này để thu hồi dòng vốn, chuyển hướng đầu tư hiệu quả hơn.
Những lô đất Hùng Vương thông báo bán bao gồm lô đất rộng gần 1.490 m2 tại số 94 Phạm Đình Hổ, phường 2, quận 6; lô đất kế bên, tại số 96 Phạm Đình Hổ, Phường 2, quận 6 có diện tích sử dụng hơn 1.123 m2; lô đất tại số 765 Hồng Bàng, phường 6, quận 6 với diện tích sử dụng lên đến 5.643 m2 – đây cũng là trụ sở chính của Địa ốc An Lạc; và lô đất có diện tích sử dụng 11.903 m2 tại thửa đất số 23-24-25 ở Long Thới, huyện Nhà Bè.
Sau khi hoàn tất thanh lý bất động sản, thanh toán các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác, phần còn lại được phân phối cho các cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ vốn góp. Cụ thể, CTCP Hùng Vương 76%, ông Lê Nam Thành 19% và ông Dương Ngọc Minh 5%.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2017 của Hùng Vương, HVG đang sở hữu 76% vốn điều lệ công ty. Tính đến 30/6/2017, HVG còn ghi nhận khoản nợ phải trả 12.354 tỷ đồng, trong đó vay nợ ngắn hạn 7.105 tỷ đồng và vay nợ dài hạn 964 tỷ đồng.
Nửa đầu năm nay, Hùng Vương lỗ ròng hơn 172 tỷ đồng. Theo giải trình của ban lãnh đạo, hoạt động kinh doanh thức ăn chăn nuôi giảm do không đủ nguồn cung cấp cá giống, nông dân buộc phải cắt giảm sản lượng nuôi trồng khiến nhu cầu tiêu thụ giảm theo là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh.
Dù kết quả kinh doanh khá bết bát nhưng Hùng Vương vẫn đặt mục tiêu lợi nhuận 400 tỷ đồng trong năm 2017. Theo giải thích của HVG thì đây là kế hoạch khá... khiêm tốn bởi, công ty còn dự trữ đến 33.000 tấn fillet thành phẩm. Với giá trị xuất khẩu như hiện tại, chỉ riêng việc bán hàng tồn kho cũng mang về cho Hùng Vương khoản lợi nhuận tương đối lớn, cộng thêm cá trong ao thì Hùng Vương có thể thu về trên 700 tỷ đồng lợi nhuận.
Đặc biệt, theo kế hoạch của HVG, từ năm 2017 doanh nghiệp này dự kiến sẽ tập trung vào 2 hướng chính là thuỷ sản và chăn nuôi. Trong đó, ngoài cá tra vẫn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của HVG cả về giá trị lẫn sản lượng; dự án chăn nuôi heo sẽ là bước đi mới trong chiến lược của Thủy sản Hùng Vương. Hiện tại, công ty đang phát triển lĩnh vực này tại An Giang và Bình Định với công nghệ từ Đan Mạch.
Theo kế hoạch của HVG, năm 2017 công ty sẽ tích cực thu hồi lợi nhuận từ các công ty con và công ty liên kết. Năm 2016, việc này đã không được thực hiện do Việt Thắng và Sao Ta đang thực hiện nhiều dự án đầu tư mở rộng kinh doanh nên cần giữ lại lợi nhuận; hoạt động kinh doanh của Agifish và các đơn vị khác không thuận lợi nên lợi nhuận không khả thi...
Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM quyết định đưa cổ phiếu HVG vào diện cảnh báo kể từ ngày 13/06/2017 do công ty vi phạm quy định về công bố thông tin từ 4 lần trở lên trong vòng 1 năm. Trước đó, Sở đã nhiều lần nhắc nhở HVG về việc chậm nộp BCTC bán niên soát xét (năm tài chính từ 1/10/2016 đến 30/09/2017).
Phương Dung