Vỡ mộng ăn nhanh: Lỗ triệu USD, đại gia fast food đóng cửa
Bùng nổ trong một thời gian ngắn, những tên tuổi lớn về chuỗi cửa hàng ăn nhanh giờ đang dần đóng cửa. Thị trường đồ ăn nhanh từng được dự đoán “hái ra tiền” khi lấy được lòng giới trẻ thì nay ngậm ngùi “sống chậm”.
Đua nhau mở chuỗi
Cách đây khoảng 10 năm, đi dọc các con phố tại Hà Nội hay TP.HCM, người tiêu dùng dễ dàng tìm thấy một quán gà rán. Sang trọng, cửa kính điều hòa mát lạnh, những cửa hàng này thu hút đông đảo giới trẻ. Có thể kể tới các thương hiệu: KFC và Jollibee vào Việt Nam năm 1997, Lotteria năm 1998, với số lượng lên tới hàng chục cửa hàng, ở nhiều địa điểm khác nhau.
Mật độ bao phủ của các cửa hàng kinh doanh ăn nhanh ngày càng nhiều, không chỉ ở ở trung tâm thương mại, thành phố lớn mà còn chuyển sang nhiều tỉnh lẻ. Cạnh tranh trở nên vô cùng khốc liệt khi thị trường hội tụ gần như đầy đủ các đại gia tranh hùng xưng bá.
Vào Việt Nam năm 2012, Burger King từng tham vọng đầu tư 40 triệu USD để phát triển chuỗi cửa hàng mang thương hiệu này ở các vị trí đắc địa và trải rộng khắp các tỉnh, thành, qua đó muốn người tiêu dùng dễ nhận diện và tiếp cận.
Đi sau các tên tuổi lớn, ông Nguyễn Bảo Hoàng, người đưa McDonald’s tới Việt Nam, từng kỳ vọng mở rộng quy mô của McDonald’s tại Việt Nam lên mức 100 địa điểm trong vòng một thập kỷ - một mục tiêu dù khó nhưng hoàn toàn có thể đạt được.
Theo ông Hoàng, McDonald’s sẽ đến lúc có hàng nghìn, thậm chí là hàng chục nghìn nhân viên ở Việt Nam. Không đưa ra bình luận gì về đối thủ cạnh tranh, phát ngôn viên của Burger King chỉ nói rằng, Việt Nam là một thị trường “then chốt trong các mục tiêu phát triển toàn cầu của chúng tôi”.
Các công ty kinh doanh fast food đã tích cực nhượng quyền để mở cửa hàng ở những vị trí đẹp. Tính đến nay, Lotteria và KFC đang sở hữu số lượng cửa hàng kinh doanh fast food lớn nhất tại Việt Nam.
Theo đánh giá của các chuyên gia, tiềm năng của thị trường Việt Nam là rất lớn. Mức thu nhập và thu nhập khả dụng ở Việt Nam đang tăng nhanh. Các chuỗi ăn nhanh sẽ hướng tới tầng lớp người Việt Nam trung lưu, có thu nhập hộ gia đình trong khoảng từ 500-1.000 USD mỗi tháng, và họ sẽ thành công. Trẻ em sẽ là đối tượng khách hàng chính. McDonald’s tham vọng sẽ là nơi tổ chức sinh nhật cho nhiều trẻ em Việt Nam.
Theo thống kê của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), 8 năm qua, cơ quan này đã cấp phép cho 148 thương hiệu và nhãn hiệu nước ngoài vào Việt Nam. Trong đó, lĩnh vực nhà hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất với 43,7%, bao gồm 42 thương hiệu nhà hàng thức ăn nhanh, bánh, cà phê, đồ uống, nhà hàng, lẩu nướng...
Không dễ “ăn nhanh”
Thực tế, các chuỗi ăn nhanh chỉ rầm rộ một thời gian đầu sau đó dần dần chìm hẳn. Không ít thương hiệu lớn đầu tư hàng tỷ đồng thuê mặt bằng tại các cửa hàng trung tâm thành phố, sau một thời gian, đã âm thầm đóng cửa. Số lượng các cửa hàng trong chuỗi ăn nhanh cũng giảm dần.
Giữa tháng 2/2016, cửa hàng Burger King tại số 1B-1B1 đường Cộng Hòa (Tân Bình, TP.HCM) thông báo đóng cửa. Một tháng trước đó, cửa hàng Burger King tại ngã tư đường Điện Biên Phủ - Cao Thắng, quận 3 (TP.HCM) cũng bị tháo dỡ để trả lại mặt bằng.
Năm 2015, 2 cửa hàng Burger King ở số 26-28 đường Phạm Hồng Thái (TPHCM) và 125 phố Lò Đúc (Hà Nội) phải ngừng hoạt động. Giữa năm 2014, cửa hàng Burger King tại Đà Nẵng cùng chung số phận.
Sau hiện tượng hàng dài người sắp hàng trong tuần đầu tiên khai trương, giờ đây McDonald's cùng lúc đang phải đối đầu với khó khăn cả trong và ngoài nước. Thương hiệu fast food lừng danh đến từ Mỹ từng đặt mục tiêu 100 nhà hàng sau 10 năm vào Việt Nam, song họ mới chỉ có vài địa điểm ở TP.HCM và chưa thể bước chân ra Hà Nội.
Một cái tên khác trong lĩnh vực thức ăn nhanh, tuy chưa gây được sự chú ý nhiều của người tiêu dùng do mới có 1 cửa hàng tại Việt Nam, nhưng cũng đang tìm đối tác nhượng quyền chính là Don Chicken.
Một chuyên gia trong lĩnh vực thực phẩm và dịch vụ ăn uống nhận định, kinh doanh ăn nhanh gặp khó ở Việt Nam do người tiêu dùng chạy theo thị hiếu. Trước đây, ngồi ăn gà rán máy lạnh là sang chảnh, nhưng giờ thì họ lại chuyển sang kiểu khác. Sự ồ ạt của các nhà hàng Nhật, Hàn,... cũng tạo nên áp lực cho các cửa hàng ăn nhanh. Bên cạnh đó, giá mặt bằng cao nên các chuỗi cửa hàng này không thể tồn tại lâu dài nếu doanh thu không hiệu quả.
Khi đó, các chuỗi ăn nhanh đã buộc lòng phải thay đổi lại thực đơn. Các nhà quan sát cho rằng vấn đề ở đây có thể liên quan đến khẩu vị và thu nhập của dân địa phương. Trước đây, khi các chuỗi cửa hàng fast food nước ngoài đến Việt Nam, chưa nơi nào bán thêm cơm; nhưng, giờ cơm lại gần như trở thành món chủ đạo đối với thực khách Việt Nam.
Chuyên gia này cũng chỉ rõ, sản phẩm phù hợp thị hiếu thói quen ẩm thực của người dân vẫn là yếu tố lõi, quan trọng bậc nhất tạo nên sự thành công của một thương hiệu phát triển theo chuỗi. Đó là lý do những chuỗi burger chững lại song những chuỗi bánh mỳ Việt vẫn nở rộ.
Theo Duy Anh
Vietnamnet