Vũ trường, karaoke được cấp phép kinh doanh trở lại

(Dân trí) - Sau 4 năm tạm ngưng cấp phép mới, kể từ ngày 1/1/2010, hai hoạt động là vũ trường và karaoke sẽ được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và giấy phép kinh doanh.

Theo Nghị định 103/2009/NĐ-CP, 2 lĩnh vực có thể coi là nhạy cảm nhất của kinh doanh văn hóa dịch vụ công cộng là vũ trường và karaoke được quy định khá rõ ràng và chặt chẽ về điều kiện cũng như thẩm quyền, thủ tục cấp giấy phép kinh doanh, trách nhiệm của chủ kinh doanh vũ trường, karaoke...
 
Theo đó, các tỉnh, thành đã có quy hoạch về vũ trường và karaoke được tiếp tục cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và giấy phép kinh doanh karaoke, vũ trường theo đúng quy hoạch.
 
Như vậy, sau hơn 4 năm tạm ngưng cấp phép mới kinh doanh karaoke, vũ trường, từ ngày 1/1/2010 tới đây, việc cấp phép mới cho các hoạt động này sẽ được khôi phục.
 
Có sự việc ngừng cấp phép trong thời gian qua là do vào cuối năm 2004 đầu năm 2005 đã xảy ra những tiêu cực nghiêm trọng trong một số quán bar, nhà hàng karaoke và vũ trường.
 
Do đó, ngày 25/5/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 17/2005/CT-TTg về việc chấn chỉnh các hoạt động tiêu cực trong quán bar, nhà hàng karaoke và vũ trường; tạm ngừng cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và giấy phép kinh doanh karaoke, vũ trường trên cả nước để các cấp, các ngành rà soát, đánh giá hoạt động của cơ sở hiện có, nhằm xây dựng quy hoạch và tăng cường biện pháp quản lý.
 
Theo Nghị định mới, điều kiện quan trọng nhất để được kinh doanh vũ trường là phòng khiêu vũ phải có diện tích từ 80 m2 trở lên. Đối với việc kinh doanh karaoke, phòng hát phải có diện tích từ 20m2 trở lên, cửa phòng phải là cửa kính không màu, không được đặt khóa, chốt cửa bên trong hoặc đặt các thiết bị báo động để đối phó với hoạt động kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
 
Hai địa điểm kinh doanh vũ trường và karaoke phải cách trường học, bệnh viện, cơ sở tín ngưỡng tôn giáo, di tích lịch sử, cơ quan hành chính nhà nước tối thiểu là 200m và không được phép hoạt động sau 12h đêm đến trước 8h sáng; trừ vũ trường, karaoke trong các cơ sở lưu trú du lịch từ 4 sao trở lên hoặc hạng cao cấp thì được hoạt động sau 12h đêm nhưng cũng không quá 2h sáng.
 
Việc kinh doanh karaoke có địa điểm đặt tại khu dân cư thì cần phải được sự đồng ý bằng văn bản của các hộ liền kề.
 
Cũng theo Nghị định 103/2009/NĐ-CP, có 8 lĩnh vực văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng cần phải được quản lý, cấp phép, gồm: Lưu hành, kinh doanh băng, đĩa ca nhạc, sân khấu; biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; triển lãm văn hóa, nghệ thuật; tổ chức lễ hội; viết, đặt biển hiệu; hoạt động vũ trường, hoạt động karaoke và hoạt động trò chơi điện tử và các hình thức vui chơi khác.
 
Với hoạt động trò chơi điện tử, nghị định mới quy định kinh doanh loại hình này không được phép hoạt động sau 10h đêm đến 8h sáng. Như vậy, quy định mới đã siết chặt lại hoạt động vốn thu hút nhiều đối tượng tham gia, trong đó phổ biến là trẻ vị thành niên, góp phần ổn định an ninh trật tự xã hội.
 
An Hạ