Vốn hoá thị trường vượt 7 tỷ USD, Chính phủ dự kiến bán cổ phần tại Sabeco

(Dân trí) - Chính phủ sẽ thoái vốn khỏi Tổng Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) thành nhiều đợt để đạt được giá tốt nhất sau khi vốn hóa thị trường của doanh nghiệp này vượt 160.000 tỷ đồng, tương đương 7 tỷ USD.

Bloomberg dẫn một số nguồn tin cho biết, dự kiến Chính phủ sẽ phê duyệt kế hoạch thoái vốn tại Sabeco vào giữa tháng tới. Đợt thoái vốn đầu tiên trong 3 đợt có thể thực hiện ngay vào quý IV năm nay.

Javier Gonzales Lastra, một nhà phân tích tại Berenberg có trụ sở ở London cho rằng, việc chia nhỏ các đợt thoái vốn tại Sabeco sẽ là cách để Chính phủ thu về giá trị tối đa.

Trả lời Bloomberg, ông Nguyễn Trọng Dũng, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho biết, Chính phủ chưa quyết định về kế hoạch bán cổ phần của Sabeco và từ chối bình luận về việc bán cổ phần theo từng đợt.

“Bất kì ai mua đợt đầu tiên sẽ trả giá rất cao. Bạn sẽ thấy vui lòng khi phải trả một khoản lớn so với giá thị trường để được xếp ở vị trí ưu tiên. Và nếu bạn mua được cổ phiếu trong đợt đầu tiên và thứ hai, không có ai sẽ đến và trả giá cao hơn bạn trong đợt thứ ba chỉ để mua số cổ phần thiểu số còn lại", Lastra phân tích.


Theo kế hoạch được Bộ Công Thương công bố hồi tháng 8 năm ngoái, cơ quan này dự kiến thực hiện thoái vốn tại Sabeco làm hai giai đoạn (ảnh minh họa).

Theo kế hoạch được Bộ Công Thương công bố hồi tháng 8 năm ngoái, cơ quan này dự kiến thực hiện thoái vốn tại Sabeco làm hai giai đoạn (ảnh minh họa).

Theo Thomas Jastrzab, một nhà phân tích của Bloomberg Intelligence ở Hồng Kông, sở dĩ Việt Nam thực hiện bán từng phần là do tin rằng nhu cầu tiêu thụ bia sẽ còn tiếp tục gia tăng. Tuy nhiên, rủi ro là khả năng nhu cầu bia của Việt Nam sụt giảm, ảnh hưởng tiêu cực đến đợt bán tiếp theo.

Yeongmin Gil, Giám đốc điều hành Văn phòng luật sư Hàn Quốc Shin & Kim tại TP.HCM cho rằng, để tối đa hoá giá trị của Sabeco, bên bán sẽ phải trao đặc quyền mua cổ phần còn lại cho người mua đợt đầu. Nếu không được quyền mua đa số cổ phần tại Sabeco, các nhà đầu tư có thể sẽ từ bỏ thương vụ.

Giá cổ phiếu Sabeco trên HoSE hiện đã tăng gấp đôi kể từ khi niêm yết vào tháng 12 năm ngoái. Chỉ số P/E của cổ phiếu này hiện lên tới 36 lần, cao hơn nhiều so với mức 20 lần của Carlsberg A/S, hãng bia Đan Mạch sở hữu cổ phần tại CTCP Bia Rượu Hà Nội (Habeco). Trong khi đó, P/E của Heineken là 25 lần và của Asahi Group là 22 lần.

Theo ông Trần Nhật Trung, chuyên gia phân tích của ACBS, Sabeco khá đắt khi thị trường bia Việt Nam dự báo chỉ tăng trưởng khoảng 6% trong năm nay. Tuy nhiên, Sabeco vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư, đậc biệt là các công ty Nhật Bản do họ đang phải đối mặt với nhu cầu sụt giảm ở thị trường quê nhà.

Hiện tại có Heineken NV, Anheuser-Busch InBev và Asahi Group Holdings đã từng tỏ ý quan tâm đến cổ phần của Sabeco. Theo thống kê của Euromonitor, tầng lớp trung lưu đang tăng nhanh và cơ cấu dân số trẻ tại Việt Nam đã đẩy nhu cầu tiêu thụ bia tăng 300% từ năm 2002 tới nay. Lượng tiêu thụ bia bình quân đầu người của Việt Nam dự kiến sẽ đạt 40,6 lít trong năm nay, giúp Việt Nam giữ vững ngôi tiêu thụ bia nhiều nhất ở Đông Nam Á.

Liên quan tới công tác thoái vốn Nhà nước tại hai "ông lớn" trong ngành bia, tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Công Thương diễn ra tháng trước, ông Bùi Trường Thắng - Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương) cho biết, dự kiến sau khi được phê duyệt sẽ thực hiện bán vốn tại Sabeco và Habeco ngay trong năm 2017..

Theo kế hoạch được Bộ Công Thương công bố hồi tháng 8 năm ngoái, cơ quan này dự kiến thực hiện thoái vốn tại Sabeco làm hai giai đoạn: Giai đoạn 1 bán 53,59% vốn điều lệ, tương đương 24.000 tỷ đồng thực hiện trong năm 2016 và đợt 2 bán 36% vốn điều lệ còn lại, tương đương 16.000 tỷ đồng trong năm 2017.

Tháng 10/2016, Bộ Công Thương đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban chỉ đạo thoái vốn Nhà nước tại Sabeco, Habeco với Trưởng ban là Thứ trưởng Cao Quốc Hưng và 10 thành viên là lãnh đạo các phòng ban chuyên trách tại Bộ Công Thương, lãnh đạo Sabeco, Habeco.

Tuy nhiên, sau khi hai doanh nghiệp này lên sàn, đến nay đã quá nửa năm 2017 trôi qua song tiến độ thoái vốn Nhà nước khỏi Sabeco và Habeco vẫn chưa có gì tiến triển.

Phương Dung