Vô tư mở cửa thoát hiểm máy bay… đi toilet

Thời gian gần đây, các hãng hàng không liên tục phải đối mặt với những hành khách “quậy” có hành vi tự ý mở cửa thoát hiểm.

Cách đây không lâu, trên chuyến bay VN581 của Vietnam Airlines, bay từ Cao Hùng (Đài Loan) về TP.HCM, một vị khách người Đài Loan có nhu cầu đi vệ sinh. Nhưng do nhầm lẫn, ông đã đi về phía cửa thoát hiểm và gạt chốt, cố gắng mở cửa. Do máy bay đang bay, do áp suất chênh lệch và phải cần một lực lớn nên việc mở cửa thoát hiểm là không dễ dàng. Tuy nhiên, vị khách này đã bị giám sát suốt hành trình bay cho đến khi máy bay hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 

 

Trên một chuyến bay từ TP HCM ra Hà Nội của hãng hàng không giá rẻ VietJet Air, một hành khách gần 80 tuổi đã đi xuống phía cuối máy bay, loay hoay định mở cửa thoát hiểm để... đi vệ sinh. Một hành khách gần đó nhìn thấy đã hét lên "Không được mở cửa" khiến ông khách giật mình dừng tay.

 

Ngày 5/11/2011, trên chuyến bay mang số hiệu VN1162 hành trình TP HCM - Hà Nội, sinh viên Nguyễn Đức Duy (quê huyện Củ Chi - TP HCM), vô tư mở cửa thoát hiểm để...ngắm cảnh vì nghĩ đó là...cửa sổ. Ngay sau đó, cơ trưởng chuyến bay phải quyết định hoãn chuyến bay và chuyến bay đã bị chậm 2 giờ so với lịch trình.

 

Theo Duy, vì đây là lần đầu tiên đi máy bay nên sơ suất, vô tình vi phạm an toàn bay. Bên cạnh đó, vì không để ý bảng hướng dẫn nên Duy nhầm là cửa sổ nên kéo khóa chốt, ấn nút mở khiến phao cứu sinh nối từ thân máy bay xuống mặt đất mở tung. Mục đích mở cửa của Duy là để "chiêm ngưỡng cảnh bên ngoài cho dễ" chứ không xuất phát từ việc gây hại hoặc ảnh hưởng đến an toàn chuyến bay.

 

Mở cửa thoát hiểm máy bay Vietnam Airline để hít khí trời
Mở cửa thoát hiểm máy bay Vietnam Airline để hít khí trời

 

Còn trường hợp của hành khách Vũ Quốc Hưng lại mở cửa thoát hiểm L2 bên trái máy bay để... lấy không khí cho dễ chịu. Lần đầu tiên đi máy bay, lại không được tiếp viên trên máy bay nhắc nhở và nghĩ cửa thoát hiểm máy bay cũng giống như cửa thoát hiểm của xe bus nên ông tự ý mở.

 

Không ít trường hợp, mở cửa thoát hiểm của máy bay với mục đích là xuống cho nhanh. Máy bay vừa dừng ở sân bay Tân Sơn Nhất, hành khách Lê Văn Thuận ngồi gần cửa thoát hiểm đã tự ý mở bung cánh cửa này khi được một bà mẹ trẻ bế đứa con đang khóc nhờ mở cửa để cho hai mẹ con xuống nhanh hơn.

 

Trong một chuyến bay khác của Vienam Airlines, hành khách Lưu Ngọc Vinh đã bị phạt vì tự ý mở cửa hoát hiểm. Trong bản tường trình, hành khách này giải thích trong lúc mọi người đang đi ra khỏi máy bay thì nghe thấy một người già kêu mở thêm cửa. Anh làm theo, không ngờ đó là lối thoát hiểm.

 

Cấm nhưng vẫn cố

 

Trên hệ thống sân bay cả nước, mỗi năm, có cả chục vụ hành khách tự ý mở cửa thoát hiểm. Theo quy định của Cục Hàng không Việt Nam, khách không được tự ý sử dụng các thiết bị trên máy bay khi không có sự hướng dẫn của tiếp viên. Hành vi mở cửa thoát hiểm máy bay không đúng quy định khi máy bay đang ở dưới mặt đất có khung xử phạt từ 10 đến 20 triệu đồng theo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng.

 

Tự ý mở cửa thoát hiểm máy bay có thể bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng.
Tự ý mở cửa thoát hiểm máy bay có thể bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng.

 

Theo Cục này, cửa thoát hiểm máy bay chỉ được mở trong trường hợp khẩn cấp và có sự hướng dẫn của tổ bay. Khi phao trượt bị bung ra phải được gấp lại theo quy trình rất nghiêm ngặt, đã từng có trường hợp phải tháo phao trượt gửi ra nước ngoài để xử lý, thiệt hại lên tới hàng trăm triệu đồng, chưa kể lịch khai thác máy bay của hãng phải đảo lộn và có thể ảnh hưởng tới hành khách.

 

Đối với những loại máy bay thân lớn, có phao trượt như A320/321, Boeing 777... sau mỗi lần phải bung cửa thoát hiểm, hãng hàng không đều buộc phải đổi phương tiện khai thác để cuộn lại cửa.

 

Riêng chi phí đưa máy bay sang Singapore để đóng lại cửa cũng mất khoảng 10.000 USD, chưa kể thiệt hại do tạm thời phải "cắt" một máy bay khỏi lịch khai thác. Nếu sự việc xảy ra tại các sân bay địa phương, không sẵn sàng thiết bị và đội ngũ kỹ thuật để gấp lại phao thoát hiểm thì thiệt hại còn lớn hơn rất nhiều.

 

Những vụ mở cửa thoát hiểm liên tiếp xảy ra gần đây cho thấy ý thức kém về an toàn, an ninh của hành khách; đồng thời chứng tỏ công tác tuyên truyền của cơ quan quản lý, các hãng hàng không xem ra chưa có nhiều tác dụng. Người dân cần nâng cao ý thức của mình để tránh những vụ việc đáng tiếc xảy ra.

 

Theo D.Anh

VEF
 
Tỷ phú Buffett và những lời đồn quanh núi tiền mặt 40 tỷ USD