Vụ kiện 41 tỷ đồng: Grab nhận “thẻ đỏ” nhưng có cơ hội “gỡ” tội?

(Dân trí) - Phiên tòa Vinasun kiện Grab vừa qua không chỉ gây chú ý với đề nghị Grab phải bồi thường thiệt hại 41 tỷ đồng mà còn gây tranh luận vì Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) TPHCM khẳng định: Grab là đơn vị kinh doanh vận tải, tức là Grab được phép kinh doanh những gì pháp luật không cấm.

“Soi” đúng - sai theo quy định pháp lý

Theo Viện KSND, tại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do Sở KH&ĐT TPHCM cấp ngày 14/2/2014, Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia cũng như Điều lệ của Công ty TNHH Grab đã thể hiện ngành nghề kinh doanh tại Mã ngành, nghề kinh doanh là 4931: Vận tải hành khách đường bộ trong nội thành, ngoại thành (trừ vận tải bằng xe bus) cùng ngành nghề với Vinasun. Theo Đề án 24, Công ty Grab chỉ được phép kinh doanh là cung cấp ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng.

Đại diện Công ty Luật TNHH ANT cho biết, theo quy định tại Điều 29 Luật Doanh nghiệp năm 2014, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp chỉ thể hiện 4 nội dung chính: Tên doanh nghiệp và mã số doanh nghiệp; địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp; thông tin chi tiết nhân thân của cá nhân là người đại diện theo pháp luật, chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh, thành viên công ty và thông tin của thành viên tổ chức; vốn điều lệ của doanh nghiệp.

Theo quy định này, giấy chứng nhận đăng ký đăng kinh doanh sẽ không bao gồm thông tin về ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp, mà chỉ bao gồm thông tin cơ bản về doanh nghiệp. Theo đó, việc bỏ hoàn toàn phần ghi ngành nghề đăng ký kinh doanh thể hiện triệt để nguyên tắc doanh nghiệp được phép kinh doanh những ngành nghề pháp luật không cấm.

Grab phản đối những luận điểm phía Vinasun nêu ra để quy kết Grab vi phạm pháp luật và gây thiệt hại (ảnh: Xuân Duy)
Grab phản đối những luận điểm phía Vinasun nêu ra để quy kết Grab vi phạm pháp luật và gây thiệt hại (ảnh: Xuân Duy)

Nếu như trước đây doanh nghiệp cố gắng liệt kê càng nhiều càng tốt ngành nghề đăng ký để ghi vào giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì theo Luật mới, việc lựa chọn ngành nghề kinh doanh sẽ do doanh nghiệp chủ động theo cơ hội thị trường mà không cần phải liệt kê theo quy định của Luật doanh nghiệp 2005.

Trong trường hợp này, lỗi vi phạm kinh doanh trái ngành nghề đăng ký kinh doanh mà nhiều doanh nghiệp thường gặp khi không kịp bổ sung ngành nghề đăng ký kinh doanh sẽ bị xóa sổ. Tuy nhiên, luật không nới lỏng hoàn toàn, doanh nghiệp chỉ được phép kinh doanh những ngành, nghề kinh doanh mà pháp luật không cấm, đồng thời những ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì doanh nghiệp phải đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh mới được kinh doanh.

Như vậy, có thể hiểu rằng, Công ty TNHH Grab được phép kinh doanh vận tải hành khách đường bộ trong nội thành mà không nhất thiết phải định danh là “doanh nghiệp vận tải”.

Uber, Grab ở các nước ra sao?

Các nền tảng gọi xe trực tuyến như Grab và đặc biệt là Uber được xem là những biểu tượng rõ ràng nhất của kỷ nguyên cách mạng công nghệ. Tuy nhiên, mô hình kinh doanh của Uber, Grab luôn đứng giữa 2 lằn ranh gây tranh cãi: công ty vận tải hay nền tảng kết nối kỹ thuật số.

Tại châu Âu, ứng dụng gọi xe phổ biến nhất thế giới Uber cũng vấp phải không ít khó khăn khi bị nhiều quốc gia như Bulgaria, Đan Mạch, Italia, Hungary... cấm vì “cạnh tranh thương mại không lành mạnh”. Các quốc gia này yêu cầu Uber phải đáp ứng yêu cầu tối thiểu của luật pháp và phải đăng ký như một dịch vụ taxi thì mới được phép hoạt động.

Cuối năm 2017, Tòa Công lý châu Âu (ECJ) đã ra phán quyết Uber là một hãng cung cấp dịch vụ vận tải (khác với doanh nghiệp vận tải - PV), không phải một công ty kỹ thuật số. Kết quả trên được đưa ra khi trận chiến pháp lý giữa Uber và các hiệp hội taxi truyền thống tại châu Âu đã kéo dài từ năm 2014.

Trước khi hoạt động tại Việt Nam, Grab và Uber cũng là chủ đề gây nhiều tranh cãi tại các nước
Trước khi hoạt động tại Việt Nam, Grab và Uber cũng là chủ đề gây nhiều tranh cãi tại các nước

Phán quyết này đã buộc Uber và các thành viên tham gia chuỗi cung ứng phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện kinh doanh như các công ty vận tải chuyên nghiệp. Cùng đó, nhiều nước châu Âu đã rộng đường quản lý những ứng dụng dạng như Uber.

Đan Mạch thông qua luật mới yêu cầu tất cả các taxi, dù truyền thống hay công nghệ, đều phải có đồng hồ tính tiền. Uber bị yêu cầu ngừng hoạt động tại London do lo ngại của chính quyền về việc đảm bảo an toàn đối với hành khách, nhưng đến tháng 6/2018, Tòa án đã cho phép Uber hoạt động trở lại tại đây khi Uber đưa ra các cam kết như đào tạo cho tài xế và báo cáo chính quyền khi chấm dứt hợp tác với tài xế .

Tại Trung Quốc, Didi Chuxing và Uber là hai hãng cung cấp ứng dụng gọi xe có thị phần lớn nhất. Nhiều thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải đã ra quy định yêu cầu lái xe của ứng dụng phải là người dân địa phương và phương tiện của họ cũng phải được đăng ký trong thành phố.

Chính phủ Trung Quốc cấp phép hoạt động cho các mô hình đi nhờ xe thông qua ứng dụng, song tại các thành phố khác nhau, chính quyền có thể đưa ra những biện pháp riêng để áp dụng cho các ứng dụng. Đây được xem là một trong những chính sách nhằm bảo vệ quyền lợi của các hãng taxi truyền thống.

Tại Singapore, đối với xe hợp đồng, quốc gia này chỉ quản lý xe hợp đồng mà không có quy định nào đối với dịch vụ gọi xe hợp đồng. Đối với xe taxi, Singapore có quy định dành riêng cho đơn vị đặt xe taxi bên thứ ba nhưng không yêu cầu các xe hợp đồng chuyển đổi thành xe taxi để có thể ứng dụng, và cho phép hoạt động song song cả hai loại hình xe taxi và xe hợp đồng ứng dụng công nghệ.

Châu Như Quỳnh

Vụ kiện 41 tỷ đồng: Grab nhận “thẻ đỏ” nhưng có cơ hội “gỡ” tội? - 3