Vụ tố mất 26 tỷ tại VPBank: Nhiều điểm "mập mờ" của người trong cuộc

(Dân trí) - VPBank cho rằng, nội dung khiếu nại, tố cáo của bà Xuân có rất nhiều điểm chưa chính xác, không đúng với thực tế, còn nhiều điểm mập mờ... Ông Phạm Văn Trinh cũng lên tiếng, việc rút 8,3 tỷ đồng từ tài khoản là theo chỉ đạo của bà Xuân và có sự giám sát của nhân viên công ty.

VPBank phản pháo

Thông tin VPBank phát đi ngày 27/8 nêu rõ, đơn tố cáo của bà Trần Thị Thanh Xuân (Giám đốc Công ty Quang Huân) chỉ khiếu nại số tiền là 11,3 tỷ đồng. Thế nhưng, khi tố cáo với báo chí, bà Xuân lại đưa ra con số thiệt hại là 26 tỷ đồng. Chính vì lẽ đó, ngân hàng này đã đặt ra nghi vấn là phải chăng bà Xuân không thống nhất được nội dung tố cáo của mình.

VPBank cũng cho biết, ngày 30/7/2015, bà Xuân thực hiện thay đổi chữ ký chủ tài khoản Công ty Quang Huân tại ngân hàng này. Tiếp đó, 2 bên đã thực hiện nhiều giao dịch trong tháng 8/2015. Điển hình, ngày 6/8/2015, nhận chuyển khoản từ cá nhân bà Xuân và ngày 17/8/2015, đơn vị này đã chuyển tiền cho tài khoản Trần Thị Thanh Xuân.


Bà Trần Thị Thanh Xuân, Giám đốc Công ty Quang Huân (Ảnh: Thùy Linh/PLTP)

Bà Trần Thị Thanh Xuân, Giám đốc Công ty Quang Huân (Ảnh: Thùy Linh/PLTP)

Theo đó, VPBank khẳng định, các thay đổi, biến động số dư của các giao dịch kể trên vẫn tiếp tục được VPBank gửi SMS tới số điện thoại 0973xxx993 mà bà Xuân đang sử dụng. Không chỉ vậy, ngân hàng này cũng cho hay, tại biên bản làm việc với VPBank ngày 30/10/2015, bà Xuân thừa nhận bắt đầu từ ngày 6/8/2015 đã nhận được SMS thông báo biến động số dư tài khoản.

Do đó, phía VPBank cho rằng, bà Xuân đã biết rõ số dư tài khoản của VPBank từ ngày 6/8/2015 trở đi. Bằng lập luận đó, VPBank khẳng định, việc này hoàn toàn mâu thuẫn với đơn tố cáo bà Xuân gửi đến VPBank cho rằng đến ngày 14/9/2015, bà Xuân mới biết tài khoản bị mất tiền.

"Bà Xuân đã biết chữ ký chủ tài khoản trước đó có sự khác biệt và đã biết số dư tài khoản của Công ty Quang Huân tại ngày 30/7/2015 nhưng hoàn toàn không có khiếu nại hay thông báo nào cho VPBank mà đến tận tháng 10/2015 mới nhận được Đơn tố cáo về việc mất tiền. Câu hỏi đặt ra là phải chăng bà Xuân đã biết và chấp nhận có sự khác biệt chữ ký chủ tài khoản, biết giao dịch tài khoản trước đó", VPBank thông tin báo chí.

Ngoài ra, phía VPBank cũng nhận định có sự phức tạp trong mối quan hệ giữa nhân viên kế toán Công ty Quang Huân và bà Xuân - đại diện theo pháp luật của công ty này.

Theo VPBank, nội dung khiếu nại, tố cáo của bà Xuân có rất nhiều điểm chưa chính xác, không đúng với thực tế, còn nhiều điểm mập mờ, đáng nghi vấn cần phải được xem xét đánh giá một cách kỹ lưỡng, đầy đủ. Chính vì thế, ngân hàng này rất cần cơ quan công an vào cuộc làm rõ và đưa ra kết luận cuối cùng.

Nhiều vấn đề mập mờ

Theo biên bản làm việc ngày 11/4/2015 giữa ông Phạm Văn Trinh (nguyên kế toán Công ty Quang Huân, người bị bà Trần Thị Thanh Xuân tố cáo giả mạo chữ ký để chiếm đoạt tiền của công ty) thì ông Trinh là người rút 8,3 tỷ đồng trong tài khoản của bà Xuân tại VPBank chi nhánh Cộng Hòa.

Ông Trinh cho biết, khi ông đi thực hiện giao dịch rút 8,3 tỷ đồng thì tờ sec do bà Xuân đưa cho ông. Đồng thời, cùng ông Trinh đi thực hiện nhiệm vụ lần này có cả ông Nguyễn Hợp (nhân viên IT của Công ty Quang Huân). Đặc biệt, theo lời của ông Trinh thì sau khi ông này rút tiền xong, bà Xuân đã cho con rể là anh Nguyễn Khánh Hoàng và con gái là Lưu Thanh Uyên đến rước 2 nhân viên này (cùng với tiền rút được) về nhà bà Xuân.

Ông Trinh cũng đã khẳng định rằng, ông giao tiền lại cho bà Xuân có sự chứng kiến của ông Hợp cùng với con rể và con gái của bà Xuân. Sau đó vài ngày thì bà Xuân mới gọi điện cho Trinh đến nhà và đi cùng xe (do tài xế Nguyễn Văn Minh lái xe) với bà Xuân đến ngân hàng chi nhánh Cộng Hòa để nộp tiền vào số tài khoản 73401888xxx88 của bà Xuân.

Biên bản làm việc của ông Phạm Văn Trinh với VPBank
Biên bản làm việc của ông Phạm Văn Trinh với VPBank

Ngoài ra, đơn tố cáo của bà Xuân cho biết, ông Phạm Văn Trinh đã thừa nhận toàn bộ sự việc giả mạo giấy tờ có sự giúp đỡ từ phía ngân hàng để thực hiện trót lọt hành vi sai trái. Tuy nhiên theo biên bản làm việc ngày 11/4/2015 thì ông Trinh lại phủ nhận điều này.

Trao đổi với phóng viên, ông Trinh khẳng định hoàn toàn không có việc ông thừa nhận bằng miệng hoặc bằng văn bản việc giả mạo giấy tờ.

Về những mâu thuẫn trong đơn tố cáo của bà Xuân và phản pháo của ông Trinh cũng như VPBank, các chuyên gia pháp lý cho rằng, đây là vấn đề hết sức mập mờ và cần phải làm rõ.

"Giữa người bị tố cáo và người tố cáo đều có những lời lẽ biện chứng, đáp trả nhau liên tục. Do vậy, các cơ quan chức năng cũng cần căn cứ vào những ý kiến trái chiều của các bên liên quan để tiến hành điều tra, làm rõ đâu là thật, đâu là giả. Đồng thời cũng sớm đưa kẻ phạm tội ra ánh sáng, chịu tội trước pháp luật", một luật sư nói.

Công Quang