“Vốn ngoại đang quay lại chứng khoán Việt Nam”

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang thu hút sự quan tâm trở lại của các nhà đầu tư nước ngoài, Reuters cho biết.

Tuy nhiên, theo hãng tin này, thị trường Việt Nam cần gia tăng quy mô và tiếp tục được cải cách mới có thể hấp dẫn được nhiều hơn các nhà đầu tư tổ chức dài hạn của khối ngoại.
 
Từ đầu năm đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam là một trong những thị trường có mức tăng điểm mạnh nhất trên thế giới, với mức tăng trên 20% của chỉ số VN-Index. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng cổ phiếu Việt Nam thời gian qua, một phần nhờ sự cải thiện của môi trường vĩ mô, một phần do tâm lý ham thích rủi ro gia tăng.

 

“Giá cổ phiếu rẻ và hy vọng về việc Việt Nam sẽ vượt qua được những khó khăn kinh tế trong năm nay đã hấp dẫn các nhà đầu tư mua cổ phiếu”, phóng viên Reuters viết.

 

Lạm phát và thâm hụt thương mại giảm tốc đang được xem là những tín hiệu về sự chuyển biến kinh tế vĩ mô tích cực của Việt Nam. Hãng định mức tín nhiệm Fitch Ratings hồi đầu tuần này nhận xét, kinh tế Việt Nam đang đi vào bình ổn.

 

Trao đổi với Reuters, ông Mark Mobius, Chủ tịch điều hành công ty Templeton Emerging Markets Group cho biết, khối ngoại đang dành mối quan tâm trở lại cho thị trường Việt Nam “song song với tâm lý lạc quan ở Việt Nam rằng Chính phủ đang giải quyết hiệu quả những mất cân đối kinh tế”.

 

Chứng khoán Việt Nam chiếm khoảng 8,5% trong quỹ Templeton Frontier Markets trị giá 843 triệu USD dành cho các thị trường sơ khai (frontier markets) của công ty này.

 

Ông Mobius, người quản lý số tài sản trị giá 40 tỷ USD tại các thị trường mới nổi, tiết lộ, quỹ của ông đã mua cổ phiếu Việt Nam thuộc các lĩnh vực tiêu dùng và hàng hóa cơ bản.

 

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra lúc này là để duy trì sự tăng điểm, thị trường chứng khoán Việt Nam cần có độ sâu và độ rộng lớn hơn để tránh những rủi ro xảy ra những đợt điều chỉnh chóng mặt. Cho tới nay, thị trường Việt Nam vẫn chưa thể phục hồi hoàn toàn sau cú sụt giảm 66% trong năm 2008. Năm 2009, chứng khoán Việt Nam tăng 57%, nhưng rồi lại giảm 2% trong năm 2010 và tiếp tục “bốc hơi” 27% trong năm 2011.

 

Trong số các thị trường chứng khoán ở Đông Nam Á, Việt Nam là thị trường có quy mô khiêm tốn. Giá trị vốn hóa của sàn Tp.HCM chỉ vào khoảng 28 tỷ USD, so với mức trên 351 tỷ USD của thị trường Indonesia và mức hơn 268 tỷ USD của thị trường Malaysia.

 

Trong nỗ lực tăng cường quy mô thị trường, Việt Nam đã phát đi tín hiệu về việc tái khởi động lại nhiều kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) bị trì hoãn từ lâu của các doanh nghiệp Nhà nước.

 

Reuters nhận định, bên cạnh đó, thị trường chứng khoán Việt Nam cần phải khắc phục một điểm yếu lớn nữa là sự thiếu vắng của các nhà đầu tư tổ chức dài hạn. Việc thu hút các nhà đầu tư này tùy thuộc vào những cải cách tiếp theo của Việt Nam trong các lĩnh vực tài chính công và tăng cường hiệu quả cho các doanh nghiệp quốc doanh có kế hoạch lên sàn.

 

Ví dụ về một quỹ đầu tư nước ngoài đã rót vốn vào nhiều thị trường châu Á nhưng vẫn đứng ngoài thị trường Việt Nam là quỹ Aberdeen Asset Management.

 

“Về triển vọng dài hạn, thị trường Việt Nam rất hứa hẹn. Việt Nam có dân số đông và còn đang ở vào giai đoạn phát triển đầu tiên. Tuy nhiên, Việt Nam cần độ chín muồi trong các chính sách quản lý và thêm nhiều công ty niêm yết, thay vì chỉ có các công ty quốc doanh”, ông Christopher Wong, một nhà quản lý quỹ cấp cao của Aberdeen tại Singapore, nhận xét.

 

Ngân hàng Citigroup của Mỹ mới đây cũng khuyến nghị các nhà đầu tư nên xem Việt Nam là một thị trường quan trọng trong danh mục đầu tư vào các thị trường sơ khai, một phần vì giá cổ phiếu ở Việt Nam đang rẻ. Mặc dù có mức tăng điểm vượt xa so với mức tăng 3% của chỉ số MSCI Frontier Markets kể từ đầu năm, giá cổ phiếu của Việt Nam vẫn đang rẻ.

 

Reuters dẫn số liệu từ công ty StarMine cho thấy, hệ số giá/thu nhập (P/E) của thị trường Việt Nam đang là 11 lần, thấp hơn so với một số thị trường khác như Indonesia nơi P/E đang là 18 lần.

 

Theo dữ liệu từ công ty EPFR Global, từ đầu năm đến ngày 22/2, thị trường Việt Nam đã thu hút được số vốn ròng trị giá 32,2 triệu USD từ các quỹ ngoại, nhiều hơn lượng vốn ròng chảy vào các thị trường khác trong khu vực. Chẳng hạn, thị trường Malaysia chỉ thu hút được 12,2 triệu USD.

 

Quỹ trị giá 45,7 triệu USD đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam của GlobalLion là một trong những nhà đầu tư tổ chức hưởng lợi từ sự tăng điểm từ đầu năm tới nay của VN-Index. Lợi nhuận của quỹ này trong tháng 1 là 12,3%, vượt mức tăng 10,4% của VN-Index trong tháng.

 

“Các cổ phiếu mà chúng tôi đánh giá tích cực đều thuộc lĩnh vực tiêu dùng. Chúng tôi bi quan về ngành bất động sản do nguồn cung dư thừa và các biện pháp hạn chế cho vay địa ốc của Ngân hàng Nhà nước”, LionGlobal nhận xét về thị trường Việt Nam trong một báo cáo được Reuters trích dẫn.

 

Mặc dù có quan điểm trung tính về các cổ phiếu tài chính ở Việt Nam, GlobalLion vẫn đưa cổ phiếu Bảo Việt và Sacombank vào nhóm những cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục. Quỹ này còn đang nắm cổ phiếu của Masan Group.

 

Theo An Huy
VnEconomy