(Dân trí) - Ngày 24/7, tại phiên chấp vấn Kỳ họp thứ 13 HĐND khóa XI, nhiều đại biểu bức xúc liên quan đến vấn đề các nhà thầu tạm ứng vốn nhưng không thi công, gây thất thoát hàng chục tỷ đồng của nhà nước. Cho đến nay, số tiền chưa thu hồi còn 28,4 tỷ đồng.
Như Dân trí phản ánh trước đó vào ngày 15/7/2014, đề cập đến 3 dự án thuộc huyện Ba Tơ, Sơn Hà và Minh Long, chủ đầu tư (UBND huyện) cho nhà thầu tạm ứng vốn trước, sau đó nhà thầu không thi công và không hoàn trả tiền đã tạm ứng của nhà nước.
Tại phiên chấp vấn, ông Nguyễn Minh Tài - Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Tính đến ngày 30/6/2014, tổng số dư nợ trên địa bàn tỉnh còn 570,5 tỷ đồng, trong đó số vốn dư nợ quá hạn giảm xuống còn 165,5 tỷ đồng”.
Lý giải về số dư nợ trên, ông Nguyễn Minh Tài cũng cho biết số vốn dư nợ tạm ứng từ năm 2011 trở về trước chưa thu hồi vẫn còn đến 132,3 tỷ đồng, trong đó dư nợ tạm ứng quá hạn là 114,1 tỷ đồng thuộc 63 dự án (18 đơn vị đầu mối). Tổng dư nợ tạm ứng vốn đầu tư xây dựng cơ bản quá hạn lũy kế đến 30/6 chưa thu hồi là 165 tỷ đồng.
Đại biểu Nguyễn Minh Tài trả lời chất vấn.
Bổ sung thêm phần trả lời có liên quan, ông Nguyễn Cao Phúc – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 5 dự án chưa thu hồi tạm ứng, tổng số tiền chưa thu hồi là 28,4 tỷ đồng.
5 dự án gây bức xúc trên, bao gồm dự án đường Giá Gối – Mô Nít (huyện Sơn Hà) chưa thu hồi 2,1 tỷ đồng; đường Ba Tơ – Ba Lế (huyện Ba Tơ) còn 3,7 tỷ đồng; đường Làng Tranh (huyện Minh Long, hiện nay thu hồi dự án và dừng thi công vì không phù hợp) với 7,7 tỷ đồng; 2 dự án thuộc huyện Tây Trà là đường Trà Phong – Trà Ka và đường Trà Phong – Gò Rô – Trà Bung chưa thể thu hồi 13,6 tỷ đồng.
Đại biểu Đoàn Dụng – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh nêu: “Các huyện miền núi để thất thoát hàng chục tỷ đồng thấy dễ dàng quá, trong khi trẻ em mầm non ở khu vực miền núi phải học nhờ tạm bợ. Về sai phạm này, tôi yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý nghiêm chủ đầu tư tự tiện cho ứng vốn vô trách nhiệm. Còn các nhà thầu, ngoài việc đòi lại tiền đã ứng, cần thiết cấm các nhà thầu này tham gia ở những công trình khác cho đến khi hoàn thành trách nhiệm hoàn trả tiền cho nhà nước”.Đại biểu Lê Xuân Hòa – Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ngãi bức xúc, hỏi: “Qua xem xét hồ sơ, cơ quan điều tra chưa thể ghép hành vi của nhà thầu theo tội hình sự, chỉ ở mức xử lý dân sự. Không vì vậy mà các UBND huyện bỏ lọt đối tượng, cần xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, bởi đây là một bài học lớn. Tôi xin đặt vấn đề, nhà thầu trả nợ bằng sản phẩm thi công tiếp thì họ phải chịu lỗ, chúng ta chấp nhận phương án hoàn vốn ứng nào liệu có khả thi không?”.
Thời gian các chủ đầu tư cho doanh nghiệp ứng vốn, diễn ra từ những năm 2002 đến 2007. Khi nhà thầu ứng vốn nhưng không thi công, gây thất thoát tiền ngân sách và công trình bị “treo” nhiều năm qua. Trước thực trạng này, vào tháng 1/2013, UBND tỉnh ban hành Quyết định 03, yêu cầu các nhà thầu khi ứng vốn phải có bảo lãnh của phía thứ 3 (ngân hàng).
Đại biểu Lê Quang Thích – quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi khẳng định: “Nhà thầu nào có bảo lãnh của ngân hàng nhưng chưa trả lại vốn ứng, chúng ta yêu cầu ngân hàng giải ngân. Trước khi có QĐ 03, việc ứng vốn cũng đã có chế tài, điều kiện bắt buộc và giám sát chặt chẽ theo quy định đầu tư. Vậy mà chủ đầu tư để xảy ra hành vi nợ tạm ứng này, chúng ta phải xử lý nghiêm túc chủ đầu tư thiếu trách nhiệm”.
Với vai trò lãnh đạo địa phương để xảy ra sai phạm, đại biểu Đặng Ngọc Dũng – Bí thư Huyện ủy Sơn Hà bộc bạch: “Về phần địa phương, chúng tôi nhận lỗi để xảy ra sai phạm. Hiện nay, huyện đang nỗ lực khởi kiện nhà thầu là Công ty TNHH Thiên Vũ nợ tạm ứng 2,1 tỷ đồng. Khi các cơ quan chức năng huyện mời làm việc gần 10 lần nhưng nhà thầu này đều không hợp tác. Đến lúc Công an tỉnh can thiệp thì họ mới hợp tác, đều này gây khó khăn trong quá trình đòi nợ tiền tạm ứng”.
Bên cạnh đó, huyện Sơn Hà đã tổ chức kiểm điểm, cách chức Giám đốc Ban quản lý dự án. Đồng thời, xếp loại cả tập thể, chi bộ BQL dự án không hoàn thành nhiệm vụ năm 2012.
Liên quan đến nội dung chấp vấn trên, bà Trương Thị Xuân Hồng – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh kết luận: “Lâu nay, chúng ta không xử lý nghiêm các chủ đầu tư, nhà thầu sai phạm trong vấn đề ứng vốn nhà nước, dẫn đến hậu quả như ngày hôm nay. Nhà nước đang thất thoát hơn 28 tỷ đồng thì đã rõ, trong thời gian tới, chúng ta cần quyết liệt đòi lại tiền trả vào ngân sách, đồng thời xử lý nghiêm minh cá nhân, tổ chức để xảy ra sai phạm. Từ năm 2014 trở đi, cắt việc bố trí vốn cho những dự án chậm thanh quyết toán vốn ở địa phương sai phạm. Riêng nhà thầu chưa hoàn vốn nhà nước, các chủ đầu tư không cho tham gia đấu thầu, thi công những công trình khác cho đến khi hoàn thành nghĩa vụ thanh toán cho nhà nước”.
Ngoài ra, tại phiên chấp vấn HĐND, có 11 câu hỏi của đại biểu, nội dung liên quan đến các vấn đề như hiệu quả công trình nước sạch; đập, hồ và kênh mương thủy lợi; hóa gia nhà ở theo Nghị định 61; quản lý tài sản công; tình trạng ô nhiễm; chính sách xã hội hóa về lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường,…