Vụ mất hàng trăm tỷ đồng ở Eximbank, quan hệ khách hàng - ngân hàng là bất cân xứng

(Dân trí) - Nhìn lại vụ khách hàng mất 245 tỷ đồng tại Eximbank, một số chuyên gia kinh tế nhận xét: Người dân gửi tài khoản ngân hàng theo niềm tin. Tuy nhiên, khi đi vay lại mang cả đống tài sản thế chấp. Quan hệ giữa ngân hàng và khách hàng bất cân xứng.

Tại tọa đàm "Trách nhiệm ngân hàng trước nỗi lo an toàn tiền gửi" tổ chức cuối tuần qua tại TPHCM , TS Bùi Quang Tín, chuyên gia kinh tế cho rằng, các ngân hàng tiếp nhận các sự việc liên quan đến việc mất tiền, các ngân hàng rất thụ động và đổ thừa.

"Người dân gửi tài khoản ngân hàng theo niềm tin, ví dụ như trường hợp bà Chu Thị Bình mất tiền 245 tỷ đồng tại ngân hàng Eximbank. Tuy nhiên, khi đi vay lại mang cả đống tài sản thế chấp, quan hệ giữa ngân hàng và khách hàng bất cân xứng, trong khi đó chúng ta tin lại gửi tiền vào ngân hàng rất dễ dàng", TS Bùi Quang Tín nói.

Theo ông Tín, Hội đồng Quản trị (HĐQT) của các ngân hàng hiện nay thiếu khách quan và thụ động, khi ứng xử ban lãnh đạo các ngân hàng rất chậm. Vai trò của khách hàng và giao dịch viên rất mờ nhạt, cho thấy thiếu sự sòng phẳng, thiếu trách nhiệm của ngân hàng đối với số tiền của khách hàng khi gửi vào ngân hàng.

Từ vụ mất tiền tại Eximbank, nhiều chuyên gia kinh tế, pháp lý nhận định vai trò của thành viên HĐQT độc lập, ban kiểm soát... khá mờ nhạt, nhiều khi là vật trang trí.
Từ vụ mất tiền tại Eximbank, nhiều chuyên gia kinh tế, pháp lý nhận định vai trò của thành viên HĐQT độc lập, ban kiểm soát... khá mờ nhạt, nhiều khi là "vật trang trí".

Ông Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, cho biết hiện nay hệ thống ngân hàng thương mại là hệ thống quan trọng nhất trong nền kinh tế trong việc vay tiền và gửi tiền. Hoạt động cuả ngân hàng thương mại chủ yếu là gửi tiền và cho vay, có đặc điểm chung là đòi hỏi tính an toàn. Hệ thống ngân hàng thương mại phải đảm bảo yếu tố an toàn lên cao nhất.

"Người dân đinh ninh rằng gửi tiền vào các ngân hàng là an toàn nhất, họ chấp nhận lãi suất thấp vì tin tưởng vào điều đó. Vì vậy, các ngân hàng thương mại phải đảm bảo yếu tố an toàn. Số người mất tiền khi gửi vào ngân hàng hiện nay có thể ít so với con số tiền gửi, tuy nhiên, điều nay cũng không thể chấp nhận, vì chúng ta phải biết rằng, các ngân hàng thương mại cần phải đảm bảo mức độ an toàn tuyệt đối", ông Hiển nói.

Về vụ Eximbank, xét tính pháp lý, ông Hiển cho rằng vẫn phải đặt dấu chấm hỏi. "Tôi cho rằng cách hành xử của Eximbank chưa đúng chuẩn của một ngân hàng đại chúng. Đối với khách hàng, thị trường thì Eximbank cũng đối xử chưa chuẩn, chưa tương xứng với thương hiệu của ngân hàng này", ông Hiển nhận định.

Từ vụ mất tiền tại Eximbank, nhiều chuyên gia kinh tế, pháp lý nhận định vai trò của thành viên HĐQT độc lập, ban kiểm soát... khá mờ nhạt, nhiều khi là "vật trang trí". Thậm chí, ông Lê Văn Quyết, Tổng giám đốc Eximbank là người đại diện pháp lý của ngân hàng nhưng khi vụ việc xảy ra lại trả lời với truyền thông là "đợi ý kiến của HĐQT".

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, trong thiết chế ngân hàng, HĐQT thiết chế theo luật, phải có một thành viên độc lập của HĐQT. Vai trò thành viên HĐQT độc lập ở các ngân hàng Việt Nam khá mờ nhạt.

"Chính tôi ở trong một số HĐQT, tôi thấy họ không có tiếng nói. Họ phụ thuộc vào HĐQT và Chủ tịch HĐQT. Vị thế độc lập của họ hầu như không giá trị. HĐQT hoạt động chưa thực chất, dân chủ", ông Hiếu nói.

Luật sư Trần Hải Đức kể rằng, tại Mỹ, không riêng HĐQT ngân hàng mà các tổ chức Chính phủ và phi Chính phủ thì những người được tín nhiệm bầu vào chức HĐQT hay lãnh đạo đều phải tuyên thệ. Khi tuyên thệ, họ cam kết tuân thủ đúng quy định của pháp luật nên việc họ làm luôn chuẩn mực.

Công Quang

Vụ mất hàng trăm tỷ đồng ở Eximbank, quan hệ khách hàng - ngân hàng là bất cân xứng - 2