VPBank đạt 19.800 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế hợp nhất quý III

Trường Thịnh

(Dân trí) - Kết thúc quý III, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng gần 70% so với cùng kỳ.

Bán lẻ lên ngôi

Trong bối cảnh hoạt động ngành ngân hàng còn gặp nhiều khó khăn và môi trường lãi suất tăng cao trong quý III, VPBank vẫn ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất lũy kế đạt hơn 19.800 tỷ đồng, tăng 69% so với cùng kỳ, hoàn thành 67% kế hoạch lợi nhuận của năm 2022.

Nhờ đa dạng hóa doanh thu, thu nhập hoạt động (TOI) hợp nhất tính đến 30/9 đạt 45.000 tỷ đồng, tăng gần 36% so với cùng kỳ. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của ngân hàng hợp nhất tăng trưởng 59,2%, từ đó nâng tỷ trọng đóng góp của thu nhập ngoài lãi TOI vượt 30%. Trên báo cáo tài chính riêng, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đến hết quý III/2022 cũng tăng 56% so với cùng kỳ.

Doanh số giao dịch POS tăng gấp gần 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái nhờ tiêu dùng phục hồi. Trong khi đó, thu nhập từ hoạt động kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm đạt mức tăng trưởng 68% so với cùng kỳ. Tương tự, thu phí từ thẻ tăng 35% so với cùng kỳ.

VPBank đạt 19.800 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế hợp nhất quý III - 1
Tòa nhà trụ sở VPBank (Ảnh: VPBank).

Bán lẻ khẳng định vị thế trụ cột tại VPBank trong quý III khi quy mô và tỷ lệ dư nợ cấp tín dụng bán lẻ, gồm cho vay khách hàng cá nhân, SME và FE Credit, đóng góp gần 70% tổng dư nợ tín dụng của VPBank, với tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 20%.

Dư nợ tín dụng hợp nhất của VPBank đạt 443.000 tỷ trong quý III. Trong đó, tăng trưởng dư nợ tín dụng của ngân hàng đạt 15,45%, cao hơn mức trung bình ngành là 10,96%.

Nền tảng an toàn và vững chắc

Tỷ lệ dư nợ trên huy động (LDR) đạt mức 76% (so với giới hạn 85%) và tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn được kiểm soát ở mức 27% (so với yêu cầu 37%).

Vốn chủ sở hữu của ngân hàng hợp nhất đã cán mốc hơn 100.000 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý III.

Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) hợp nhất theo tiêu chuẩn Basel 2 đạt xấp xỉ 15.

Trong quý vừa qua, VPBank công bố phát hành cổ phiếu tăng cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. Dự kiến sau khi hoàn tất việc phát hành cổ phiếu, vốn điều lệ của VPBank sẽ tăng lên 67.000 tỷ đồng, trở thành một trong những ngân hàng có vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu lớn nhất hệ thống.

Trong khi đó, các chỉ số hiệu quả của ngân hàng hợp nhất như chỉ số chí phí trên thu nhập (CIR) đạt 22,3%, chỉ số lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) ở mức 3,5%, chỉ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 22,5.

Tỷ lệ nợ xấu (NPL) theo thông tư 11 của ngân hàng riêng lẻ được kiểm soát ở mức dưới 2%. Theo báo cáo riêng lẻ quý III/2022, gần 90% khách hàng cơ cấu đang trả nợ đúng hạn.

VPBank đạt 19.800 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế hợp nhất quý III - 2
Bán lẻ khởi sắc giúp VPBank đạt tăng trưởng lợi nhuận trong quý III/2022 (Ảnh: VPBank).

Trái ngọt chuyển đổi số

Đại diện VPBank cho hay, nhờ áp dụng công nghệ và chuyển đổi số kịp thời, ngân hàng đã khẳng định được vị thế của một trong những nhà băng bán lẻ hàng đầu tại thị trường Việt Nam. VPBank tiếp tục đặt kỳ vọng lớn vào công nghệ để mở rộng hệ sinh thái các sản phẩm, dịch vụ và giải pháp tài chính, trở thành trụ cột sinh lời trong những năm tiếp theo.

Riêng với ngân hàng số VPBank NEO, lượng khách hàng đăng ký sử dụng app trong quý III tăng 67% so với cùng kỳ, góp phần đưa tổng số khách hàng đăng ký sử dụng app lên 4,4 triệu khách hàng. Số lượng giao dịch qua VPBank NEO trong 9 tháng đầu năm tăng gần gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ huy động tiền gửi có kỳ hạn online trên cùng nền tảng đạt 71%, tăng 15% so với cuối năm 2021.

Các ứng dụng khác như VPBank Race CAR đã giúp VPBank vươn lên trong mảng cho vay xe du lịch cá nhân, giành được các thỏa thuận độc quyền với nhiều hãng xe ô tô như Hyundai, Honda và Mitsubishi. Với Cake by VPBank, chỉ sau khoảng 21 tháng ra mắt, ứng dụng này đã có được hơn 2,2 triệu khách hàng tham gia, tái khẳng định tham vọng phát triển và mở rộng của hệ sinh thái số VPBank.