Vớt lục bình trên sông nuôi thỏ, bỏ túi 60 triệu đồng/tháng

(Dân trí) - Khi quyết định nuôi thỏ, Tú bị mọi người xung quanh trêu chọc là “tâm thần”. Thế nhưng, trại thỏ của Tú bước đầu đã mang lại hiệu quả khi doanh thu đạt khoảng 60 triệu đồng/tháng.

Vớt lục bình trên sông nuôi thỏ, bỏ túi 60 triệu đồng/tháng - 1

Cao Hoàng Tú, chàng trai trẻ bỏ công việc có thu nhập hơn 20 triệu đồng/tháng để về quê lập nghiệp. Ảnh: Đại Việt

Mặc kệ người khác cười đùa

Cao Hoàng Tú (31 tuổi, ngụ xã Trung An, huyện Củ Chi) được đào tạo bài bản ngành thú y chuyên về con heo. Tuy nhiên, đến khi đi làm, anh Tú lại “bén duyên” với con bò. Anh phụ trách mảng kinh doanh kiêm kỹ thuật ở một công ty chuyên về cung cấp giải pháp cho bò sữa.

Thế nhưng, hiện nay, anh Tú đang gây dựng một trang trại nuôi thỏ ngay chính tại mảnh vườn của gia đình mình.

Anh Tú cho biết, trước đây, gia đình anh nuôi rất nhiều heo nhưng heo mất giá khiến người nuôi thua lỗ. Thấy cha mẹ than phiền về con heo nên Tú xin nghỉ ở công ty đang cho anh mức thu nhập hơn 20 triệu đồng/tháng để về quê tìm sinh kế mới cho gia đình.

“Gia đình bán hết heo nên chuồng trại còn trống trải và chưa làm gì. Tôi nghiên cứu và quyết định nuôi thỏ từ giữa năm 2016. Nhiều người xung quanh nói tôi bị tâm thần, họ cười tôi vì nuôi thỏ không hiệu quả”, anh Tú nói.

Vớt lục bình trên sông nuôi thỏ, bỏ túi 60 triệu đồng/tháng - 2

Khu chuồng heo cũ được Tú tận dụng để nuôi thỏ. Ảnh: Đại Việt

Anh Tú tận dụng chuồng heo cũ để nuôi thỏ, hai loại thỏ chính được nuôi là thỏ Newzealand và thỏ California. Đây là hai loại thỏ nuôi thương phẩm hiệu quả, trọng lượng có thể đạt từ 4 – 5kg/con.

Theo anh Tú, nguồn thức ăn dành cho thỏ vô cùng đơn giản. Tú tận dụng các loại thức ăn xung quanh nhà để cho thỏ ăn như: bèo tây (lục bình), lá chuối, lá so đũa…nên thức ăn cho thỏ rất phong phú.

“Lục bình thì tôi vớt ở con sông sau nhà, lá chuối, lá so đũa và nhiều loại lá khác thì tôi cắt ở trong vườn nên không có gì phức tạp hết”, anh Tú vui vẻ nói.

Vớt lục bình trên sông nuôi thỏ, bỏ túi 60 triệu đồng/tháng - 3

Lá so đũa, lá chuối, lục bình là những loại lá có sẵn trong vườn và trôi dạt ngoài sông được Tú tận dụng cho thỏ ăn. Ảnh: Đại Việt

Cũng theo anh Tú, thỏ là loài động vật dễ nuôi nên người nuôi chỉ cần chú ý đến nhiệt độ chuồng từ 30 – 37 độ C là đạt yêu cầu. Nếu nhiệt độ cao, độ ẩm thấp thì dùng hệ thống phun sương. Nếu nhiệt độ cao và độ ẩm cao thì nên bật quạt gió để thỏ có không khí thoáng mát.

“Thỏ không bị bệnh tật gì phức tạp, chỉ có bệnh bại huyết là nguy hiểm nhưng đã có vắc xin để phòng ngừa. Người nuôi chỉ cần vệ sinh chuồng trại và tiêm phòng kháng sinh định kỳ là con thỏ khỏe mạnh”, anh Tú chia sẻ.

Hiện nay, đàn thỏ của Cao Hoàng Tú có 3.500 con, trong đó có 1.500 thỏ nái (thỏ sinh sản), còn lại là thỏ thịt và thỏ con.

Mỗi tháng, anh Tú cho xuất chuồng từ 300 – 500 con thỏ thịt với giá dao động từ 60.000 – 70.000 đồng/kg, doanh thu bình quân đạt khoảng 60 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, phân của thỏ sẽ được tận dụng để bón cho cây trong vườn và ủ hầm Biogas.

Vớt lục bình trên sông nuôi thỏ, bỏ túi 60 triệu đồng/tháng - 4

Phân thỏ cũng được tận dụng để bón cho cây trồng và ủ Biogas. Ảnh: Đại Việt

Gian nan "đầu ra" cho con thỏ

Anh Cao Hoàng Tú cho biết, việc nuôi thỏ không quá khó với người nông dân, đặc biệt là những nông dân trẻ dễ dàng tiếp thu công nghệ, kỹ thuật như anh. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất chính là đầu ra cho con thỏ.

"Hiện nay, tôi phải tự đi tìm các quán ăn, nhà hàng và các đại lý thu mua thỏ để bán thỏ cho họ. Tôi rất muốn bán thỏ vào các siêu thị hay chuỗi cửa hàng lớn nhưng chưa được, bởi con thỏ chưa có những chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng kiểu như VietGap hay các chứng nhận tiêu chuẩn tương tự. Điều này khiến cho đầu ra của thỏ gặp khó khăn", anh Tú nói.

Vớt lục bình trên sông nuôi thỏ, bỏ túi 60 triệu đồng/tháng - 5

Đầu ra cho con thỏ đang gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Đại Việt

Theo anh Tú, anh cũng từng đi cùng hội nông dân của huyện và thành phố để tiếp xúc với một "ông lớn" trong ngành bán lẻ tại Việt Nam. Mục tiêu của người nông dân là đưa con thỏ sạch vào chuỗi cửa hàng của công ty này. Tuy nhiên, mọi việc không thành vì hai bên chưa có "tiếng nói chung".

Cũng theo ông chủ trại thỏ, anh và nhiều nông dân nuôi thỏ khác đang rất mong cơ quan chức năng liên quan ban hành những quy chuẩn chất lượng dành riêng cho con thỏ để người dân thực hiện. 

Bởi, khi có những quy chuẩn rõ ràng thì người nông dân mới dễ dàng tìm được đầu ra cho con thỏ vốn đã gian nan suốt nhiều năm qua.

Vớt lục bình trên sông nuôi thỏ, bỏ túi 60 triệu đồng/tháng - 6

Thỏ là loài vật dễ nuôi nhưng đầu ra đang gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Đại Việt

“Từ sự vận động của địa phương, chúng tôi cũng thành lập Hợp tác xã chăn nuôi thỏ sạch Củ Chi để người nuôi thỏ có thể trao đổi kinh nghiệm và phát triển kinh tế. Thế nhưng, từ khi thành lập hợp tác xã đến nay thì chúng tôi không hề nhận được sự hỗ trợ nào từ các cơ quan liên quan. Người nuôi thỏ phải tự “bơi” là chính”, anh Tú chia sẻ.

Theo ghi nhận của Dân trí, tại TPHCM, nhu cầu mua thịt thỏ của người dân là khá nhiều. Tuy nhiên, loại thịt này ít được phân phối trong các hệ thống siêu thị hay các cửa hàng lớn. Người dân chủ yếu mua thỏ ở chợ hay các điểm bán gia cầm ven đường

Đại Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm