Vốn ngân hàng: Đảo nợ, cho vay lẫn nhau, đầu tư tài chính

Báo cáo tài chính của nhiều ngân hàng thể hiện vốn cho vay doanh nghiệp và nền kinh tế có phần “lép vế” so với cho vay liên ngân hàng và các hoạt động đầu tư tài chính khác.

Đầu tuần này, ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) áp dụng lãi suất huy động mới với mức cao nhất 13%/năm dành cho các khách hàng gửi tiết kiệm kỳ hạn 13 tháng; kỳ hạn 12 tháng tăng lên mức 12,5%/năm. Trước GPBank, một số ngân hàng khác như ACB, Sacombank, VietBank, BacABank, DaiABank… cũng đã tăng lãi suất huy động kỳ hạn dài với mức trần tương tự.
 
Vốn ngân hàng: Đảo nợ, cho vay lẫn nhau, đầu tư tài chính
Tiền huy động của dân vẫn vào ngân hàng đều đều, nhưng ngân hàng ngại cho doanh nghiệp vay. Ảnh: Lê Quang Nhật
 
Lý do tăng lãi suất thường được lãnh đạo một số ngân hàng giải thích là nhằm khuyến khích khách hàng gửi tiền kỳ hạn dài, nhằm cân đối kỳ hạn cho dòng vốn tín dụng của ngân hàng. Tuy nhiên, chuyên gia tài chính Nguyễn Đại Lai cho rằng đây cũng là một cách để lách quy định về trần lãi suất 9%/năm đối với kỳ hạn ngắn của ngân hàng Nhà nước (NHNN). Còn khi vốn đã vào ngân hàng rồi, việc sử dụng, cân đối ra sao, cho vay kỳ hạn dài hay ngắn là trong phạm vi tự quyết của ngân hàng. “Không loại trừ một số ngân hàng huy động vốn dài hạn nhưng thực chất là để bù đắp thanh khoản tạm thời. Ngân hàng nào thừa vẫn thừa, thiếu vẫn thiếu”, ông Lai nhận định.

Nguyên phó chủ tịch uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia Lê Xuân Nghĩa phân tích, trong bối cảnh hiện nay, người gửi tiền không mặn mà, ngân hàng dè dặt và bản thân doanh nghiệp cũng không mạnh tay đầu tư dài hạn, do vậy tỷ trọng vốn cho kỳ hạn dài không cao. Tuy nhiên, vì một số ngân hàng nhỏ, yếu thiếu vốn tăng lãi suất huy động để bù đắp thanh khoản, nên các ngân hàng lớn cũng buộc phải chạy đua theo, dù đầu ra cho tín dụng vẫn chưa thông.

Tính đến ngày 20/8, trong khi tăng trưởng tín dụng đạt 1,4% thì tổng số dư tiền gửi tại các nhà băng đã tăng 11,23% so 31.12.2011, theo bộ Kế hoạch và đầu tư. Vốn huy động vào ngân hàng vẫn tăng, song vốn cho vay ra vẫn dậm chân tại chỗ, vậy dòng tiền của nền kinh tế đổ đi đâu? Theo ông Lê Xuân Nghĩa, một số ngân hàng lớn vẫn xác định các ngân hàng nhỏ, hẹp cơ hội huy động vốn từ thị trường 1 (thị trường huy động từ doanh nghiệp, dân cư) là khách hàng tiềm năng. Một phần vốn huy động được gửi vào NHNN, mua trái phiếu chính phủ, đầu tư tài chính… “Các ngân hàng đúng là hiện hạn chế cho vay doanh nghiệp, vì rủi ro quá lớn. Cho vay liên ngân hàng, đầu tư trái phiếu… dù lãi suất thấp hơn, song cũng ít rủi ro hơn nhiều. Giữa lợi nhuận và an toàn, các ngân hàng đều có tâm lý nghiêng về lựa chọn an toàn”, ông Nghĩa nhận định.
 
Ông Nguyễn Đại Lai cho rằng: “Tăng trưởng tín dụng của toàn ngành rất thấp, song tổng tín dụng của nền kinh tế vẫn duy trì ở mức trên 120% GDP, chứng tỏ một tỷ trọng lớn món vay đã được đảo nợ”. Phần khác, các ngân hàng sử dụng vốn huy động để đầu tư phi tín dụng, như là mua trái phiếu, uỷ thác đầu tư… “Nhiều tổ chức tín dụng đã hoạt động như mô hình một công ty tài chính”, ông Lai nhận xét.

Báo cáo tài chính của không ít ngân hàng cũng thể hiện, vốn dành cho khách hàng chiếm tỷ trọng nhỏ. Cụ thể, báo cáo tài chính quý 2/2012 của LienVietPostBank, thể hiện: cho vay khách hàng hơn 16.000 tỉ đồng trong khi tiền, vàng gửi tại các TCTD khác và cho vay các TCTD khác hơn 14.000 tỉ đồng; chứng khoán đầu tư hơn 12.000 tỉ đồng! Ngân hàng SHB, tính đến 30.6.2012, cho vay khách hàng là hơn 30.000 tỉ đồng, tương ứng với giá trị tiền, vàng gửi và cho vay các TCTD khác cũng là hơn 30.000 tỉ đồng; chứng khoán đầu tư hơn 10.000 tỉ đồng, chưa kể các khoản góp vốn, đầu tư dài hạn khác. Một số ngân hàng có khoản đầu tư chứng khoán khá lớn như ngân hàng MB đầu tư hơn 26.000 tỉ đồng (cho vay khách hàng là hơn 64.000 tỉ đồng); ngân hàng Sacombank đầu tư hơn 20.700 tỉ đồng (cho vay khách hàng hơn 77.000 tỉ đồng)…

Theo Thảo Nguyễn
SGTT