Về đề nghị bồi thường Vinasun 41 tỷ đồng: Đại diện Grab nói "rất thất vọng"
(Dân trí) - Vụ kiện dai dẳng giữa Vinasun và Grab thu hút sự chú ý của dư luận. Có lẽ, đây là vụ kiện đầu tiên ở Việt Nam mà một doanh nghiệp taxi kiện một công ty công nghệ với cáo buộc bị sụt giảm lợi nhuận.
Chiều 23/10, tại phiên tòa xét xử vụ án tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do nguyên đơn là Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) kiện Công ty TNHH Grab (Grab), đại diện VKSND TP.HCM cho rằng có cơ sở khẳng định Grab đã gây thiệt hại cho Vinasun và đề nghị HĐXX chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, buộc Grab bồi thường cho Vinasun 41,2 tỷ đồng.
Ngay sau phần nêu quan điểm của Viện kiểm sát, ông Jerry Lim, Giám đốc Grab cho biết "rất thất vọng" với đề nghị bồi thường nêu trên.
Cũng theo đại diện Grab, cần xem lại nội dung giám định của Công ty giám định thiết hại Cửu Long để tham chiếu với kết quả giám định của Công ty Grant Thornton - một công ty giám định độc lập có uy tín trên thế giới.
“Trong suốt 4 ngày vừa qua tại các phiên tòa chúng tôi đã nêu ra rất rõ những điểm mơ hồ, thiếu chính xác và sai lầm trong báo cáo của các đơn vị giám định. Với việc không cho phép chúng tôi có quyền đối chất với các bên có liên quan thực hiện báo cáo này đã tạo nên một màn chắn không cho phép chúng tôi đối chất để làm rõ những vấn đề còn chưa rõ, mơ hồ và thiếu chính xác. Tất cả những báo cáo này đều được thanh toán bởi Vinasun do vậy chưa đáp ứng được tính chính xác và sự công bằng”, ông Jerry Lim nêu quan điểm.
Giám đốc Grab cho biết, hi vọng quyết định của tòa án nhân dân TP.HCM sẽ là quyết định vì tất cả mọi người Việt Nam chứ không phải vì bất cứ một cá nhân kinh doanh nào.
“Bất kể ngày 29/10/2018 quyết định của tòa án như thế nào thì chúng tôi vẫn sẽ cam kết tiếp tục đầu tư vào Việt Nam vì sự phát triển của xã hội và con người Việt Nam”, Giám đốc Grab nhấn mạnh.
Trước đó, hồi tháng 6 năm ngoái Vinasun kiện Grab ra tòa. Theo đơn khởi kiện, Vinasun cáo buộc Grab làm giảm doanh số, vi phạm nghiêm trọng Đề án 24 của Bộ GTVT, Luật Thương mại, Luật Giao dịch điện tử; vi phạm nghĩa vụ thuế đối với nhà nước; Grab hoạt động như một doanh nghiệp vận tải.
Đại diện Vinasun khẳng định, hành vi của Grab đã khiến 8.000 lao động của Vinasun mất việc cũng như hàng trăm xe phải ngưng hoạt động. Từ cáo buộc này, Vinasun yêu cầu Grab bồi thường một lần là 41,2 tỷ đồng.
Theo đại diện Vinasun, việc Grab khuyến mãi tràn lan và đưa ra giá cước rẻ mới là nguyên nhân chính gây ra thiệt hại. Việc lấy số xe nằm bãi một thời gian ngắn để tính thiệt hại cho cả một giai đoạn là không chính xác, vì mỗi khoảng thời gian có một tỉ lệ khác nhau.
Cụ thể, Vinasun cho biết lợi nhuận sau thuế năm 2015 của doanh nghiệp này gần 320 tỷ đồng, đến năm 2016 là hơn 295 tỷ. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2017 chỉ còn 53 tỷ, hết quý hai đã có hơn 8.000 nhân viên nghỉ việc, hàng trăm đầu xe phải nằm bãi...
Tại phiên toà ngày 21/10, Vinasun cho biết, thiệt hại thực tế không phải chỉ hơn 41 tỷ đồng. "Thực tế lớn hơn nhiều nhưng vì để nhanh chóng ngăn thiệt hại nên chúng tôi quyết định kiện số tiền đó. Số tiền kiện nhỏ hơn thiệt hại", đại diện Vinasun nhấn mạnh.
Vụ kiện dai dẳng giữa Vinasun và Grab thu hút sự chú ý của dư luận. Có lẽ, đây là vụ kiện đầu tiên ở Việt Nam mà một doanh nghiệp taxi kiện một công ty công nghệ với cáo buộc bị sụt giảm lợi nhuận.
Nhiều ý kiến cho rằng việc Vinasun khởi kiện Grab là không có cơ sở. Lý do được đưa ra là Grab ứng dụng công nghệ nên rẻ hơn, chất lượng tốt hơn nên thu hút được khách hàng.
Tuy nhiên cũng có quan điểm cho rằng phải xác định xem có hay không việc “Grab cạnh tranh không lành mạnh” và đây là một nội dung quan trọng cần phải làm rõ trong vụ kiện này. Bởi nếu thực sự Grab đang “bán phá giá” nhằm tiêu diệt đối thủ cạnh tranh thì đối thủ cạnh tranh có quyền khởi kiện đòi bồi thường...
Nguyễn Khánh