1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

VPBank và những ảnh hưởng không tích cực từ đại dịch Covid-19

(Dân trí) - Triển vọng cho FE Credit trong năm nay có thể không hoàn toàn tích cực ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

FE Credit – “nồi cơm” của VPBank hứng tác động tiêu cực

Năm 2019 của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) trôi qua một cách thành công với các chỉ tiêu hoạt động kinh doanh đề ra đều được hoàn thành vượt ngưỡng và tăng trưởng mạnh so với năm trước. Tuy vậy đến năm 2020, sự lạc quan đã phải kìm hãm lại trước bối cảnh khó khăn chung của toàn thị trường.

Theo mục tiêu đặt ra tại Đại hội cổ đông thường niên 2020 mới đây của VPBank cho thấy, trong khi các mục tiêu tổng tài sản, tiền gửi khách hàng và dư nợ cấp tín dụng năm 2020 tăng trưởng lần lượt 12,7%, 10,4% và 12,3% thì mục tiêu lợi nhuận trước thuế lại được đặt thụt lùi, với 10.214 tỷ đồng, tương đương giảm 1,1% so với năm 2019.

Năm 2019, dư nợ cấp tín dụng (gồm trái phiếu doanh nghiệp) tăng trưởng 17,6% so với cuối năm trước, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng trung bình ngành năm 2019 là 12,1% nhờ sự đột phá chủ yếu từ các phân khúc tín dụng tiêu dùng (FE Credit), Khách hàng cá nhân và Khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Các phân khúc cốt lõi này đóng góp tới 68% vào dư nợ tín dụng của VPBank và gần 66% vào tổng lợi nhuận trước thuế.

VPBank và những ảnh hưởng không tích cực từ đại dịch Covid-19 - 1

E Credit được coi là “con gà đẻ trứng vàng” cho ngân hàng mẹ VPBank. 

FE Credit (FEC) có đóng góp lớn vào sự phát triển của VPBank giai đoạn 2015 - 2019. Liệu năm 2020, “nồi cơm” này còn đóng góp được nhiều cho ngân hàng mẹ VPB khi hầu hết các chuyên gia đều nhận định tiêu cực về lĩnh vực tài chính tiêu dùng?

Báo cáo tài chính quý 1/2020 của VPB cho thấy tăng trưởng danh mục cho vay của ngân hàng mẹ và FEC đều tương đối thấp. Phân tích của nhóm nghiên cứu Mirae Asset cho biết, việc tăng trưởng cho vay chậm trong quý 1 tác động bởi các yếu tố như: Hạn chế cho vay mới nhóm khách hàng cá nhân và SME – các đối tượng được xác định là bị ảnh hưởng từ dịch bệnh – để phòng ngừa rủi ro nợ xấu tăng cao; Giảm hạn mức tín dụng đã cấp hoặc hủy hạn mức đối với các khách hàng không giao dịch (vay nợ) thường xuyên và Tăng cường tín dụng cho các nhóm khách hàng không bị ảnh hưởng bởi dịch và có cơ cấu tài chính lành mạnh.

Vì vậy, tỉ lệ khách hàng cá nhân và SME trong cơ cấu tín dụng của ngân hàng mẹ đã giảm từ 54% trong năm 2019 xuống còn 51% trong quý 1/2020. Ngoài ra, dịch bệnh cũng đã bước đầu ảnh hưởng đến hoạt động của công ty tài chính, giải ngân của FEC trong quý 1 chỉ đạt 14,7 nghìn tỷ, giảm 15% so với quý trước.

Thông thường lượng giải ngân mới của FEC sẽ chiếm khoảng 30% tổng dư nợ cho vay của FEC, theo thống kê của Mirae Asset. Vì vậy, việc miễn giảm hoặc hoãn thu lãi và gốc của FEC sẽ ảnh hưởng đến vòng xoay tài sản của công ty tài chính này.

Theo thống kê thì trong các kỳ khủng hoảng, doanh thu của các công ty tài chính hoạt động tại các nước đang phát triển sẽ bị ảnh hưởng nặng nề với mức giảm doanh thu trung bình là 50% trong khi lợi nhuận âm là hoàn toàn có thể xảy ra.

Nhìn chung nhận định về điểm nhấn và rủi ro đối với VPBank, nhóm chuyên gia Mirae Asset cho rằng dịch bệnh sẽ ảnh hưởng xấu đến nguồn thu nhập chủ đạo của VPB – doanh thu từ danh mục tín dụng.

Các chuyên gia Vndirect cũng cho rằng tài chính tiêu dùng không thể phục hồi nhanh chóng sau dịch bệnh do thu nhập của người dân vẫn bị ảnh hưởng do nền kinh tế chung còn nhiều khó khăn, vì thế nhu cầu vay với mục đích tiêu dùng sẽ không tăng nhanh sau khi dịch bệnh kết thúc.

Tại ĐHĐCĐ vừa diễn ra hôm 29/5, ban lãnh đạo VPBank cũng thừa nhận trước tác động khó lường của dịch bệnh, các mục tiêu kinh doanh cả năm 2020 sẽ là thách thức không nhỏ với VPBank.

Nợ xấu có chuyển biến tích cực

So với các ngân hàng thương mại cổ phần, VPBank là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay ở mức cao. Cuối năm 2019, báo cáo tài chính hợp nhất cho thấy tỷ lệ này là 3,42%. Vào cuối quý 1/2020, tỷ lệ này đã giảm xuống còn 2,64, thể hiện nỗ lực lớn của ngân hàng.

Cũng theo Mirae Asset, dịch bệnh Covid-19 tạo ra rủi ro tăng nợ xấu, đặc biệt ở mảng tài chính tiêu dùng. Các công ty tài chính cung cấp các khoản cho vay tín chấp và thẻ tín dụng đến với đối tượng khách hàng đại chúng, và đây là phân khúc khách hàng có thu nhập thấp, chịu ảnh hưởng nhiều nhất khi kinh tế bị ảnh hưởng.

Riêng về Fe Credit, lãnh đạo ngân hàng này cho biết, trong thời gian qua đã tập trung vào nhóm khách hàng ít rủi ro hơn, tăng bán chéo, tìm cách kiểm soát rủi ro. Đến thời điểm này, Fe Credit mới chỉ tăng trưởng tín dụng hơn 1% và cũng xác định sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ trong tháng 6 với mức tăng trưởng chỉ khoảng 1-2%. Còn ở ngân hàng mẹ thì tín dụng vẫn tăng trưởng cho vay tốt, khoảng 12% tính đến hết tháng 5.

Tổng giám đốc Fe Credit là ông Kalidas Ghose cũng đánh giá dịch bệnh không chỉ tác động tiêu cực lên nhiều mặt đời sống ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới, và các công ty tài chính cũng không là trường hợp ngoại lệ. Song với định hướng kiểm soát rủi ro nên trong thời gian qua Fe Credit cũng đã giảm mạnh tỷ lệ nợ xấu từ mức 6% cùng kỳ 2019 xuống chỉ còn 4,4% như hiện nay - con số tương đối thấp trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng.

"Chúng tôi đã tập trung vào các khách hàng có rủi ro tốt hơn với lịch sử trả nợ tốt với các điều chỉnh phù hợp trong chính sách cũng như triển khai các hành động cụ thể cho từng phân khúc danh mục đầu tư. Tất cả những nỗ lực ấy dường như đã được đền đáp trong thời gian khó khăn này" - ông này nói.

Nguyễn Khánh